Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) Tránh trùng lặp

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ xây dựng. Làm thế nào để tránh được sự trùng lặp giữa dự thảo luật này với các luật chuyên ngành khác là vấn đề được quan tâm tại dự thảo này.

Hiệu quả thấp

Vướng mắc lớn nhất trong 12 năm thi hành Luật Thanh niên là nhiều quy định về quyền, nghĩa vụ của thanh niên đã được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Chẳng hạn, việc hỗ trợ giáo dục, dạy nghề đã có những quy định chung tại Luật Giáo dục; đề cập đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có thanh niên) đã có các văn bản liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, trong Luật Thanh niên còn có rất nhiều thuật ngữ mang tính tuyên ngôn, định tính như “nâng cao”, “khuyến khích”, “tạo điều kiện”… Đặc biệt, luật không quy định cơ chế thực hiện cũng như chế tài tương ứng. Những vấn đề trên làm cho đời sống pháp lý của Luật Thanh niên còn rất hạn chế. Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn nêu thực tế, tính pháp chế trong thi hành Luật Thanh niên chưa cao, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật dành cho thanh niên không được chú trọng, đặc biệt là không có chế tài xử lý khi vi phạm.

Chính vì thế, vấn đề cần đặt ra cho Ban soạn thảo Dự án Luật Thanh niên là giải quyết mối quan hệ giữa luật này và các luật chuyên ngành – tức là phải làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Duy Lãm cho rằng, Luật Thanh niên sửa đổi dù là luật khung hay luật cụ thể cũng cần sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo các quyền, nghĩa vụ của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Đồng thời cần xác định rõ vị trí, vai trò của từng loại chính sách, pháp luật trong việc phát triển thanh niên; phải tạo ra hành lang pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước với thanh niên, tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân của thanh niên.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, Luật Thanh niên được xây dựng theo hướng “luật khung”, nội dung chủ yếu là những nguyên tắc cơ bản bảo đảm thực hiện chính sách thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên.

Phải là đòn bẩy

 Nhóm thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn chưa là người phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, được pháp luật Việt Nam gọi là “người chưa thành niên”. Do đó, nhiều nghĩa vụ đối với thanh niên chưa được áp dụng cho nhóm này. Vì vậy, dự thảo cần có cơ chế bảo đảm để nhóm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được quyền chăm sóc, bảo vệ.

Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn

Nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH Trần Ngọc Đường cho rằng, dự thảo luật phải giải quyết 4 vấn đề cơ bản, bao gồm quyền và nghĩa vụ của thanh niên; chính sách đặc thù của nhà nước để phát triển thanh niên trong điều kiện mới; trách nhiệm của nhà nước đối với thanh niên… Các vấn đề này cần phải đặt trong bối cảnh mới của sự hòa nhập với cốt lõi cần phát huy thế mạnh của thanh niên trong lập thân, lập nghiệp; khuyến khích thanh niên có tài năng…

Đại diện Viện Nghiên cứu thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ, bên cạnh Bộ chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu, các nước trong khu vực ASEAN cũng đã xây dựng Bộ chỉ số phát triển thanh niên ASEAN bao gồm 4 lĩnh vực cơ bản: Giáo dục; sức khỏe và phúc lợi; việc làm và cơ hội; sự tham gia và cam kết. Từ cách tiếp cận này, việc xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) phải tập trung vào các mục tiêu phát triển thanh niên. Các chỉ số phát triển thanh niên là căn cứ quan trọng để xác định chính sách dành cho thanh niên ở các lĩnh vực giáo dục; lao động – việc làm; y tế – sức khỏe; khuyến khích thanh niên tham gia vào đời sống chính trị, đời sống xã hội.

Nhìn vào thực tiễn thi hành Luật Thanh niên, Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy cho rằng, nếu dự thảo ôm đồm nhiều chính sách thì khó bảo đảm được tính khả thi vì sẽ “đụng chạm” tới các văn bản luật chuyên ngành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chưa giải quyết được tồn tại lớn nhất của Luật Thanh niên sau 12 năm triển khai.

Có thể thấy, còn nhiều vấn đề xung quanh dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần tiếp tục được nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là phải bảo đảm được tính thống nhất, sự phù hợp với hệ thống văn bản hiện hành. Muốn có được điều này, dự thảo phải chứa đựng được những quy định đặc thù từ thực tiễn đời sống; cũng như mong muốn của họ trong việc lập thân, lập nghiệp.

Đình Khoa
Nguồn:daibieunhandan.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo xã với đoàn viên thanh niên

Chiều ngày 16/10/2022, tại Hội trường UBND xã Tam Đại, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *