BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 10/2019 Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 10 năm 2019

Biên soạn, tổng hợp: Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ
Website: http://tuphaptamky.gov.vn
Facebook: tuphaptamky
Fanpage: https://www.facebook.com/tuphaptamky.gov.vn/

I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Tám khoản chi phí xác định tổng mức đầu tư xây dựng
Ngày 14/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng,   có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2019.
Theo đó tổng mức đầu tư xây dựng được xác định dựa trên 08 khoản chi phí gồm: Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Chi phí xây dựng các công trình, hạng mục của dự án; Chi phí thiết bị mua sắm; Chi phí quản lý dự án; Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; Chi phí khác gồm các chi phí cần thiết để thực hiện dự án; Chi phí dự phòng.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư được thực hiện cùng với việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và phải tổ chức điều chỉnh khi phát sinh chi phí vượt tổng mức đầu tư.
Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí gồm cả chi phí dự phòng do điều chỉnh giá theo chỉ số giá tăng so với chỉ số giá tính trong chi phí dự phòng trượt giá của tổng mức đầu tư nhưng không làm vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh và trình người có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp làm tăng chi phí của dự án, dự án chậm tiến độ gây thất thoát, lãng phí do quyết định thực hiện dự án khi kế hoạch vốn không phù hợp với kế hoạch thực hiện dự án thì người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Sáu nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công
Ngày 15/8/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP về việc quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao, Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
Theo đó, khi thanh toán Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Dự án BT) bằng tài sản công, phải tuân thủ 06 nguyên tắc sau:
– Bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền cho phép;
– Thanh toán theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tài sản công tính theo giá thị trường, giá trị dự án tính theo kết quả đấu thầu;
– Phải tổng hợp vào ngân sách Nhà nước việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT;
– Thời điểm thanh toán là thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản…;
– Khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với giá trị công trình hoàn thành theo tiến độ chấm dứt từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản;
– Việc giao tài sản để thanh toán thực hiện sau khi dự án hoàn thành hoặc đồng thời tương ứng với khối lượng đã hoàn thành.
3. Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp      
Từ ngày 10/10/2019, Nghị định 70/2019/NĐ-CP về nghĩa vụ công an của Chính phủ chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định có 2 trường hợp công an nghĩa vụ được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, gồm:
– Phục vụ tại ngũ từ 15 tháng đến dưới 24 tháng, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn theo chế độ chuyên nghiệp thì được xét, dự tuyển vào các trường Công an nhân dân. Khi tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
– Người không thuộc trường hợp nêu trên, hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của công an nhân dân, nếu tự nguyện và công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.
4. Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu
Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:
– Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;
– Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;
– Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…
Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 – 03 tháng.
5. Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông
Theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông,   có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Thì tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông,cụ thể như sau:
– Ở trong khu vực đông dân cư:
+ 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên;
+ 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.
– Nếu ở ngoài khu vực dân cư:
+ 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên;
+ 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.
Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.
6. Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân từ 30.000 đồng
Từ ngày 16/10/2019, áp dụng lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân mới theo tinh thần của Thông tư 59/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Cụ thể như sau:
– Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng;
–  Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không dùng được; khi có thay đổi thông tin cá nhân hoặc khi có sai sót về thông tin trên thẻ: 50.000 đồng
– Cấp lại thẻ Căn cước công dân do bị mất là 70.000 đồng.
Nếu người từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; Đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý… không phải nộp lệ phí.
7. Giáo viên mầm non được học cách quản lý cảm xúc bản thân
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 12/10/2019.
Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.
Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.
8. Giám đốc Sở GDĐT không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm
Từ ngày 24/10/2019, quy định về tiêu chuẩn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT.
Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung như: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có năng lực tập hợp quần chúng… người được xem xét bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau:
– Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
– Đã đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo hoặc chức vụ tương đương trở lên.
– Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và chức danh tương đương.
9. Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình từ ngày 15/10/2019
Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Thông tư này nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
– Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình.
– Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
– Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng.
10. Có 56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm
Nội dung này nằm trong Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, áp dụng từ ngày 16/10/2019.
Cụ thể, tại Thông tư này, Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…
Khi sử dụng phụ gia, phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:
– Phụ gia thực phẩm phải là loại được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;
– Không vượt quá mức sử dụng tối đa;
– Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn…
11. Ban hành chuẩn quốc gia về chữ nổi Braile cho người khuyết tật
Ngày 30/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 15/2019/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy định chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật.
Cụ thể, chuẩn quốc gia về chữ nổi Braile cho người khuyết tật quy định về quy tắc đọc và viết ô Braile, hệ thống kí hiệu và quy tắc viết chữ nổi Braile tiếng Việt cho người khuyết tật nhìn dùng để đọc, viết. Quy tắc đọc chữ nổi Braile theo chiều từ trái sang phải, lần lượt từng ô Braile cho đến hết dòng; Quy tắc viết ô Braile theo chiều từ trái sang phải như khi đọc.
Thông tư cũng quy định cụ thể các quy tắc viết chữ nổi Braile tiếng Việt và hệ thống kí hiệu trong trình bày văn bản và trong các lĩnh vực như Toán học; Vật lí; Hóa học;… Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braile cho người khuyết tật áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động giáo dục và các hoạt động khác liên quan đến người khuyết tật.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/10/2019.
12. Sử dụng tối đa 105mg curcumin cho 01kg sữa lỏng có hương vị
Ngày 30/8/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.
Theo đó ban hành danh mục gồm 400 loại phụ gia được sử dụng trong thực phẩm và mức sử dụng tối đa đối với từng loại. Cụ thể: Đồ uống từ sữa dạng lỏng có hương vị được sử dụng tối đa 105mg curcumin/kg, đối với viên xúp và nước thịt thì mức tối đa là 50mg/kg; Erythrosin được sử dụng tối đa 200mg/kg quả ướp đường, mức sử dụng tối đa chất này đối với rau củ quả lên men và sản phẩm rong biển lên men là 30mg/kg, đối với sản phẩm dùng để trang trí lớp phủ, nước sốt ngọt thì lượng sử dụng tối đa là 100mg/kg…
Việc xác định mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) phải thực hiện theo các nguyên tắc sau: Hạn chế tối đa lượng phụ gia thực phẩm sử dụng để đạt được hiệu quả mong muốn; Lượng phụ gia sử dụng trong quá trình sản xuất không làm thay đổi bản chất của thực phẩm hoặc công nghệ sản xuất thực phẩm; Phụ gia được sử dụng phải bảo đảm chất lượng, an toàn dùng cho thực phẩm và có thể chế biến, vận chuyển như nguyên liệu thực phẩm.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/10/2019.
13. Năm căn cứ xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật giá dịch vụ giáo dục đào tạo
Ngày 30/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo đó, khi xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật giá dịch vụ giáo dục đào tạo phải dựa trên các căn cứ sau:
– Quy định về chương trình giáo dục, chương trình đào tạo, chuẩn khối lượng kiến thức, chuẩn năng lực đầu ra của người học ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo;
– Quy định điều lệ trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; định mức, chế độ làm việc của nhà giáo, định mức trang thiết bị giảng dạy…
– Điều kiện thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục về cơ sở vật chất: công trình xây dựng, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, sách giáo khoa, tài liệu;
– Quy định tiêu chuẩn định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước;
– Số liệu thống kê các tài liệu liên quan.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
14. Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi
Đây là tinh thần của Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành; áp dụng từ ngày 25/10/2019.
Theo đó, những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản…
Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên; đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.
Mức lãi suất vay ưu đãi như sau:
– Nếu thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định;
– Nếu không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.
15. Dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ không phải đăng ký hợp đồng theo mẫu
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 25/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Theo đó, bãi bỏ dịch vụ “Bảo hiểm nhân thọ” khỏi Danh mục nêu trên.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
16. Bảo hiểm xã hội tỉnh có tối đa 03 Phó Giám đốc
Ngày 29/7/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 969/QĐ-BHXH về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội địa phương.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh do Giám đốc quản lý, điều hành và có tối đa 03 Phó Giám đốc giúp việc. Riêng Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội thì số lượng Phó Giám đốc tối đa là 04 người.
Bảo hiểm xã hội tỉnh bao gồm 10 phòng: Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội; phòng Quản lý thu; phòng Giám định bảo hiểm y tế; phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng; phòng Cấp sổ, thẻ; phòng Tổ chức cán bộ; phòng Kế hoạch – Tài chính; phòng Thanh tra – Kiểm tra; phòng Công nghệ thông tin và Văn phòng.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
II. VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG
17. Thẩm quyền sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công không phải là trụ sở, nhà làm việc 
Ngày 18/9/2019, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 15/2019/QĐ-UBND ban hành quy định về phân cấp quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực 01/10/2019.
Theo đó, thẩm quyền sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công không phải là trụ sở, nhà làm việc thực hiện như sau:
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công với mức chi phí từ 500.000.000 đồng trở lên/01 lần sửa chữa, bảo dưỡng trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh và ý kiến Giám đốc Sở Tài chính.
– Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quyết định sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công với mức chi phí đến dưới 500.000.000 đồng/01 lần sửa chữa, bảo dưỡng cho đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc.
– Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (bao gồm đơn vị dự toán cấp III) trực thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quyết định sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công với mức chi phí đến 100.000.000 đồng/01 lần sửa chữa, bảo dưỡng.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công với mức chi phí trên 100.000.000 đồng/01 lần sửa chữa, bảo dưỡng trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp huyện.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp huyện quyết định sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công với mức chi phí đến 100.000.000 đồng/01 lần sửa chữa, bảo dưỡng.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *