Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 4 năm 2018

  1. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1.Công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam

Ngày 02/02/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2018/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, nhằm phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.
Nghị định nêu rõ tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải được phép đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tuân thủ quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển theo quy định của pháp luật.
Tàu thuyền khi đi qua lãnh hải Việt Nam phải treo cờ quốc tịch; thực hiện hành trình liên tục, nhanh chóng và thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 82); trừ các trường hợp bất khả kháng, tàu gặp sự cố hàng hải, bị tai nạn; vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hoặc tàu bay đang gặp nạn trên biển hoặc theo thỏa thuận riêng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ.
Khi đi trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch theo quy định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2018, thay thế Nghị định số 146/2013/NĐ-CP ngày 30-10-2013 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.

2. Phải trả tiền nhuận bút khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại

Ngày 23/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong đó, Nghị định quy định rõ về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ủy quyền có trách nhiệm xây dựng danh mục hội viên, tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của hội viên và chịu trách nhiệm khi ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền đại diện đàm phán thỏa thuận, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo danh mục hội viên, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được quy định tại hợp đồng ủy quyền.
Nghị định có hiệu lực từ 01/4/2018

3. Quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước

Các quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ được Chính phủ quy định tại Nghị định số 21/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018.
Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển được quy định tại Nghị định gồm: Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Nguyên tắc bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt gồm:
Tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng đặc biệt; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch, quá trình vận chuyển và các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở quá trình vận chuyển.
Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với cơ quan quản lý hàng đặc biệt và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Gắn công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên các tuyến vận chuyển.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2018.

4. Những quy định mới về quản lý thong tin trên mạng

Ngày 01/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 15/4/2018.
Cụ thể, điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội gồm: Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội.
Bên cạnh đó, nghị định cũng bao gồm cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email). Đồng thời có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.
Nghị định cũng bổ sung điều kiện về tổ chức, nhân sự đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Cụ thể, về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, Nghị định quy định phải có ít nhất 1 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 6 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ; có bộ phận quản lý nội dung thông tin.

5. Thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày

Ngày 27/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2018/NĐ-CP giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 tới.
Nghị định chỉ rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Trong 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai, đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

6. Quy định bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nêu rõ: Bên mua bảo hiểm cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
Nghị định quy định rõ, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2018
7. Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình
Ngày 06/02/2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng.
​Theo đó, các chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công trong các công trình xây dựng có trách nhiệm bảo vệ môi trường và báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Đối với chủ dự án, cần lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận trước khi thi công xây dựng công trình.

Chủ đầu tư cũng có trách nhiệm đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Phối hợp với nhà thầu xây dựng công trình xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.
Đối với nhà thầu xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu; Dừng xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công.
Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-4-2018 và thay thế cho Quyết định số 29/1999/QĐ-BXD ngày 22-10-1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.
8. Một số ngành trong quân đội được tuyển từ 2 thí sinh nữ trở lên
Ngày 10/03/2018, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 24/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội của Thông tư 17/2016/TT-BQP và Thông tư 42/2017/TT-BQP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4/2018.
Các ngành được tuyển ít nhất 02 thí sinh nữ/ngành là: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y; Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự; Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Học viện Biên phòng tuyển 45% thay vì 55% như trước đây với chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra); thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 04 %, Quân khu 5: 11%, Quân khu 7: 14%, Quân khu 9: 16%…
9. Tuyển sinh đại học phải căn cứ vào nhu cầu lao động
Ngày 28/2/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, theo đó, có 03 tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, gồm: Tiêu chí số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục; Tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo; Tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Các ngành đào tạo đại học chính quy đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, nhưng không vượt quá 120% chỉ tiêu đào tạo của năm trước liền kề.
Các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.
10. Xét tuyển đại học: Điểm ưu tiên khu vực cao nhất chỉ 0,75 điểm
Quy chế tuyển sinh đại học chính quy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi ngày 01/03/2018 tại Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT và có hiệu lực từ ngày 16/04/2018.
Quy chế mới quy định về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 03 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Trước đây, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.
Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực cao nhất năm nay chỉ còn 0,75 điểm.
Ngoài ra, từ kỳ tuyển sinh năm nay, các trường đại học, cao đẳng được tự xác định điểm sàn. Riêng ngành đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
11. Thi THPT quốc gia 2018: Điểm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân
Tại Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT.
Theo quy định mới, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 02 chữ số thập phân; trong khi trước đây quy định điểm thi được lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Thông tư cũng quy định, thí sinh bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nếu vi phạm một trong 05 lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức.
Trước đây, nếu như mắc các lỗi trên, thí sinh sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2018.
12. Tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực
Ngày 28/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT.
Cụ thể, tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Đồng thời, các Sở Giáo dục và Đào tạo được quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.
Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào trung học phổ thông.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2018.

13. Trách nhiệm kiểm tra an toàn cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC

Ngày 05/3/2018, Bộ Công an ban hành Thông tư 08/2018/TT-BCA về hướng dẫn Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC).

Theo đó, trách nhiệm trong kiểm tra định kỳ, đột xuất điều kiện an toàn về cứu nạn, cứu hộ được hướng dẫn như sau:
– Người có trách nhiệm kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra;

– Người có trách nhiệm kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra;
– Cán bộ Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;
– Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với người có trách nhiệm kiểm tra.
14. Điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Ngày 12/3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT về quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực từ ngày 27/4/2018, theo đó điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:
Viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp;
Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
15. Những hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giam giữ của Quân đội nhân dân
Ngày 12/3/2018, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 27/2018/TT-BQP về Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Nội quy quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Vi phạm quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Nội quy cơ sở giam giữ; không chấp hành hoặc cản trở việc chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù người phản ánh những hành vi sai trái của mình hoặc của người khác.
Đe dọa, đánh đập, ức hiếp, làm lây nhiễm vi rút HIV cho người khác, cưỡng đoạt tài sản của người khác, hủy hoại thân thể mình, tự xăm trổ hoặc xăm trổ lên thân thể người khác, đeo đồ vật lên cơ thể.
Các hình thức đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục.
Lập hoặc tham gia hội, băng, nhóm dưới bất kỳ hình thức nào.
Bói toán, cúng lễ, truyền đạo, các hành vi mê tín, dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức.
Ném, vứt bừa bãi đồ ăn, uống; thuê, bắt ép người khác phục vụ mình.
Thực hiện hành vi bao che, dung túng, ủng hộ đối với những âm mưu, hành động nhằm trốn khỏi cơ sở giam giữ.
Thông tin sai lệch nhằm kích động người khác gây mất trật tự trong cơ sở giam giữ.
Giả vờ ốm, đau hoặc không chấp hành chỉ định, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ và cơ sở khám, chữa bệnh.

Nguồn: http://tuphaptamky.gov.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *