Cần tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức đoàn và thanh niên

CTG) Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ đầu năm 2013 đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo quyết liệt việc lấy ý kiến cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong cả nước thông qua nhiều hình thức như: sinh hoạt chi đoàn, chi hội, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, mở hộp thư góp ý, mở chuyên trang, chuyên mục trên các báo giấy, báo điện tử trong hệ thống báo chí của Đoàn.

Gần 1.400 hội nghị cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đã được tổ chức với khoảng 66 nghìn đại biểu tham dự, đóng góp hơn 30 nghìn lượt ý kiến. Ở cơ sở, đoàn viên, thanh niên cả nước đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cho đến nay đã có 78% tổ chức đoàn cơ sở tổ chức lấy ý kiến đoàn viên, thanh niên với hơn 1,2 triệu ý kiến đóng góp. Các chi đoàn trong cả nước sẽ tiếp tục tổ chức sinh hoạt đoàn góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến hết tháng 3-2013.

Hội LHTN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hầu hết cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi và đồng tình với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 biên soạn, khẳng định khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam dựng xây và bảo vệ đất nước, một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao với nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có tính khái quát cao, cô đọng, súc tích, nhưng vẫn thể hiện đầy đủ những vấn đề chung nhất của nước ta. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, đồng thời bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài. 

Đặc biệt, các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên cả nước đều hoàn toàn đồng thuận và ủng hộ việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc tại Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục được rèn luyện, trở thành trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đoàn kết, tập hợp thanh niên thành khối thống nhất, xung kích, tình nguyện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp công sức, trí tuệ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ luôn tự đổi mới, xây dựng Đoàn vững mạnh để xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, sẵn sàng bảo vệ Đảng và tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Song, điều băn khoăn lớn của đông đảo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên là nội dung Điều 66 trong Hiến pháp 1992 quy định thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân… đã không có trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Đáng lưu ý hơn, toàn bộ 11 chương, 124 điều của bản Dự thảo tuyệt nhiên không thấy một từ nào đề cập đến lực lượng thanh niên hoặc thế hệ trẻ, điều mà Văn kiện Đảng từ trước đến nay và trong các bản Hiến pháp trước đây đều đề cập.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X đã xác định “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc…, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn dân, toàn Đảng của mình, Người đã chỉ rõ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết.

Thể chế hóa các đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao và công dân tốt cho đất nước, từ năm 1959 đến nay, Nhà nước ta luôn dành một điều quy định về thanh niên trong các bản Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Điều 35 của Hiến pháp năm 1959 khẳng định “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục, thể dục”. Hiến pháp năm 1980 cụ thể hóa hơn nội dung này bằng Điều 66, trong đó quy định “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển trí tuệ, năng khiếu và thể lực; chăm lo bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên.

Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa”.

Hiến pháp năm 1992 tiếp tục phát triển, làm rõ hơn nội dung về thanh niên tại Điều 66 “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, bổ sung quy định về vai trò và trách nhiệm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Khoản 5, Điều 36, khẳng định “các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”.

Như vậy, trong quá trình lập hiến, cần phải đặt vấn đề thanh niên ở góc độ là một thế hệ chứ không phải là đối tượng lứa tuổi; thanh niên là thế hệ sẽ làm chủ tương lai của đất nước, là tương lai của dân tộc. Việc quy định chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho thanh niên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung trong Hiến pháp là thật sự cần thiết, thể hiện tầm nhìn xa, rộng đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ tương lai của nước nhà. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bỏ Điều 66 và Khoản 5, Điều 36 trong Hiến pháp 1992 là chưa quán triệt được tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên.

Từ những phân tích trên, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu ý kiến của đông đảo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, giữ lại nội dung Điều 66 quy định về việc thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân… và Khoản 5, Điều 36 quy định về trách nhiệm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong Hiến pháp 1992.

Nội dung đó có thể là một điều sau Điều 40 hoặc đưa vào Điều 40 của chương III trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cụ thể:

“Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng gia đình, Nhà nước, xã hội giáo dục, rèn luyện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng”.
 

NGUYỄN ĐẮC VINH
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn,
Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam 
(theo báo Nhân Dân)

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Thông tư 11/2018/TT-BNV về Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam

N gày 14/9/2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 11/2018/TT-BNV về Bộ chỉ tiêu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *