Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 3 năm 2018

  1. Từ 01/3/2018, địa phương sẽ được hưởng 70% tiền phạt vi phạm giao thông

Ngày 02/01/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông, theo đó từ ngày 01/3/2018 , địa phương sẽ được hưởng 70% tiền phạt vi phạm giao thông, cụ thể:

Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành (dự toán năm 2018 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2016; dự toán năm 2019 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2017 và dự toán năm 2020 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2018). 

2.Thời hạn báo cáo tình hình hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 01/3/2018. Theo đó:

– Báo cáo hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, Tập đoàn kinh tế nhà nước, …phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKHĐT) trước ngày 01/02 năm tiếp theo của kỳ báo cáo;

– Báo cáo thực hiện hoạt động đấu thầu trên cả nước theo định kỳ hàng năm do BKHĐT tổng hợp phải được trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4 năm tiếp theo của kỳ báo cáo.

– Trường hợp các thời điểm báo cáo nêu trên trùng với ngày nghỉ hàng tuần hoặc nghỉ lễ theo quy định của pháp luật về lao động thì thời điểm báo cáo là ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc thời điểm nghỉ lễ.

  1. Thẻ cào di động trả trước không còn được khuyến mại 50%

Đây là điểm nổi bật tại Thông tư 47/2017/TT-BTTTT quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất được Bộ Thông tin và Truyền Thông ban hành ngày 29/12/2017.

Đặc biệt đối với thuê bao di động trả trước, Bộ thông tin quy định giảm tới 30% mức khuyến mại tối đa cho mỗi đợt khuyến mại, cụ thể:

Nhà mạng chỉ được khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao trả trước; trong khi đó, thuê bao trả sau vẫn được hưởng mức khuyến mại không quá 50%.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn đánh giá thuê bao là khách hàng thường xuyên để nhà mạng tổ chức các chương trình khuyến mại cho khách hàng thường xuyên đối với thuê bao trả trước là:

– Thuê bao đó đã sử dụng dịch vụ liên tục tối thiểu là 01 năm;

– Tổng giá cước đã thanh toán cho nhà mạng kể từ khi đăng ký là thuê bao tối thiểu là 1.000.000 đồng.

Thông tư 47/2017/TT-BTTTT có hiệu lực từ 01/3/2018.

  1. Nhập khẩu 01 ôtô cũ cần 07 loại giấy tờ để kiểm tra chất lượng

Bộ GTVT ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017.

Theo đó, quy định 07 loại giấy tờ trong hồ sơ mà doanh nghiệp nhập khẩu cần có để đăng ký kiểm tra đối với 01 xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng như sau:

– Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo mẫu tại phụ lục I.

– Bản sao GCN đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;

– Bản sao hóa đơn thương mại;

– Bản sao bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu);

– Bản chính bản thông tin xe cơ giới nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục III;

– Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất;

– Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy; số ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ điện tử.

Thông tư 03/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

  1. Trẻ từ đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng không cần tài sản riêng

Đây là nội dung mới nổi bật tại Thông tư 26/2017/TT-NHNN sửa đổi một số điều khoản về hoạt động thẻ ngân hàng được ban hành ngày 29/12/2017. Cụ thể:

– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước mà không cần có tài sản riêng đảm bảo như quy định hiện hành.

– Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế NLHVDS được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản được sử dụng thẻ phụ là thẻ ghi nợ.

(Hiện hành đối tượng này chỉ được sử dụng thẻ phụ là thẻ ghi nợ không được thấu chi)

Riêng trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài thì phải đảm bảo điều kiện cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.

Thông tư 26/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 03/3/2018.

  1. Phối hợp ngăn chặn, điều tra buôn lậu

Có hiệu lực từ ngày 10/03/2018, Nghị định 12/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm: Phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; phối hợp trong việc lập hồ sơ và xử lý các vụ việc vi phạm.

7 Giảm mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 207/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp.

Theo đó, giảm mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp so với quy định hiện hành đối với các thủ tục sau:

– Công nhận lâm phần tuyển chọn: 600.000 đồng/giống (giảm 150.000 đồng/giống);

– Công nhận vườn giống: 2.400.000 đồng/vườn giống (giảm 350.000 đồng/vườn giống);

– Công nhận nguồn gốc lô giống, lô con giống: 600.000 đồng/lô giống (giảm 150.000 đồng/lô giống).

Đồng thời, quy định cụ thể phí cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (đối với cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón); giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

Ngoài ra, Thông tư 14/2018/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 26/3/2018) bổ sung thêm hai tổ chức có thẩm quyền thu phí, lệ phí, bao gồm: Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

  1. Hướng dẫn cấp giấy tờ hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ

Bộ Y tế ban hành Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Theo đó, hướng dẫn cấp một số loại giấy chứng nhận (GCN) hưởng chế độ thai sản sau đây:

Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ, ngày 01/04/2019
Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ, ngày 01/04/2019

– Cấp GCN nghỉ dưỡng thai, việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai thực hiện như sau:

+ GCN nghỉ dưỡng thai đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đã nghỉ việc trong trường hợp điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;

+ GCN nghỉ việc hưởng BHXH đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đang đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục 7;

+ Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư 52/2016/TT-BYT đối với trường hợp do Hội đồng Giám định y khoa cấp;

+ Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

– Cấp GCN không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ mang thai hộ.

Ngoài ra, Thông tư 56 cũng hướng dẫn hồ sơ khám giám định để xác định lao động nữ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2018 

  1. Có từ 300 hộ gia đình trở lên mới được thành lập tổ dân phố

Đây là nội dung mới của Thông tư 09/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Cụ thể, ở vùng đồng bằng, phải có từ 500 hộ gia đình trở lên và ở vùng miền núi, hải đảo phải có từ 300 hộ gia đình trở lên mới được thành lập tổ dân phố; trong khi trước đây chỉ yêu cầu có 250 hộ ở vùng đồng bằng, 150 hộ ở vùng núi, hải đảo.

Đối với thôn, ở vùng đồng bằng miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải có từ 400 hộ gia đình trở lên; khu vực miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, hải đảo có từ 200 hộ gia đình trở lên.

Để được thành lập mới, tổ dân phố, thôn cần có cơ sở hạ tầng thiết yết, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.

Cũng theo Thông tư này, mỗi thôn có Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng và Tổ phó Tổ dân phố. Thôn, tổ dân phố có các cụm dân cư, các tổ chức tự quản theo quy định của pháp luật.

Thông tư này được ban hành ngày 29/12/2017, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

  1. 05 trường hợp thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức

Ngày 08/01/2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc bị thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng trong các trường hợp sau:

– Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập;

– Cấp cho người không đủ điều kiện;

– Cấp không đúng thẩm quyền;

– Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa;

– Để cho người khác sử dụng.

Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định về việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài cũng như tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc và chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. 

  1. Từ 2018, đóng mới tàu vỏ thép được hỗ trợ tối đa 8 tỷ đồng/tàu

Chính phủ ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo đó, khi đóng mới tàu khai thác hải sản (KTHS) xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần KTHS xa bờ công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ một lần sau đầu tư khi đủ điều kiện với mức hỗ trợ sau:

– Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần KTHS đóng mới vỏ thép (bao gồm trang thiết bị mới) thì:

+ Chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.

+ Chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.

– Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần KTHS đóng mới vỏ composite công suất từ 800CV trở lên (bao gồm trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.

Chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện kể từ ngày 01/01/2018.

Nghị định 17/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/3/2018) bãi bỏ Khoản 5, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015.

  1. Hướng dẫn mới về điều kiện thanh toán bảo hiểm với dịch vụ y tế

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 50/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB).

Theo đó, sửa đổi một trong các điều kiện thanh toán BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật y tế (KTYT) tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư 35/2016/TT-BYT theo hướng cụ thể hóa như sau:

Dịch vụ KTYT được thực hiện theo quy trình chuyên môn do cấp có thẩm quyền phê duyệt là:

– Các cơ sở KCB phải áp dụng thực hiện các tài liệu chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành hoặc người đứng đầu cơ sở KCB ban hành áp dụng tại cơ sở.

– Người đứng đầu cơ sở KCB ban hành hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật trên cơ sở tham khảo các tài liệu chính thống, có bằng chứng khoa học, phù hợp với điều kiện cơ sở đối với các dịch vụ KCB chưa được Bộ Y tế ban hành.

– Người đứng đầu cơ sở KCB có trách nhiệm gửi hướng dẫn hoặc quy trình đã ban hành đến cơ quan BHXH tỉnh nơi cơ sở KCB đặt trụ sở.

Thông tư 50/2017/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018. 

  1. Tiền thuê đất xác định theo giá đất tại thời điểm gia hạn

Tại Thông tư 11/2018/TT-BTC ngày 30/01/2018, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 77/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, khi được gia hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất thì tiền thuê đất được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm được gia hạn.

Trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và được miễn toàn bộ tiền thuê đất nhưng trong thời gian thuê có nguyện vọng nộp tiền thuê đất (không hưởng ưu đãi) thì số tiền thuê đất phải nộp một lần cho thời gian thuê còn lại được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm người sử dụng đất có văn bản đề nghị được nộp tiền thuê đất.

Trường hợp nhà đầu tư đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt trước ngày 01/07/2004 và được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01/07/2004 trở về sau thì được trừ số tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất theo phương án đã được phê duyệt hoặc giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích đất nhận chuyển nhượng tại thời điểm tự thỏa thuận, tự nhận chuyển nhượng vào tiền thuê đất đã nộp và không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2018.

  1. Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm do đo đạc lại

Đây là nội dung mới được bổ sung tại Thông tư 10/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.

Cụ thể, việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau:

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo Thông tư này, trong trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định do lỗi của cơ quan Nhà nước thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận cũ. Trường hợp do lỗi của người sử dụng, đất tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mới.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2018.

  1. Nhập khẩu 01 ôtô cũ cần 07 loại giấy tờ để kiểm tra chất lượng

Bộ GTVT ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017.

Theo đó, quy định 07 loại giấy tờ trong hồ sơ mà doanh nghiệp nhập khẩu cần có để đăng ký kiểm tra đối với 01 xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng như sau:

– Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo mẫu tại phụ lục I.

– Bản sao GCN đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;

– Bản sao hóa đơn thương mại;

– Bản sao bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu);

– Bản chính bản thông tin xe cơ giới nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục III;

– Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất;

– Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy; số ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ điện tử.

Thông tư 03/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

Nguồn:trangtinphapluat.com

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *