Tổng hợp 9 Luật và các Nghị định, Thông tư có hiệu lực trong tháng 7/2018

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc 9 văn bản Luật có hiệu lực từ ngày 01.7.2018 và các Nghị định, Thông Tư, Quyết định…có hiệu lực trong tháng 7.2018, cụ thể:

  1. Luật Quản lý nợ công

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều, có hiệu lực 01/7/2018. Việc quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính.

Luật Quản lý nợ công
Luật Quản lý nợ công

Luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật là trước đây nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay chuyển về Bộ Tài chính.

  1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

Luật chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật hiện hành, có hiệu lực 01/7/2018.

Luật bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành. Luật quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013.

  1. Luật Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ có 6 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Về đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ áp dụng đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ. Biện pháp cảnh vệ được áp dụng đối với khu vực trọng yếu, các sự kiện đặc biệt quan trọng. Các quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp về chế độ quy định tại chương này cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Theo đó, không bổ sung đối tượng cảnh vệ.

Luật nêu rõ 4 trường hợp cán bộ, chiến sỹ đang thi hành nhiệm vụ được nổ súng. Đó là; Nổ súng trong trường hợp cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ. Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả. Nổ súng để vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối với cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

  1. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật gồm 8 chương, 76 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí gồm có cảnh sát biển, cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Về quy định nổ súng, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; theo đó, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Luật quy định thành nhóm các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và nhóm các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo.

  1. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có 9 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự. Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường. Luật không quy định kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.

  1. Luật Chuyển giao công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Luật bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; bổ sung, sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân có thể tiếp cận, thụ hưởng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, Luật đã dành một điều quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, trong đó, quy định hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp.

  1. Luật Thủy lợi

Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật quy định rõ nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn; công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu

Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư; kinh phí hỗ trợ được ngân sách Nhà nước bảo đảm; Chính phủ sẽ quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm ổn định trong phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật thủy lợi để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành. Luật

  1. Luật Đường sắt

Luật đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, có hiệu lực 01/7/2018.

Chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt. Đường sắt tốc độ cao là điểm mới của Luật.

Luật bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; tuy nhiên sẽ được thực hiện có lộ trình để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm yêu cầu các phương tiện giao thông đường sắt dần được thay thế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và bảo đảm an toàn đường sắt.

  1. Luật Tiếp cận thông tin

Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật quy định chủ thể quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, Luật quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin qua người đại diện pháp luật. Công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

 

  1. Từ 1/7 lương hưu, trợ cấp tăng 6,92%

Chính phủ  vừa ban hành Nghị định 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.

Theo đó, từ thời điểm 1/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng sau:

– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu;

– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng;

– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng

– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng theo Quyết định 130/CP năm 1975 và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.

– Quân nhân, Công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng

– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 54/2018/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 03 năm 2019 – 2021, có hiệu lực từ ngày 23/7/2018.

Về dự toán thu:

– Xây dựng dự toán thu trên cơ sở hệ thống dữ liệu đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng và đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu…

– Dự toán thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xây dựng trên cơ sở kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định;

– Đối với khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công không phải là chỉ tiêu giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nhưng phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan có thẩm quyền…

Về dự toán chi:

– Dự toán chi đầu tư phát triển được sắp xếp theo thứ tự: Bố trí vốn đầy đủ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA; Chỉ bố trí các dự án khởi công mới nếu còn nguồn;

– Chi thường xuyên: Hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; Hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội…

Theo Thông tư này, năm 2019 phải đạt mục tiêu tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP đạt khoảng 21%; dự toán thu nội địa năm 2019 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12 – 14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2018; Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4 – 6%.

  1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong Quân đội, Công an

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được Chính phủ quy định tại Nghị định 85/2018/NĐ-CP.

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo cấp bậc chức quân hàm trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được quy định như sau:

– Đại tướng được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác;

– Thượng tướng, Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, giá mua tối đa là 1.100 triệu đồng/xe;

– Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, giá mua tối đa là 920 triệu đồng/xe;

– Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, đi công tác với giá mua tối đa 820 triệu đồng/xe;

Nghị định này có hiệu từ ngày 15/07/2018.

  1. Được khuyến mại, giảm giá đến 100% trong mùa giảm giá

Ngày 22/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/07/2018.

Theo đó, tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại theo hình thức: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Khuyến mại bằng hình thức giảm giá; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.

Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại.

Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức này cũng được áp dụng đối với hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng theo Nghị định này, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Trừ trường hợp tổ chức trương trình khuyến mại tập trung thì được áp dụng mức giảm giá tối đa 100%.

  1. Khu công nghiệp hỗ trợ được miễn tiền thuê đất

Ngày 22/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Theo Nghị định này, quyết định thành lập khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc quyết định chủ trương đầu tư).

Đối với khu kinh tế, việc thành lập, mở rộng khu kinh tế phải xin quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ thành lập khu kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng ra quyết định sau 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi cho địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ riêng đối với khu công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể: Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ được miễn, giảm tiền thuê đất; hưởng ưu tiên vay vốn của Nhà nước; được Chính phủ bảo lãnh để huy động vốn nước ngoài; hưởng ưu đãi về thuế; được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/07/2018.

  1. Hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện, cống và kiên cố kênh mương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2018/NĐ-CP quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (Có hiệu lực 01/7/2018), theo đó nhà nước:

Hỗ trợ đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương: Hỗ trợ tối đa 70%, riêng vùng trung du, miền núi, Tây Nguyên hỗ trợ tối đa 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Hỗ trợ tối đa 40% giá trị  mua máy móc, thiết bị đầu tư xây dựng.

Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách thông qua chương trình, dự án trực tiếp hoặc lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan.#

  1. Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

Theo Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ (có hiệu lực 01/7/2018), theo đó:

Để được hỗ trợ doanh nghiệp phải đáp ứng 3 điều kiện: 1- Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của luật đầu tư; 2- Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ); 3- Công nghệ được chuyển giao thuộc dự án quy định tại (1) nêu trên.

Hình thức hỗ trợ là cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.

  1. Hướng dẫn hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Ngày 24/5/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (có hiệu lực 15/7/2018).

Thông tư này áp dụng đối với cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người có nhu cầu kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp do cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp ban hành phải đảm bảo các nội dung sau đây:

Thời lượng đào tạo: tối thiểu 08 tiếng;

Khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được quy định theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức hoặc ủy quyền bằng văn bản cho cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tổ chức đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo quy trình.

  1. Chính thức tăng lương cơ sở từ ngày 1-7

          Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7.

Theo nghị định, từ ngày 1-7-2018, mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1,3 triệu đồng/tháng.

Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); ở xã, phường, thị trấn (cấp xã); ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

  1. Yêu cầu đối với đơn vị khai thác đập, hồ chứa nước

Ngày 14/5/2018, Chính phủ  ban hành Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, theo đó: tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo từng quy mô của đập, hồ chứa nước.

– Hồ chứa nước đặc biệt quan trọng: Phải có 07 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó ít nhất 2 người có thâm nhiên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 5 năm trở lên.

– Hồ chứa nước lớn: Phải có 01 – 03 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, tùy dung tích dự trữ của hồ.

– Hồ chứa nước vừa: Phải có 01 người có trình độ cao đẳng chuyên ngành thủy lợi hoặc 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, tùy dung tích dự trữ của hồ.

– Hồ chứa nước nhỏ: Phải có 01 cán bộ trình độ THPT trở lên hoặc trình độ trung cấp thủy lợi trở lên, tùy duy tích dự trữ của hồ.

Ngoài ra, công nhân vận hành cửa van cống lấy nước, tràn xả lũ phải có chứng chỉ đào tạo về quản lý cống, tràn; Tràn xả lũ của hồ chứa phải có cửa van vận hành bằng điện…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Mức bồi thường của người thi hành công vụ khi gây thiệt hại

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo đó, nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả với mức như sau:

– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;

– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả từ 40 đến dưới 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;

– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường từ 60 đến 80 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

– Nếu số tiền nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Lương để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc tại thời điểm có quyết định hoàn trả; trường hợp đã nghỉ việc thì việc hoàn trả căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.

Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2018.

  1. Bổ sung quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Có hiệu lực 01.7.2018)

Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường. Theo đó, người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định tại Điều 28 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường, đồng thời có trách nhiệm: a- Bảo đảm sản phẩm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; b- Tự xác định và thể hiện thông tin để cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm; c- Trường hợp sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất phải tuân thủ theo đúng quy định về sử dụng mã số, mã vạch.

14. Chế độ ưu tiên cho công chức ngành Kiểm toán

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 66/2018/NĐ-CP về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Theo đó, chế độ ưu tiên được thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 325/2016/UBTVQH14ngày 29/12/2016.

Hằng năm, KTNN được trích 5% số tiền do KTNN phát hiện và kiến nghị để chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN.

Mức chi không vượt quá 0.8 lần mức lương do Nhà nước quy định gồm: lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp chức vụ, vượt khung, ưu đãi theo nghề.
Sau khi chi thưởng, số kinh phí còn lại được dùng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.

Nguồn kinh phí 5% trên được trích từ số tiền do KTNN phát hiện và kiến nghị, đơn cử như:

– Các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác;

– Các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại cho ngân sách nhà nước,…
Nghị định 66/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

  1. Máy tính, Laptop nằm trong Danh mục sản phẩm có khả năng gây mất an toàn

Ngày 08/5/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 04/2018/TT-BTTTT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Thông tư quy định 02 Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn:

– Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy: Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng; Thiết bị vi ba số; Máy phát hình kỹ thuật số DVB-T2; Thiết bị phát, thu phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung…

– Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc công bố hợp quy: Máy tính cá nhân để bàn; Máy tính bảng; Máy tính xách tay; Máy tính chủ; Thiết bị chuyển mạch; Thiết bị tường lửa; Thiết bị cổng; Pin Lithium cho máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Xây dựng hương ước, quy ước phải có sự tán thành của 50% cử tri

Ngày 09/05/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Theo đó, thủ tục soạn thảo hương ước, quy ước như sau:

– Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức Hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước, những nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước;

– Trường hợp có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành chủ trương xây dựng hương ước, uy ước, Trưởng thôn,  Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận lựa chọn, cử người tham gia Tổ soạn thảo hương ước, quy ước;

Thêm vào đó, hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế khi: Có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình; Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

17. Quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt

Ngày 16/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2018/NĐ-CP​ về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

​          Theo đó, Nghị định này quy định về: Đặt tên tuyến, tên ga đường sắt; tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt; phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; quản lý, sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt; trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Một số quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt như sau: Đường sắt tốc độ cao trong khu vực đô thị là 05 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét; đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 03 mét; nhà làm bằng vật liệu dễ cháy phải cách chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt ít nhất là 05 mét; tầm nhìn của người lái tàu đối với đường ngang tối thiểu là 1000 mét;…

UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất dành cho đường sắt thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của UBND cấp tỉnh; chủ trì giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong trường hợp đất dành cho đường sắt bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép.

UBND cấp xã trực tiếp quản lý, bảo vệ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất dành cho đường sắt thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của UBND cấp huyện; chủ trì giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong trường hợp đất dành cho đường sắt bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép.

Rubi

Nguồn:trangtinphapluat.com

 

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *