Hỏi đáp về Luật Thanh niên

Luật Thanh niên được Quốc hội Khoá XI kỳ họp thứ tám ngày 29/11/2005 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2006. Luật Thanh niên ban hành thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với thanh niên và công tác thanh niên. Luật Thanh niên là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hoá các quan điểm của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên; quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên, vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với sự nghiệp chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên.
Để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội và đông đảo đoàn viên, hội viên và thanh niên về nội dung của Luật Thanh niên, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xuất bản cuốn “Hỏi – đáp về Luật Thanh niên”. Tài liệu này giúp bạn đọc nắm vững những nội dung cơ bản của Luật Thanh niên được trình bày dưới dạng hỏi – đáp về các điều luật và một vài tình huống cụ thể; đồng thời đăng lại toàn văn Luật Thanh niên để nghiên cứu. Tài liệu này được biên soạn lần đầu tiên, không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Mong được sự góp ý của các bạn đọc.
_____________________

Hỏi: Từ năm 1985 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những văn bản nào thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Luật Thanh niên?
Đáp: Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò thanh niên công tác thanh niên. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh niên mỗi giai đoạn. Bên cạnh đó, Đảng còn ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về thanh niên và công tác thanh niên. Đặc biệt, từ năm 1985 đến nay Đảng ta đã ban hành những văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Luật Thanh niên, đó là:
+ Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 1/7/1985 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên” nêu rõ: “…Ban hành Luật Thanh niên để bảo đảm phát huy quyền làm chủ tập thể của tuổi trẻ”.
+ Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày16/4/1991 của Bộ Chính trị về “ Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên” xác định: “Xúc tiến nghiên cứu để ban hành những bộ luật bảo đảm cho thế hệ trẻ phát triển lành mạnh: Luật lao động, Luật Thanh niên, Luật cải cách giáo dục, Luật về trẻ em…”.
+ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, ngày 14/1/1993 về công tác thanh niên trong thời kỳ mới nhấn mạnh việc ban hành các chính sách, văn bản pháp quy về công tác thanh niên: “ Nhà nước ban hành và hoàn thiện các chính sách về việc làm, thu nhập, giáo dục, văn hoá, chăm sóc sức khoẻ và các chính sách kinh tế- xã hội khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ và phong trào thanh niên. Xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến công tác thanh niên.”
+ Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và lần thứ VIII (1996) cũng xác định việc xây dựng, ban hành Luật Thanh niên:
– Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nêu: “Xúc tiến nghiên cứu ban hành bộ luật bảo đảm cho thế hệ trẻ phát triển lành mạnh, cống hiến cho xã hội: Luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Thanh niên và Luật Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.”- Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VIII khẳng định: “…Nghiên cứu ban hành Luật Thanh niên”.

Hỏi: Hiến pháp 1992 đã có quy định như thế nào về thanh niên và công tác thanh niên?
Đáp:
Điều 66, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.
Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của nước ta. Luật Thanh niên ban hành là để cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp tại điều 66 nói trên và các điều khác có liên quan.
Hỏi: Mục đích ban hành Luật Thanh niên?
Đáp:
Luật Thanh niên ban hành nhằm mục đích
– Tạo cơ sở pháp lý để ban hành các chính sách, cơ chế bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên;
– Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với thanh niên các nước, các tổ chức trên thế giới;
– Tạo cơ chế để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác chăm sóc, giáo dục và phát huy thanh niên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh niên, ngăn chặn những tác động của tiêu cực, tệ nạn xã hội và “âm mưu diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Hỏi: Những nét đáng chú ý của quá trình xây dựng Luật Thanh niên?
Đáp
Luật Thanh niên được bắt đầu xây dựng từ những năm 1980 và quá trình xây dựng Luật Thanh niên có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1982 đến năm 1989, giai đoạn 2 từ năm 1995 đến năm 2005
Giai đoạn 1: Theo đề nghị của Ban Bí thư Trung ương Đoàn (khoá IV), Hội đồng Nhà nước đã quyết định đưa Luật Thanh niên vào Kế hoạch xây dựng pháp luật năm năm 1981-1985 và giao cho Trung ương Đoàn chủ trì soạn thảo. Từ đầu năm 1982, Trung ương Đoàn đã tổ chức soạn thảo Luật Thanh niên, cử nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tiễn tình hình thanh niên, công tác thanh niên tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học của công tác thanh niên và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cán bộ đoàn và đông đảo đoàn viên, thanh niên. Đến năm 1989, dự thảo Luật Thanh niên đã được dự thảo đến lần thứ 9 và trình lên Hội đồng Nhà nước xem xét.
Tuy nhiên, từ năm 1986, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế – xã hội. Dự thảo Luật Thanh niên lần thứ 9 cơ bản được xây dựng trên cơ sở lý luận và thực tiễn trước thời kỳ đổi mới, nên một số nội dung không còn phù hợp với chuyển động của thực tiễn, vì vậy việc soạn thảo Luật Thanh niên tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.
Giai đoạn 2: từ đầu những năm 90, cùng với những thắng lợi to lớn, toàn diện của công cuộc đổi mới và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên; cục diện tình hình thanh niên và phong trào thanh niên cả nước đòi hỏi có bước phát triển mạnh mẽ. Cuối năm 1994, Ban Bí thư Trung ương Đoàn (khoá VII) đã đề nghị Quốc hội cho tiếp tục xây dựng Luật Thanh niên. Năm 1995, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 8 đã đưa dự án Luật Thanh niên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Luật Thanh niên tiếp tục được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, XI. Trung ương Đoàn tiếp tục được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thanh niên
Ngày 25/11/2004, Quốc hội ra Nghị quyết số 35/2004/NQ-QHXI, trong đó xác định Luật Thanh niên sẽ được xem xét thông qua năm 2005;
Đến cuối năm 2004, dự án Luật Thanh niên đã được dự thảo tới lần thứ 18. Tháng 2/2005, sau khi tiếp thu góp ý của Chính phủ, dự án Luật Thanh niên được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.Ngày 31/3/2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, góp ý dự án Luật Thanh niên và giao cho Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cùng với Trung ương Đoàn hoàn thiện dự án Luật Thanh niên trình Quốc hội.

Tháng 6/2005, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo trình dự án Luật Thanh niên, Báo cáo thẩm định dự án Luật Thanh niên và thảo luận, góp ý cho dự án Luật Thanh niên.

Sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, dự án Luật Thanh niên đã được thảo luận, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI ngày 29/11/2005.

Ngày 9/12/2005, Chủ tịch nước đã ban hành lệnh số 24/2005/L/ CTN công bố Luật Thanh niên.

Luật Thanh niên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006.

Hỏi:Vai trò của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Luật Thanh niên?
Đáp
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có vai trò to lớn và quan trọng trong việc xây dựng Luật Thanh niên. Điều đó thể hiện ở các điểm sau:
– Luật Thanh niên được xây dựng theo sáng kiến pháp luật của Đoàn thanh niên. Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đoàn khoá IV đã đề xuất với Hội đồng Nhà nước xây dựng, ban hành Luật Thanh niên. Sau một thời gian nghiên cứu và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, đến cuối năm 1994, Ban Bí thư Trung ương Đoàn khoá VII lại đề xuất với Quốc hội tiếp tục xây dựng Luật Thanh niên.
– Trung ương Đoàn là cơ quan chủ trì soạn thảo và là cơ quan trình dự án Luật Thanh niên với Quốc hội. Trưởng Ban soạn thảo Luật Thanh niên các thời kỳ là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn. Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có nhiều phiên họp xem xét, góp ý cho các lần dự thảo Luật Thanh niên.
– Trung ương Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, đoàn thể và phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn, Hội, của đông đảo cán bô, đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia góp ý xây dựng Luật Thanh niên.
– Xác định rõ vai trò to lớn, quan trọng trong việc xây dựng Luật Thanh niên, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã thực hiện chức năng của mình là người đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên.Hỏi: Luật Thanh niên có bao nhiêu chương, điều; bao gồm những nội dung cơ bản gì?

Đáp:
Luật Thanh niên gồm có 6 chương với 36 điều. Bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

Chương I: Những quy định chung, gồm có 8 điều, từ điều 1 đến điều 8, quy định những vấn đề chung nhất, mang tính nguyên tắc như: khái niệm thanh niên, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, về vị trí, vai trò của thanh niên, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên, xã hội hoá công tác thanh niên; về Quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Hợp tác quốc tế về thanh niên và các hành vi bị nghiêm cấm đối với thanh niên.
Chương II: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên: gồm có 8 điều, từ điều 9 đến điều 16, quy định về quyền, nghĩa vụ của thanh niên trong học tập; lao động; bảo vệ Tổ quốc; hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường; hoạt động văn hoá, nghệ thuật, du lịch, vui chơi, giải trí; bảo vệ sức khoẻ, thể dục, thể thao; hôn nhân và gia đình; trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.

Chương III: Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên: có 11 điều, từ Điều 17 đến Điều 27. Từ Điều 17 đến Điều 23, quy định về trách nhiệm của Nhà nước, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên nói chung trong các lĩnh vực học tập và hoạt động khoa học, công nghệ, lao động, bảo vệ tổ quốc, hoạt động văn hoá nghệ thuật, vui chơi, giải trí, bảo vệ sức khoẻ và hoạt động thể dục, thể thao, hôn nhân và gia đình, tham gia quản lý nhà nước và xã hội;

Từ Điều 24 đến Điều 27, quy định chính sách cho một số đối tượng thanh niên, gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên xung phong, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo.

Chương IV: Trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: gồm có 4 điều, từ Điều 28 đến Điều 31, quy định về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến đủ 18 tuổi; việc áp dụng Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 đến đủ 18 tuổi.
Chương V:Tổ chức thanh niên: gồm có 3 điều, từ Điều 32 đến Điều 34, quy định về khái niệm tổ chức thanh niên; vị trí, vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Chương VI: Điều khoản thi hành: có 2 điều, là Điều 35 và Điều 36, quy định về hiệu lực thi hành của Luật Thanh niên và hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định độ tuổi thanh niên là bao nhiêu tuổi? Có những căn cứ nào cho việc quy định độ tuổi này?
Đáp:
Điều 1, Luật Thanh niên quy định: “Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”. Căn cứ để quy định độ tuổi thanh niên như sau:

Luật Thanh niên quy định độ tuổi của thanh niên là từ đủ 16 tuổi là để đảm bảo sự tiếp nối giữa tuổi trẻ em với tuổi thanh niên, phù hợp với Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em vì theo quy định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Căn cứ các nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, sự phát triển về mặt xã hội của thanh niên; căn cứ truyền thống văn hoá và đời sống kinh tế – xã hội của đất nước; ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và ý kiến của thanh niên; tham khảo quy định độ tuổi thanh niên của các nước trong khu vực và trên thế giới, Luật Thanh niên đã xác định độ tuổi cao nhất của thanh niên đến 30 tuổi là phù hợp.

Vì vậy, Luật Thanh niên đã quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.

Hỏi: Độ tuổi thanh niên quy định trong Luật Thanh niên có ảnh hưởng gì đến độ tuổi sinh hoạt Đoàn, Hội không? Tại sao?

Đáp:

Độ tuổi thanh niên quy định trong Luật Thanh niên không ảnh hưởng đến độ tuổi sinh hoạt Đoàn, Hội.

Độ tuổi thanh niên quy định trong Luật Thanh niên xuất phát từ khả năng thực tế và nhiệm vụ công tác thanh niên của Nhà nước, xuất phát từ thực tiễn phân tầng lứa tuổi dân cư trong xã hội và tính thống nhất của luật pháp trong một quốc gia.

Đối với tổ chức Đoàn và Hội, Luật Thanh niên chỉ quy định nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi tổ chức hoạt động; xác định trách nhiệm pháp lý của tổ chức Đoàn, Hội đối với thanh niên; không quy định độ tuổi đoàn viên, hội viên. Độ tuổi đoàn viên, hội viên do tổ chức Đoàn, Hội quy định trong Điều lệ tổ chức xuất phát từ tôn chỉ, mục đích của Đoàn, Hội. Do vậy độ tuổi thanh niên quy định trong Luật Thanh niên không ảnh hưởng đến độ tuổi đoàn viên, hội viên.

Hỏi: Tôi 15 tuổi là Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, anh họ tôi 32 tuổi là hội viên Hội LHTN Việt Nam. Vậy khi tôi và anh tôi tham gia các hoạt động của thanh niên chúng tôi có quyền, nghĩa vụ và được hưởng những chính sách như thanh niên quy định trong Luật Thanh niên không? Vì sao?

Đáp:
Luật Thanh niên quy định thanh niên là công dân từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi, không quy định quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với đoàn viên, hội viên. Bạn và anh của bạn không thuộc nhóm tuổi thanh niên theo quy định của Luật Thanh niên, vì vậy, bạn và anh của bạn không có các quyền, nghĩa vụ và hưởng những chính sách như thanh niên quy định trong Luật Thanh niên. Các bạn tuân thủ các quy định của Điều lệ Đoàn, Hội với tư cách là đoàn viên, hội viên của tổ chức Đoàn, Hội.

Trong trường hợp 2 bạn tham gia một hoạt động nào đó của thanh niên do Đoàn, Hội tổ chức và có chính sách của Nhà nước tác động tới thì các bạn thụ hưởng chính sách đối với hoạt động đó với tư cách là đối tượng mà chính sách đó tác động.

Hỏi: Phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên?

Đáp:

Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội thuận lợi để phát triển toàn diện và phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Luật Thanh niên quy định các quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong một số lĩnh vực, đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên, đảm bảo cho thanh niên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; quy định một số vấn đề chung nhất về vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên (Khoản 1 điều 2 Luật Thanh niên).

Hỏi: Đối tượng điều chỉnh của Luật Thanh niên?

Đáp:

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Thanh niên, đối tượng áp dụng của Luật Thanh niên bao gồm: “… cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam” (gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân); “cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến thanh niên Việt Nam…” (trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác).

Hỏi: Vị trí, vai trò thanh niên được xác định như thế nào trong Luật Thanh niên?

Đáp:

Thanh niên là lực lượng xã hội hùng hậu, có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là lực lượng trực tiếp kế tục sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn tiếp theo và quyết định tương lai của đất nước. Nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển và phát huy thanh niên; chủ trương xã hội hoá công tác thanh niên, coi công tác thanh niên không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội.

Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã đánh giá vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Đồng thời xác định: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên”.
Thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, khoản 1 Điều 4 Luật Thanh niên quy định: “Thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội”.

Hỏi: Ai có trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thanh niên?

Đáp:

Luật Thanh niên quy định trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thanh niên là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội. Khoản 2 và khoản 3, Điều 4 Luật thanh niên quy định như sau:

2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dướng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, ý chí vươn lên phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

3. Các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân có trách nhiệm góp phần tích cực vào việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò thanh niên.”

Hỏi: Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên bao gồm những nội dung gì?

Đáp:Khoản 1 Điều 5 Luật Thanh niên quy định: “Nội dung quản lý Nhà nước về công tác thanh niên bao gồm:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, chương trình phát triển thanh niên và công tác thanh niên;
b) Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên;
d) Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về công tác thanh niên”.

Hỏi: Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác thanh niên?Đáp:

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác thanh niên được quy định ở Khoản 2 Điều 5 Luật Thanh niên như sau:

a) Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thanh niên;
b) Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh niên theo sự phân công của Chính phủ;

c) Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh niên ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ”.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định như thế nào về Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam?

Đáp:

Điều 6 Luật Thanh niên quy định:

“Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Tổ chức, hoạt động của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định nghiêm cấm thanh niên có các hành vi nào? Tại sao?Đáp:

Khoản 1 Điều 8 Luật Thanh niên quy định: “Nghiêm cấm thanh niên thực hiện các hành vi sau đây:

– Vận chuyển, mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý;
– Hoạt động mại dâm, đánh bạc, tham gia các tệ nạn xã hội khác;
– Mua, bán, trao đổi, tàng trữ, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung độc hại;
– Gây rối trật tự công cộng”.

Với tư cách là công dân, thanh niên không được làm tất cả những việc mà pháp luật cấm. Trong những năm gần đây, vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội là tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tập trung trong nhóm các tội phạm về ma túy, mại dâm, gây rối trật tự công cộng… Những hành vi quy định tại khoản1 Điều 8 nói trên đều đã bị cấm bởi các luật khác. Nhưng đây là nhóm hành vi mang tính đặc thù thường xảy ra đối với lứa tuổi thanh niên, vì vậy Luật Thanh niên quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế những hành vi đó trong thanh niên.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định nghiêm cấm các hành vi nào đối với các tổ chức cá nhân? Ý nghĩa của quy định nghiêm cấm các hành vi đó?
Đáp:

Khoản 2 Điều 8 Luật Thanh niên quy định: “Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc thanh niên thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

Thanh niên đang trong giai đoạn phát triển về tâm lý, trí tuệ, thể chất, thích tự khẳng định bản thân, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống do đó dễ bị các phần tử xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo hoặc bị lừa dối, ép buộc có những hành vi trái với đạo đức xã hội thậm chí vi phạm pháp luật. Để bảo vệ thanh niên tránh bị lợi dụng bởi các phần tử xấu, Luật Thanh niên quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc thanh niên thực hiện các hành vi vận chuyển, mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, hoạt động mại dâm, đánh bạc, tham gia các tệ nạn xã hội, mua, bán, trao đổi, tàng trữ, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung độc hại, gây rối trật tự công cộng.

Hỏi: Phấn chấn vì đội bóng đá của đội nhà thắng đội bạn, D (31 tuổi) đã rủ một số thanh niên cùng nhau đua xe quá tốc độ cho phép, vừa lạng lách và bóp còi inh ỏi làm rối loạn dòng người đi trên đường phố. Hành vi đó của D và số thanh niên đó đã vi phạm quy định nào của Luật Thanh niên?

Đáp:

Hành vi đua xe của D và số thanh niên nói trên đã vi phạm quy định tại mục d khoản 1 Điều 8 của Luật Thanh niên về hành vi gây rối trật tự. Hành vi rủ một số thanh niên đua xe của D vi phạm khoản 2 Điều 8 của Luật Thanh niên về hành vi lôi kéo thanh niên thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng.

Hỏi: Quyền, nghĩa vụ thanh niên được quy định như thế nào trong Luật Thanh niên?

Đáp:Thanh niên là lớp người đang trong quá trình hoàn thiện và trưởng thành rất cần sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Việc quy định các quyền, nghĩa vụ của thanh niên nhằm định hướng cho thanh niên rèn luyện, phấn đấu, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước; đồng thời, thông qua việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình để vươn lên tự hoàn thiện mình, tích cực học tập, lao động lập thân, lập nghiệp.
Luật Thanh niên quy định một số quyền, nghĩa vụ của thanh niên với tư cách là công dân mang tính nguyên tắc tại Hiến pháp và một số Luật liên quan khác, đồng thời bổ sung những nội dung mới và cụ thể hoá ở mức cao hơn những quyền và nghĩa vụ cơ bản phù hợp với đặc thù riêng vốn có của thanh niên. Khoản 1 Điều 3 Luật Thanh niên quy định: “Thanh niên có các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này”. Chương II Luật Thanh niên không nhắc lại tất cả các quyền và nghĩa vụ của thanh niên với tư cách là công dân đã quy định trong Hiến pháp và các luật khác, mà tập trung quy định các quyền, nghĩa vụ của thanh niên trên một số lĩnh vực có tác động mạnh mẽ, quan trọng đến sự phát triển và phát huy thanh niên, đó là các lĩnh vực: giáo dục; lao động; bảo vệ tổ quốc; hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường; hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí; bảo vệ sức khoẻ, thể dục, thể thao; hôn nhân và gia đình; tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Hỏi: Nói mọi thanh niên đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, vậy nguyên tắc này được hiểu như thế nào trong Luật Thanh niên?
Đáp:

Khoản 2 Điều 3 Luật Thanh niên quy định: “Thanh niên không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp đều được tôn trọng và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ”. Điều này có nghĩa là: mọi thanh niên đều có các quyền và nghĩa vụ theo quy định Hiến pháp, pháp luật và các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thanh niên, không kể thanh niên đó là người dân tộc nào, là nam hay nữ, thành phần xuất thân, không theo hoặc theo tôn giáo, theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, là người có trình độ văn hoá cao hay thấp, có nghề nghiệp này hay nghề nghiệp khác đều được đối xử như nhau trước pháp luật.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định cụ thể nào nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên?

Đáp:

Thanh niên là lực lượng xã hội có nhiều tiềm năng to lớn, đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vì vậy bên cạnh việc quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên thì Luật Thanh niên đã quy định quyền, nghĩa vụ của thanh niên trên một số lĩnh vực, trong đó có một số quy định nhằm phát huy vai trò xung kích, tích cực của thanh niên. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 9 quy định thanh niên: “Tích cực học tập hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục và vươn lên học tập ở trình độ cao hơn”;
Khoản 3 Điều 9 quy định thanh niên: “Xung kích tham gia các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo”;

Khoản 4 Điều 10 quy định thanh niên: “Xung kích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hôi đặc biệt khó khăn”;

Khoản 3 Điều 11 quy định thanh niên: “… xung kích đấu tranh chống mọi hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”;
Khoản 3 Điều 13 quy định thanh niên: “… tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng”;

Khoản 2 Điều 14 quy định thanh niên: “… tích cực tham gia các hoạt đông thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể”;

Khoản 3 Điều 15 quy định thanh niên: “Gương mẫu thực hiện pháp luật về hôn nhân, gia đình, về dân số và kế hoạch hoá gia đình”.

Hỏi: Khoản 2 điều 9 Luật Thanh niên quy định: “Tích cực học tập hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục”. Vậy điều này sẽ được hiểu như thế nào trong khi Luật Giáo dục quy định phổ cập giáo dục ở nước ta là đến trung học cơ sở?

Đáp:

Theo quy định tại khoản 1 điều 11 của Luật Giáo dục thì cấp học phổ cập cao nhất hiện nay là giáo dục trung học cơ sở và mục tiêu của chiến lược giáo dục tạo nước ta là đến năm 2010 sẽ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Theo quy định tại khoản 2 điều 11 của Luật Giáo dục thì mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Thanh niên là công dân nên cũng phải có nghĩa vụ như trên. Đối chiếu quy định này, thì đến 2010, nếu ở độ tuổi thanh niên thì hầu hết đã hoàn thành chương trình phổ cập trung học cơ sở. Mặt khác đến 2010, sau khi đã phổ cập trung học cơ sở, mục tiêu hướng đến của giáo dục đào tạo ở nước ta sẽ là tiếp tục phổ cập trung học phổ thông và cao hơn. Thời điểm Luật Thanh niên có hiệu lực là ngày 1/7/2006, vì vậy nếu quy định cứng trong Luật Thanh niên với trình độ phổ cập giáo dục là trung học cơ sở thì thống nhất với Luật Giáo dục hiện hành nhưng sẽ nhanh chóng phải điều chỉnh khi Luật Giáo dục có sự thay đổi về phổ cập giáo dục ở trình độ cao hơn. Do đó quy định như Luật Thanh niên hiện nay là theo hướng mở và linh hoạt “thanh niên có nghĩa vụ tích cực hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục” có nghĩa là, khi có sự điều chỉnh quy định về việc phổ cập giáo dục đến trình độ nào thì thanh niên có nghĩa vụ phải hoàn thành chương trình phổ cập ở trình độ đó. Quy định này vừa không trái với quy định hiện hành và vừa có hướng đón đầu về trình độ phổ cập giáo dục trong thời gian tới.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định những chính sách gì hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên để hoàn thành phổ cập giáo dục?
Đáp:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Thanh niên, thanh niên chưa hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục được nhà nước tạo điều kiện để tiếp tục theo học hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, thực hiện chính sách miễn, giảm học phí học tập; đối với trường hợp thanh niên của hộ nghèo còn được cấp sách giáo khoa, hỗ trợ về đời sống để theo học hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục.

Hỏi: Là thanh niên nhưng tôi chưa hoàn thành chương trình phổ cập trung học cơ sở. Luật Thanh niên quy định cụ thể nào trong trường hợp tôi muốn hoàn thành chương trình phổ cập trung học cơ sở ?
Đáp:

Luật Thanh niên quy định về trường hợp của bạn như sau: tại khoản 1 Điều 17 Luật Thanh niên quy định: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục”. Nhưng nếu bạn đang trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì sẽ áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 28 về trách nhiệm của Nhà nước: “Có chính sách bảo đảm cho thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 hoàn thành chương trình phổ cập”.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên trong hoạt động khoa học và công nghệ như thế nào?
Đáp:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Thanh niên, Nhà nước có chính sách “tạo điều kiện cho thanh niên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ thanh niên thực hiện các ý tưởng sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ”. Đồng thời cũng quy định, Nhà nước có chính sách “Khuyến khích sự đóng góp của tổ chức, cá nhân giúp đỡ thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học”.

Hỏi: Tại sao Luật Thanh niên quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lĩnh vực lao động?Đáp: Thanh niên nằm trong giai đoạn đầu của lứa tuổi lao động, việc bồi dưỡng và phát huy vai trò thanh niên trong lao động góp phần rất quan trọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước. Mặt khác, lao động là quyền và nghĩa vụ rất quan trọng giúp thanh niên tạo lập được cuộc sống bản thân, nhanh chóng trở thành người trưởng thành và tham gia đóng góp cho xã hội.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định đối tượng thanh niên nào được ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm?

Đáp:
Luật Thanh niên quy định những đối tượng thanh niên sau đây được ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm:

Khoản 1, Điều 18 Luật Thanh niên quy định: “Ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội.” Và theo quy định tại khoản 3, Điều 24 Luật Thanh niên thì có thêm một đối tượng, đó là thanh niên dân tộc thiểu số.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định chính sách gì đối với thanh niên của hộ nghèo trong lĩnh vực lao động?

Đáp:

Khoản 1, Điều 18 Luật Thanh niên quy định chính sách đối với thanh niên của hộ nghèo trong lĩnh vực lao động như sau: “thanh niên của hộ nghèo được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xoá đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm”.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở đâu, theo cơ chế nào, nhằm mục đích gì?Đáp:

Khoản 2, Điều 18 Luật Thanh niên quy định: “Nhà nước có cơ chế, chính sách giao cho tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các chương trình dự án khác để thanh niên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp”.
Theo quy định trên, Nhà nước cho phép tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các chương trình dự án khác trên cơ sở thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ và không nhằm mục đích kinh tế mà để thanh niên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của tổ chức thanh niên phải đạt được những hiệu quả kinh tế – xã hội nhất định mới có thể đạt được mục đích trên, đồng thời thể hiện rõ vai trò vị trí của tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định tổ chức, cá nhân tổ chức dạy nghề, phát triển các hình thức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên được hưởng chính sách gì?

Đáp:

Khoản 1, Điều 18 Luật Thanh niên quy định Nhà nước có những chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy nghề, phát triển các hình thức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên như sau:
– Khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên;
– Ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho thanh niên; phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động.
Quy định này thể hiện rõ quan điểm xã hội hoá công tác giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên của Nhà nước. Nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước thực hiện đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định như thế nào về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tạo chỗ ở cho thanh niên?
Đáp:

Khoản 3, Điều 18, Luật Thanh niên quy định Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tạo chỗ ở cho lao động trẻ của doanh nghiệp và có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để tổ chức, cá nhân xây nhà cho thuê, bán cho thanh niên theo phương thức trả dần có thời hạn và giá cả hợp lý ở những nơi tập trung đông lao động trẻ.

Hỏi: Tại sao Luật Thanh niên quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc?

Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân” và Điều 77, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi năm 2005) quy định, lứa tuổi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Theo quy định đó, đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự là những công dân nằm trong độ tuổi thanh niên. Như vậy, có thể thấy, thanh niên là lực lượng chiếm vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, do đó Luật Thanh niên quy định về quyền và nghĩa vụ thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc nhằm bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên trong lĩnh vực này.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định như thế nào về trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức đối với việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc?
Đáp:
Về trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của thanh niên, Điều 19 Luật Thanh niên quy định:

1. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho thanh niên được giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, truyền thống yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng của mình và gia đình có trách nhiệm động viên, giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự phổ thông, làm tròn nghĩa vụ quân sự, quân dự bị động viên và tham gia lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật”.

Hỏi: Luật Thanh niên có quy định gì về chính sách của Nhà nước, gia đình xã hội đối với cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho thanh niên?

Đáp:

Điều 20 Luật Thanh niên đã có những quy định về chính sách của Nhà nước, gia đình xã hội đối với cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho thanh niên. Cụ thể như sau:

Khoản 1 điều 20 quy định “Nhà nước có chính sách phát triển và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của thanh niên”;
Khoản 2 điều 20 quy định: “ Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho thanh niên.
Không được sử dụng các cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí dành cho thanh niên vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của thanh niên”.

Hỏi: Gần đây Nhà văn hoá thanh niên huyện tôi đã bố trí một số diện tích của Nhà văn hóa để mở quán bia. Vậy Nhà Văn hóa thanh niên có vi phạm Luật Thanh niên không? Vi phạm quy định nào?

Đáp:Việc mở quán bia của Nhà văn hoá thanh niên huyện đã làm cho diện tích sử dụng vào hoạt động phục vụ thanh niên bị thu hẹp, chưa kể việc gây ồn ào, mất trật tự của quán bia sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của thanh niên tại Nhà văn hóa. Vì vậy Nhà văn hoá thanh niên huyện đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Thanh niên: “Không được sử dụng các cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí dành cho thanh niên vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của thanh niên”.

Hỏi: Trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về bảo vệ sức khoẻ của thanh niên, Luật Thanh niên có quy định gì về trách nhiệm của tổ chức thanh niên?

Đáp:Khoản 3 điều 21 Luật Thanh niên có quy định về trách nhiệm của tổ chức thanh niên đối với thanh niên trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về bảo vệ sức khoẻ của thanh niên như sau: “ Các tổ chức thanh niên có trách nhiệm vận động thanh niên không nghiện rượu, không say rượu, không hút thuốc lá”

Hỏi: Luật Thanh niên quy định như thế nào về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và các tổ chức thanh niên bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hôn nhân và gia đình?
Đáp:Điều 22 Luật Thanh niên quy định về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và các tổ chức thanh niên bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hôn nhân và gia đình như sau:

– Gia đình có trách nhiệm tôn trọng quyền của thanh niên trong hôn nhân và gia đình; giáo dục tình bạn, tình yêu và các kỹ năng cần thiết để thanh niên tổ chức cuộc sống gia đình.

– Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các hoạt động tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên.

– Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức khác của thanh niên phối hợp với nhà trường, gia đình tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện hôn nhân tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội bao gồm những nội dung gì và có ý nghĩa như thế nào?

Đáp:

Khoản 2 Điều 16 Luật Thanh niên quy định, thanh niên có một số quyền trong quản lý nhà nước, xã hội, cụ thể như sau: “Được ứng cử, đề cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác”.

Quy định quyền được ứng cử đề cử của thanh niên vào các cơ quan quyền lực Nhà nước tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội tham gia vào những cơ quan quyền lực Nhà nước để được bàn bạc, quyết đáp những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, địa phương.

Quy định thanh niên được “bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác” chính là tạo điều kiện cho thanh niên được thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề thanh niên quan tâm và tôn trọng và lắng nghe ý kiến của thanh niên trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật.
Khoản 1 và khoản 3 Điều 16 Luật Thanh niên quy định thanh niên có một số nghĩa vụ trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội, cụ thể như sau:
1. Nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
3. Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.”

Quy định trên một mặt đòi hỏi bản thân thanh niên tự mình phải thực hiện một số nghĩa vụ để góp phần tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, yêu cầu thanh niên phải phát huy vai trò tích cực của mình trong vận động người khác cùng thực hiện.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định gì để tạo điều tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện được quyền và nghĩa vụ trong tham gia quản lý Nhà nước và xã hội quy định đó có ý nghĩa gì?

Đáp:

Để thanh niên có thể tham gia được hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội, Điều 23 Luật Thanh niên quy định như sau:

1. Nhà nước có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng thanh niên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo trẻ; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.

2. Các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên.

3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác của thanh niên có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với các cơ quan nhà nước giải quyết, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.

Đây là những quy định có ý nghĩa rất quan trọng. Nhà nước có chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo trẻ từ thanh niên điều đó thể hiện sự quan tâm tin tưởng vào thanh niên, tạo điều kiện và cơ hội để thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành để có vị trí trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo tương lai của đất nước, địa phương, có như vậy thanh niên mới có điều kiện tham gia quản lý Nhà nước và xã hội có hiệu quả hơn.

Đồng thời, Luật Thanh niên quy định về việc trước khi quyết định những chủ trương chính sách có liên quan đến thanh niên, các cơ quan tổ chức có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên là việc làm rất cần thiết giúp thanh niên có cơ hội để bày tỏ chính kiến, nhu cầu nguyện vọng của mình về những chủ trương chính sách liên quan đến bản thân họ, điều đó cũng phần nào thể hiện tính chất ưu việt của pháp luật, chính sách của Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân. Việc quy định trách nhiệm cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên trong việc nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với các cơ quan nhà nước giải quyết cũng là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên trong việc phản ánh những tâm tư nguyện vọng với tổ chức đại diện của mình.

Hỏi: Tôi muốn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất các giải pháp về quản lý Nhà nước và xã hội, tôi có thể đề xuất với ai, cơ quan nào?

Đáp:

Khoản 2 Điều 16 Luật Thanh niên quy định thanh niên có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách pháp luật khác. Quyền đó còn được Nhà nước bảo đảm thực hiện như quy định tại Khoản 1, Điều 23 Luật Thanh niên là “Nhà nước…; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội”.
Như vậy bạn có quyền và được Nhà nước bảo đảm thực hiện việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất các giải pháp về quản lý Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất các giải pháp về quản lý Nhà nước và xã hội phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bạn có thể thực hiện dưới hai hình thức trực tiếp và gián tiếp.

– Hình thức tham gia trực tiếp: bạn có thể đến gặp cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề góp ý của bạn ở địa phương hoặc cấp cao hơn để trực tiếp bày tỏ ý kiến hoặc gửi ý kiến góp ý của mình đến cơ quan đó hoặc đăng tải ý kiến góp ý của mình trên các phương tiện thông tin tuyên truyền;
– Hình thức gián tiếp: khoản 2 Điều 23 Luật Thanh niên quy định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác của thanh niên có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với các cơ quan Nhà nước giải quyết, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển”. Theo đó, bạn có thể thông qua tổ chức thanh niên đại diện cho mình để góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất các giải pháp về quản lý Nhà nước và xã hội.

Hỏi: Trong học tập văn hoá, học nghề, Luật Thanh niên có quy định gì ưu tiên đối thanh niên dân tộc thiểu số?

Đáp:

Ngoài những chính sách chung về học tập như mọi thanh niên khác, tại khoản 1, Điều 24 Luật Thanh niên có quy định về chính sách ưu tiên đối với thanh niên dân tộc thiểu số, quan tâm hơn đến chất lượng các trường có thanh niên dân tộc thiểu số theo học. Khẳng định việc đảm bảo thực hiện đúng chính sách mà Nhà nước ta đã có đối với thanh niên tộc thiểu số đó là chính sách cử tuyển; đồng thời quy định “miễn, giảm học phí, cấp sách giáo khoa và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập, tiếp cận thông tin”.
Ngoài những chính sách chung về lao động như mọi thanh niên khác, tại khoản 3, Điều 24 Luật Thanh niên có quy định về chính sách ưu tiên hơn đối với thanh niên dân tộc thiểu số, đó là: “Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát huy tính năng động của thanh niên dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Hỏi: Luật Thanh niên quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên xung phong như thế nào?

Đáp:

Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, đã tham gia tích cực và có đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong công cuộc xây dựng đất nước, ở nhiều địa phương TNXP đã và đang tham gia đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa và những nhiệm vụ khó khăn cấp bách. Ngày nay, những nhiệm vụ quan trọng mang tính xã hội – chính trị của đất nước vẫn cần đến lực lượng xung kích của Đoàn thanh niên. Để phát huy lực lượng TNXP tham gia phát triển kinh tế – xã hội, Luật Thanh niên quy định chính sách của Nhà nước đối với TNXP như sau:
– Khoản 1, Điều 25 Luật Thanh niên quy định “Nhà nước có cơ chế, chính sách phát huy vai trò xung kích của lực lượng thanh niên xung phong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở những vùng, lĩnh vực khó khăn, các nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước; bảo đảm các điều kiện để lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ được giao.
– Khoản 2, Điều 25 quy định Nhà nước thực hiện các chính sách sau đối với cán bộ, đội viên TNXP:

+ TNXP làm việc ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.
+ Được công nhận là liệt sĩ, hưởng chính sách như thương binh trong trường hợp đang làm nhiệm vụ mà hy sinh hoặc bị thương theo quy định của pháp luật.

+ Được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, bảo vệ sức khoẻ; ưu tiên giải quyết việc làm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Hỏi: Luật Thanh niên có quy định gì thể hiện sự quan tâm đến đối tượng có tài năng trong thanh niên?

Đáp:

Khoản 1 Điều 26 Luật Thanh niên quy định: “Nhà nước có cơ chế, chính sách để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những thanh niên có năng khiếu, có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động khoa học và công nghệ, lao động, sản xuất, kinh doanh, quản lý, an ninh, quốc phòng, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao để trở thành những người tài năng”.
Như vậy trong Luật xác định đối tượng để Nhà nước có cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng là những thanh niên có tài năng bao gồm những thanh niên có năng khiếu, có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để tạo điều kiện cho họ phấn đấu trở thành người tài năng.

————-
Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương…..


Nguồn: http://ttgdtxlaocai.vn/forum/printer_friendly_posts.asp?TID=2210

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *