Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 6 năm 2018

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu tới bạn đọc các văn bản pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 6/2018 như: Chính sách phát triển nghề nông thôn, phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo, cơ chế một cửa một cửa liên thông mới, xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng, quy chế đấu giá quyền sử dụng đất….

  1. Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề 

          Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2018,  theo đó:

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn: xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề 
Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề a

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về hỗ trợ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống: làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Ưu tiên hỗ trợ làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.

  1. Sở Giao dịch hàng hóa phải có vốn điều lệ tối thiểu 150 tỷ đồng

Ngày 09/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2018, theo đó:

Sở Giao dịch hàng hóa được thành lập khi đảm bảo vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên và có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

Nghị định cũng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài có quyền tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

          3. Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Ngày 18/4/2018, Chính phủ ban hành  Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 05/6/2018, theo đó cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

  1. Quy định mới về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC

Ngày 23/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2018, theo đó:

          Chỉ thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh

Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công. Trung tâm phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

          Chỉ thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh
Chỉ thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh

Đối với các tỉnh chưa đủ điều kiện thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công , tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả  thuộc văn phòng cơ quan chuyên môn đó.

Nghị định 61/2018/NĐ-CP quy định rõ: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả  thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện

Văn phòng HĐND- UBND cấp huyện đảm bảo và  quản lý trụ sở, trang thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng, hệ thống mạng.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của cấp huyện do một lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện đứng đầu. Các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện cử công chức đến làm việc

Ngoài ra, Nghị định 61/2018/NĐ-CP cũng quy định đối với các cơ quan Trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương có trách nhiệm bố trí cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

          5. Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng

Ngày 24/4/2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Có hiệu lực 12/6/2018).

Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng
Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng

Theo đó, Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn về áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng; Về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; Về áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; Về áp dụng biện pháp dừng thi công xây dựng để làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; biểu mẫu và biên bản vi phạm hành chính

  1. Gian dối kinh doanh thức ăn thủy sản, chăn nuôi bị phạt đến 200 triệu
    Ngày 07/5/2018, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản (có hiệu lực 22/6/2018). Theo đó, Chính phủ thống nhất vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

          7. Ban hành Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) (có hiệu lực 19/6/2018).
Nghị định quy định vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm bảo đảm tính khả thi tài chính cho dự án; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT; vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Nghị định cũng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án như dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 300 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án; dự án nhóm A áp dụng loại hợp đồng BT…

  1. Thêm nhiều hàng hoá được khai hải quan điện tử

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (Có hiệu lực 05/6/2018).

Theo đó, một số loại hàng hóa hiện nay khai trên tờ khai hải quan giấy thì từ ngày Nghị định 59 có hiệu lực, người khai hải quan có thể áp dụng phương thức khai điện tử nếu muốn, cụ thể trong các trường hợp sau đây:

– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh;

– Hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo;

– Hàng quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân;

– Hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa quay vòng theo phương thức tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập theo quy định;

– Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định trong trường hợp mang theo khách xuất cảnh, nhập cảnh;

– Và một số hàng hoá khác theo quy định của Bộ Tài chính.

  1. Cổng thông tin điện tử phải lấy người sử dụng làm trung tâm

Theo Thông tư 32/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông  quy định việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (có hiệu lực 01/6/2018).

Theo đó, việc xây dựng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan (CQ) nhà nước phải theo nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm.

Những thông tin mà người sử dụng đã cung cấp một lần thành công cho một CQ nhà nước khi thực hiện DVCTT, thì không phải cung cấp lại (nếu còn giá trị sử dụng) khi thực hiện DVCTT lần sau cho chính CQ nhà nước đó.

Đối với các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính Phủ, UBND cấp tỉnh đã kết nối dữ liệu giữa các CQ thuộc, trực thuộc thì những thông tin này không phải cung cấp lại khi làm DVCTT lần sau cho CQ khác của Bộ, Tỉnh đó.

  1. Thí điểm đấu giá để xuất khẩu đối với thuốc lá ngoại nhập lậu

Đây là nội dung nổi bật được nêu tại Quyết định 20/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 26/4/2018.

Theo đó, thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu nhưng đảm bảo chất lượng sẽ được thí điểm bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài, và phải tuân thủ quy định sau:

– Việc đấu giá phải thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản;

– Việc xuất khẩu phải thực hiện qua các cửa khẩu đường biển, đường thủy, đường hàng không quốc tế; không xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền, và không xuất khẩu qua các nước có chung đường biên giới;

Trường hợp quá cảnh sang các nước có chung đường biên giới phải thực hiện theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa đã ký với các nước;

– Thủ tục xuất khẩu cũng phải tuân thủ quy định về pháp luật hải quan.

Quyết định 20/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/6/2018 đến hết ngày 15/6/2020; trong thời gian này tạm thời dừng thực hiện Quyết định 2371/QĐ-TTg năm 2014 về tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

11, Quy định đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh Quảng Nam

Ngày 21/5/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định  04/2018/QĐ-UBND Ban hành Quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh (Có hiệu lực 01/6/2018), theo đó:

Đối tượng được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất gồm:  Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là khách hàng hoặc người)  thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Đất đai có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư hoặc làm nhà ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối tượng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án  đầu tư phải đảm bảo các điều kiện sau:

– Có năng lực tài chính để đảm bảo  việc sử dụng đất theo tiến độ  của dự án đầu tư, cụ thể:

+ Có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng;

+ Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20%  tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15%  tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từi 20ha trở lên;

+ Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án được thể hiện bằng văn bản cam kết của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.

  • Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

– Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất  do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở của hộ gia đình, cá nhân thì không cần phải đáp ứng điều kiện nêu trên (trừ điều kiện không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai…)

          * Điều kiện để thửa đất hoặc khu đất (gọi chung là thửa đất) để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất

Đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

Đất đã được giải phóng mặt bằng;

Có phương án đấu giá và quyết định đấu giá quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn: trangtinphapluat

 

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *