Phải làm gì để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em?

Bạo hành, xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn gây chấn động tinh thần và để lại hậu quả lâu dài về tâm lý đối với trẻ. Đã có những em không thể phục hồi được tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục. Thế nhưng vì lòng tự tôn, sợ điều tiếng, không ít phụ huynh làm ngơ không dám tố giác

Những mảnh vỡ non nớt

Ở Việt Nam, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục có những diễn biến mới, phức tạp. Năm 2017, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được can thiệp, xử lý tuy giảm 49 vụ so với 2016 nhưng số trẻ em là nạn nhân xâm hại tình dục lại tăng 186 em. Điều này cho thấy, một trẻ em có thể bị bạo lực, xâm hại nhiều lần trong một thời gian dài hoặc một thủ phạm xâm hại tình dục nhiều em. Vậy, đâu là giải pháp để bảo vệ trẻ em trước vấn đề bạo lực, xâm hại?

Đầu năm 2018, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm sắp đặt “Voices Out – Dáng hình thanh âm”. Đây là triển lãm ảnh và sắp đặt đầu tiên tại Việt Nam về đề tài xâm hại tình dục trẻ em. Triển lãm có sự hiện diện của gia đình nạn nhân với 10 câu chuyện được ghi lại dưới dạng video/audio chia sẻ về hành trình đòi lại công lý cho những nạn nhân nhỏ tuổi. Tại triễn lãm, người xem đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khi được nghe chính những nạn nhân chia sẻ, kể về câu chuyện của mình

Tuổi thơ của T. không có cha mẹ, một mình đi qua nỗi đau và cuối cùng trở thành trẻ bụi đời. “Tôi ở với ông bà nội. Lâu lâu ba có về, mẹ thì chưa từng về thăm. Từ 12 đến 14 tuổi, tôi bị người hàng xóm và cả ba ruột mình xâm hại. Tôi trở thành trẻ bụi đời. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ mình phải đi thật xa” – T. nói. Suốt những năm tháng học cấp II, T. không dám đi ngang nhà hàng xóm, phải vòng lên xóm trên rồi vòng ngược về trường. Hiện nay, dù đã 26 tuổi và đang theo học tại một học viện nhưng với T những ám ảnh của tuổi thơ sẽ là nỗi đau không dễ gì nguôi.

Câu chuyện của mẹ bé K. ở Cà Mau, cô bé 10 tuổi đã tự vẫn khi những lời tố cáo của mình đã bị cơ quan chức năng “bỏ ngoài tai”, để kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật đã khiến người nghe không thể cầm nước mắt. “Giờ kẻ thủ ác đã bị bắt giam nhưng con tôi chết không nhắm mắt vì có không ít người đã vô tâm, quay lưng khi nghe con tôi tố cáo. Nó chỉ là đứa trẻ mới 10 tuổi làm sao nó dám dựng lên chuyện ấy. Nó gạt qua nỗi đau, nỗi sợ để tố cáo, vậy mà…” – mẹ bé K thổn thức nói.

Báo cáo của Bộ LĐ,TB-XH cho biết, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn nạn nhức nhối, đang diễn biến phức tạp; tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình, ở nhà trường và cộng đồng vẫn còn xảy ra với mức độ khá nghiêm trọng và là nỗi đau lớn nhất trong xã hội hiện nay. Cụ thể, trong 5 năm (2012 – 2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300. Số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại, chiếm đến 13,2%. Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, hàng năm, các cơ quan chức năng giám định khoảng 2.000 trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Trong năm 2016 và quý I.2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con.
xam-hai-tre-em-ruby

Mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục; 8 giờ có một bé gái bị xâm hại; Bốn bé gái thì có một bé bị xâm hại; 93% thủ phạm là người quen; 47% là họ hàng trong gia đình; 30% trẻ em bị xâm hại hai lần trở lên; Trẻ em sống cùng bố mẹ tái hôn có nguy cơ cao gấp 20 lần so với bố mẹ ruột. (Nguồn: Số liệu thống kê tại buổi triển lãm Voices Out)

Chưa được quan tâm đúng mức

Tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em… Nếu như trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13 – 18 tuổi, thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5 – 13 tuổi. Thông thường, khi các con ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu nảy nở, phát triển về giới tính thì cha mẹ mới nghĩ đến việc con có thể bị xâm hại tình dục nhưng trên thực tế, các con dưới 9 tuổi cũng có thể bị xâm hại.

Đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam… Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số thống kê riêng lẻ chứ chưa có bất cứ nghiên cứu, báo cáo đầy đủ nào về tình trạng xâm hại tình dục ở bé trai. Điều đáng buồn, không ít phụ huynh vẫn chưa coi đó là vấn đề cần quan tâm.

Theo TS tâm lý trẻ em Nguyễn Thị Thanh Thủy tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi, ở cả những vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Không chỉ xâm hại một người mà nhiều người cùng một lúc. Trong khi đó, nhiều cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con. Ngoài ra, văn hóa người Việt coi trọng trinh tiết với phái nữ nên thường cho rằng bị xâm hại tình dục ảnh hưởng nặng nề với các bé gái nên thay vì tố giác tội phạm thì không ít phụ huynh chọn giải pháp im lặng. Đây chính là lý do có những đối tượng dù đã bị gia đình phát hiện vẫn thản nhiên có cơ hội xâm phạm bé gái khác.

 

Thái Yến
Nguồn:daibieunhandan.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo xã với đoàn viên thanh niên

Chiều ngày 16/10/2022, tại Hội trường UBND xã Tam Đại, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *