Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 24/9 đến – 30/9/2018

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu tới bạn đọc một số văn bản quan trọng được ban hành từ ngày 24/9/2018 đến 30/9/2018 như về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy; hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo; quy định xét xử người chưa thành niên

1. Bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy

Ngày 24/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 128/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, theo đó đã lược bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa. Theo đó, để kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng chuyến và vận chuyển khách du lịch chỉ cần đáp ứng một điều kiện duy nhất là đơn vị kinh doanh vận tải phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy
điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy

Trước đây, các đơn vị kinh doanh vận tải nêu trên còn phải đáp ứng các điều kiện về: Nhân viên, người điều hành, nơi neo đậu, bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24/9/2018.

2. Thay đổi phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

Ngày 26/9/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 14/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Thông tư mới, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo.

Trong đó, việc ước lượng thu nhập được tính trên cơ sở phân tích kết quả thống kê và điều tra mức sống hộ gia đình, thực hiện quy định từ mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng sang các mức điểm số tương ứng khi thực hiện rà soát và đánh giá tài sản, cụ thể:

phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

– 700.000 đồng tương đương 120 điểm

– 900.000 đồng tương đương 140 điểm

– 01 triệu đồng tương đương 150 điểm

– 1,3 triệu đồng tương đương 175 điểm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/11/2018.

  1. Các cấp phổ thông tiến tới học 02 buổi/ngày

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định 127/2018/NĐ-CPcủa Chỉnh phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Cụ thể, Chính phủ giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, UBND cấp huyện bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 02 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông.

Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chỉnh phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chỉnh phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục

Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

  1. Phải có 1 Hội thẩm là giáo viên trong vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi

Việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên được Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, theo đó:

Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự:

– Có bị cáo là người dưới 18 tuổi;

– Có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Đáng chú ý, theo Thông tư này, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán, Hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện sau:

– Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi…

– Hội thẩm có 01 người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.

  1. Hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông

Ngày 24/9/2018 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tại Chỉ thị này, Bộ giao các Sở tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; Hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng không sử dụng hiệu quả, gây lãng phí.

Nguồn:trangtinphapluat.com

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *