BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 29/2019 Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 15/7 đến – 21/7/2019

Biên soạn, tổng hợp: Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ
Website: http://tuphaptamky.gov.vn
Facebook: tuphaptamky
Fanpage: https://www.facebook.com/tuphaptamky.gov.vn/
I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Chăn nuôi gia súc trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bị phạt đến 10 triệu đồng
Ngày 18/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, có hiệu lực 09/9/2019.
Cụ thể, tăng mức phạt từ 03 – 05 triệu đồng lên 05 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Nuôi trồng thủy sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Phá dỡ, xê dịch trái phép mốc chỉ giới, biển báo của công trình thủy lợi hoặc tự ý đấu nối kênh, đường ống dẫn nước;…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định về các mức xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi. Theo đó, hành vi thực hiện không đúng quy định trong quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi nhỏ đã được phê duyệt mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi thực hiện không đúng quy định trong quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt đã được phê duyệt mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng.
2. Bổ sung 16 loài động vật vào Danh mục nguy cấp được ưu tiên bảo vệ
Ngày 16/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, có hiệu lực 05/9/2019.
Theo đó, những loài động vật sau được bổ sung vào Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: Rùa đầu to (thuộc họ Rùa đầu to); thằn lằn cá sấu (thuộc họ Thằn lằn cá sấu); tắc kè đuôi vàng (thuộc họ Tắc kè); rẽ mỏ thìa, choắt mỏ vàng (thuộc họ Rẽ); trĩ sao, công (thuộc họ Trĩ); cầy giống đốm lớn, cầy vằn bắc, cầy gấm (thuộc họ Cầy)… Riêng trâu rừng nằm trong họ Trâu bò được loại khỏi Danh mục loài nguy cấp theo quy định mới tại Nghị định này.
Đặc biệt, bổ sung 08 loài thuộc họ Lan quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đó là: Lan hài chai (lan vân hài), lan hài xanh, lan hài chân tím (lan hài trần liên), lan hài trân châu, lan hài hằng, lan hài đỏ (lan hài hồng), lan hài tam đảo, lan hài thăng heng (lan hài hêlen).
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung cụ thể 03 loài thực vật khác vào Danh mục các loài nguy cấp, đó là: Hoàng liên gai lá mốc (Hoàng liên gai, hoàng liên ba gai, Tiểu nghiệt bá), hoàng liên gai lá nhỏ, hoàng liên gai lá dài thay vì chỉ quy định họ Hoàng liên gai chung như trước đây.
3. Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có hiệu lực 01/9/2019.
Cụ thể, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:
a- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;
b- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch;
c- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;
d- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
4. Tổ chức vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng
Chính phủ vừavban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, có hiệu lực 01/9/2019.
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

5.  Chín loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế
Ngày 17/7/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 17/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Theo đó, phải tổ chức cách ly y tế đối với 09 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B sau: bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, than, viêm màng não do mô cầu, chân tay miệng, thủy đậu, quai bị. Việc giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm sẽ được thực hiện đối với các đối tượng: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ.
Giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm được thực hiện dưới 02 loại hình là giám sát dựa vào chỉ số và giám sát dựa vào sự kiện. Giám sát dựa vào chỉ số được thực hiện thông qua việc thu thập thông tin về các bệnh truyền nhiễm, bao gồm giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm. Giám sát dựa vào sự kiện là việc thu thập các thông tin, sàng lọc, xác minh các dấu hiệu cảnh báo từ nguồn tin của cộng động, mạng xã hội…
6. Cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo hoạt động 24/24 giờ
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo ngày 17/7/2019, có hiệu lực từ ngày 03/9/2019.
Cụ thể, cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo là kho dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin về hộ, người hưởng chính sách trợ giúp xã hội và thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo, người cận nghèo dựa trên nền tảng web, có địa chỉ http://misposasoft.molisa.gov.vn, được lưu trữ ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các máy chủ quản trị cơ sở dữ liệu phụ đặt tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu được theo dõi, giám sát nhằm bảo đảm hoạt động liên tục 24 giờ/ngày, các ngày trong năm và thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng. Máy chủ do Trung tâm Thông tin, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý và chịu trách nhiệm vận hành.
Cũng theo quy định tại Thông tư, dữ liệu được cập nhật thường xuyên, cuối mỗi tháng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo tại Trung ương phải được lưu trữ thành một bản dữ liệu dự phòng. Cuối mỗi năm cơ sở dữ liệu phải được sao lưu thành một bản để làm dữ liệu hàng năm.
II. VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG
1. Quảng Nam dừng chi hỗ trợ CBCCVC tại Bộ phận một cửa từ 01/7/2019
Ngày 16/7/2019, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 2269 /QĐ-UBND Về việc dừng triển khai thực hiện Quyết định số 2647/QĐ-UBND  ngày 29/8/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết  số 77/2013/NQ-HĐND ngày 04/7/2013 của HĐND tỉnh  khóa VIII, kỳ họp thứ 8, từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc tỉnh thực hiện lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10/5/2019 của Bộ Tài chính, trong đó lưu ý dừng thực hiện chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã kể từ ngày 01/7/2019 theo quy định.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *