Hiệp định Paris – dấu son lịch sử – Bài 3: Vừa đánh vừa đàm

Sau khi ta giải phóng Quảng Trị, chính quyền Sài Gòn quyết tâm tái chiếm nơi này để mặc cả trên bàn đàm phán…

 

Khi đến Paris dự đàm phán, Mỹ vẫn còn ở thế mạnh. Hội nghị Paris vì thế ngoài việc đấu trí trên bàn đàm phán còn phải phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt ở chiến trường trong nước. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật vừa đánh vừa đàm của dân tộc ta.

Cố vấn Lê Đức Thọ với nụ cười thắng lợi tại Hội nghị Paris. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”

Cuối năm 1968, Richard Nixon đắc cử tổng thống Mỹ, nối tiếp vai trò của chính quyền Lyndon B. Johnson trên bàn đàm phán Paris. Để cứu vãn uy thế của nước Mỹ, Nixon đưa ra khẩu hiệu “hòa bình trong danh dự”, với tham vọng đàm phán, rút quân trên thế thắng tại bàn Hội nghị Paris.

Để thực hiện tham vọng trên, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” tại miền Nam Việt Nam, thí điểm bằng cuộc hành quân quy mô mang tên “Lam Sơn 719”. Phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã huy động đến bốn vạn quân, với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của Mỹ, mở cuộc hành quân tấn công vào Hạ Lào từ ngày 31-1-1971, với tham vọng phá vỡ hệ thống hậu cần của ta và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.

Sau gần hai tháng triển khai, cuộc hành quân này đã bị quân và dân ta phối hợp với nước bạn Lào đánh bại hoàn toàn. Bước đầu mong muốn giành ưu thế trên bàn đàm phán của Mỹ và VNCH đã bị phá sản.

Thiếu tướng-anh hùng LLVTND Lê Mã Lương, cựu binh Sư đoàn 304 từng tham chiến tại chiến trường Đường 9-Quảng Trị, chia sẻ: “Đây là một trong những chiến dịch phản công mẫu mực và ít hao người tốn của nhất trong số các chiến dịch của ta tổ chức từ trước tới nay. Với chiến thắng này, ta đã đánh quỵ và gần như làm sụp đổ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy”.

Giữ thành cổ Quảng Trị bằng mọi giá

Tiếp nối đà thắng lợi, để tạo thế và lực cho ta bước vào “giai đoạn nước rút” của đàm phán Paris trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Xuân-Hè 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Đây được xem là cuộc tổng tấn công chiến lược của quân dân ta trên các hướng chiến trường trọng điểm Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên, bằng các chiến dịch hợp đồng binh chủng trên quy mô lớn, mở màn từ ngày 30-3-1972.

Đến ngày 1-5-1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện này đã gây rúng động cả thế giới.

Để cứu vãn tình thế, phía VNCH, dưới sự yểm trợ của Mỹ, quyết tâm tái chiếm Quảng Trị trước ngày 13-7-1972 để mặc cả trên bàn đàm phán. Trận chiến 81 ngày đêm giữ vững thành cổ Quảng Trị vì thế diễn ra quyết liệt, giằng co giữa hai phía, trở thành một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến chống Mỹ.

Thiếu tướng Lê Mã Lương nói do tầm quan trọng của trận đánh này trên bàn đàm phán mà ta quyết tâm phải giữ vững thành cổ Quảng Trị bằng mọi giá. Mức độ tàn khốc của mặt trận này biểu hiện qua sự hy sinh, mất mát lớn về quân số. “Mỗi ngày chúng ta mất một đại đội. 81 ngày chúng ta mất 81 đại đội”. Ông khẳng định: “Trận đánh này rất đặc biệt. Chưa bao giờ có một trận đánh mà gần như toàn bộ Bộ Chính trị tập trung theo dõi từng bước đi của từng trung đoàn, sư đoàn như trận đánh này. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã có những bức điện trực tiếp chỉ thị cho cấp trung đoàn”.

Buộc Mỹ phải đàm phán nội dung thực chất

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT CHMNVN), kể những năm tháng ở Paris, phái đoàn ta thường theo dõi rất sát sao tình hình chiến trường trong nước để quyết định phương thức đấu tranh trên bàn đàm phán. Nhưng lúc đó điện đàm giữa Paris-Việt Nam có phần hạn chế nên phái đoàn ta thường phải theo dõi thông tin qua các báo đài, hãng thông tấn quốc tế.

Hai đoàn VNDCCH và CPCMLT CHMNVN tại Paris. Ảnh: TƯ LIỆU

Khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 mở màn, đàm phán Paris lâm vào bế tắc. Trưởng đoàn Xuân Thủy chủ trương mở tiệc chiêu đãi để tiếp xúc, tìm hiểu dư luận, hỗ trợ cho chiến trường. Ông Hà Đăng, người phát ngôn của Đoàn đại biểu CPCMLT CHMNVN tại hội nghị Paris, kể khi các nhà báo nước ngoài hỏi Trưởng đoàn Xuân Thủy về tình hình, diễn biến của Hội nghị Paris, ông đã ví von rằng: “Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Có nhà báo hỏi vậy Việt Nam là con kiến hay cái cành cụt. Ông Xuân Thủy cười: “Chúng tôi không phải cành cụt, cũng không phải con kiến”. Câu trả lời hàm ý chỉ tình trạng tiến thoái lưỡng nan của phía Mỹ.

Nhớ lại thời điểm bước ngoặt của cuộc đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Các trận đánh ác liệt năm 1972, đặc biệt là trận đánh 81 ngày đêm ở Quảng Trị, đã thúc đẩy đàm phán đi vào thực chất. Và những đòn tấn công ngoại giao của ta cũng có tính đột phá. Phải nhớ là trên bàn ngoại giao ta đã đưa ra giải pháp 10 điểm, rồi bổ sung 8 điểm, 7 điểm, 2 điểm. Tất cả phối hợp lại thúc đẩy Mỹ đi vào thực chất vào tháng 8-1972. Hơn nữa, lúc bấy giờ cũng sắp bầu cử ở Mỹ nên họ cũng có những tính toán riêng”.

Theo ông Vũ Dương Huân, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao – Bộ Ngoại giao, trong những cuộc đàm phán thời điểm cuối năm 1972, ta có sự linh hoạt, “biết chọn thời cơ và ngã bài đúng lúc”. Từ chỗ đặt vấn đề quân sự, chính trị cùng giải quyết song song đến việc chấp nhận để lại vấn đề chính trị cho người Việt Nam tự giải quyết, điều cốt yếu là Mỹ phải rút quân. Đến đầu tháng 10-1972, bản dự thảo hiệp định về cơ bản đã hoàn tất. Hai bên dự định sẽ ký tắt vào ngày 19 và ký chính thức vào ngày 26-10. Thế nhưng trên thực tế, điều này đã không xảy ra bởi sự lật lọng của Mỹ vào phút chót…

“Mỹ ra, ta ở lại”

Trong suốt quá trình đàm phán Paris, ta luôn kiên quyết giữ vững lập trường then chốt, đó là quân đội Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam có quyền ở lại chiến trường miền Nam.

PGS-TS-Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, kể: Trước ngày cố vấn Lê Đức Thọ lên đường sang Paris, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn căn dặn: “Anh Thọ sang bàn gì thì bàn, anh mặc cả, thỏa hiệp gì thì thỏa hiệp nhưng dứt khoát tôi không cho rút một người lính nào ra khỏi miền Nam”. Chủ trương này về sau được cô đọng thành câu khẩu hiệu “Mỹ ra, ta ở lại”.

Phía Mỹ đưa ra điều kiện quân Mỹ rút thì quân miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam. Ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, kể: Trong một cuộc gặp riêng, cố vấn Henry Kissinger đưa ra một cuộn băng và một tấm ảnh bảo đây là bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện, “xâm lược” của quân đội miền Bắc vào miền Nam. Rồi Kissinger đề nghị: “Tôi đồng ý rút nhưng mà các anh cũng phải rút”. Phản bác lại yêu cầu của cố vấn Mỹ, ta lập luận, nếu đặt giả thuyết bang Washington bị ngoại xâm, người của bang New York đến cứu bang Washington, hành động này sao có thể xem là “xâm lược”. Và rằng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi đánh nhau là việc của chúng tôi. Các anh là nước ngoài nên các anh phải rút”. Trước lập luận sắc bén này, phía Mỹ lâm vào thế bí và dư luận thế giới lại thêm hiểu về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà Mỹ nhượng bộ. Phải đợi đến khi quân dân ta giành được những thắng lợi về quân sự trên chiến trường ở cả hai miền Nam-Bắc thì Mỹ mới chấp nhận điều kiện then chốt này của ta.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Kỳ tới: Giành lấy chìa khóa hòa bình

Phút chót, Mỹ sử dụng con bài ném bom miền Bắc. Nhưng cuối cùng ta cũng đã buộc Mỹ phải đặt bút ký vào bản hiệp định lịch sử, giành lấy chìa khóa mở cánh cửa hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà.

Nguồn:phapluattp.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

70 năm tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(https://trangtinphapluat.com – Tư vấn pháp luật) Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *