Mục đích của cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là đem lại độc lập tự do của Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho đồng bào. Chính vì mục đích cao cả ấy mà Người đã “không có của riêng”. Cuộc đời và sự nghiệp của Người trở thành tài sản của non sông đất nước và nhân loại.
Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, tìm thấy con đường cứu nước 1920; thực chất của con đường cứu nước mà Bác tìm thấy là con đường theo chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường gắn chặt giữa giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Mục tiêu giải phóng giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin mà Hồ Chí Minh tìm thấy đó là giải phóng dân tộc. Chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu điều đó: giai cấp công nhân ở mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải trở thành giai cấp dân tộc. Nếu giai cấp công nhân ở mỗi nước mà không giành được chính quyền thì không thể có điều kiện lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn dân tộc mình và như vậy càng không thể có điều kiện để giúp đỡ, làm nghĩa vụ giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng các dân tộc khác. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác-Lênin coi đó là nhiệm vụ trước hết của giai cấp công nhân tất cả các nước.
Khi tìm thấy con đường cứu nước chân chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra những kết luận xác đáng đó là: Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng tin tưởng nhất, chắc chắn nhất đó là chủ nghĩa Lênin; Con đường giải phóng dân tộc không có con đường nào khác đó là con đường cách mạng vô sản; Cách mạng phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải giữ chủ nghĩa cho vững… Đảng phải gắn bó với quần chúng và trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng. Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo…
Năm 1924, Hồ Chí Minh về Trung Quốc. Năm 1925, Người sáng lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội (Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên) và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào tổ chức này. Những bài giảng của Bác sau này được “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á – Đông” xuất bản thành cuốn “Đường kách mệnh”, ấn hành năm1927. Mở đầu tác phẩm, Bác viết lời dạy của Lênin trong tác phẩm “Làm gì?”: “không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi cách mệnh tiền phong”. Nói Bác truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, nhưng Bác đã “biến” chủ nghĩa Mác-Lênin thành cách hiểu của Người để truyền bá, chứ không “tầm chương, trích cú” từng câu, từng chữ, từng trang, dòng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Năm 1930, Bác về thành lập Đảng Cộng sản. Đảng ta ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nhưng đã có giai cấp công nhân, mặc dù về số lượng giai cấp công nhân chỉ là thiểu số so với các giai cấp khác trong xã hội Việt Nam lúc đó (1% dân số); nhưng giai cấp công nhân Việt Nam là đại biểu cho cả dân tộc đang bị áp bức và nô lệ, cho nên nhiệm vụ cốt tử của giai cấp công nhân là tập hợp, đoàn kết với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh nhận thức rõ ràng rằng: nhiệm vụ giải phóng dân tộc của giai cấp công nhân và của mỗi người dân Việt Nam là một. Thực hiện nhiệm vụ này, không ai có thể làm thay, làm hộ dân tộc Việt Nam được. Từ đó, Người dạy rằng; có tự lập mới có độc lập, có tự cường mới có tự do; công việc giải phóng cho ta phải do ta tự làm lấy… Điều đó thể hiện rất rõ là không thể áp đặt ý chí của dân tộc này lên dân tộc khác… Chính những nhận thức đúng đắn trong hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam khi thành lập Đảng, nên Bác đã tổ chức hợp nhất 3 tổ chức cộng sản Việt Nam là Đông Dương Cộng sản đảng; An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua các văn kiện do Bác soạn thảo. Các văn kiện này đã bảo đảm cho Đảng có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn ngay từ khi thành lập. Các văn kiện đó là: “Chánh cương vắn tắt của Đảng”; “Chương trình tóm tắt của Đảng”; “Sách lược vắn tắt của Đảng”; “Điều lệ vắn tắt của Đảng” và “Lời kêu gọi”; bên cạnh đó còn có một văn kiện ngắn gọn nhưng hết sức quan trọng đó là: “Năm điểm lớn”. Trong các văn kiện Bác đã chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng phải coi công, nông là gốc của cách mạng, nhưng phải “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng như Đảng Lập Hiến… thì phải đánh đổ” (1) “Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung, đánh đổ các đảng phái phản cách mạng như Đảng Lập Hiến…” (2).
Quốc tế Cộng sản lúc đó đứng đầu là Xtalin đã nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc là người theo chủ nghĩa dân tộc, lợi dụng chủ nghĩa cộng sản chỉ để giải phóng riêng cho dân tộc mình, cho nên Quốc tế yêu cầu Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng lại chỉ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trên quốc gia Việt Nam là chủ yếu. Trong đường lối của Đảng, Quốc tế Cộng sản cho rằng, đã là cộng sản thì chỉ có thể liên minh công nông chứ cộng sản không thể liên minh với giai cấp tiểu tư sản, địa chủ, phú nông và tư sản.
Quốc tế Cộng sản chỉ biết một lợi ích của giai cấp công nhân chứ chưa thật sự thấy lợi ích của dân tộc trong hoàn cảnh thuộc địa nửa phong kiến. Trong hoàn cảnh này, lợi ích của giai cấp phải phục tùng lợi ích dân tộc. Lợi ích dân tộc gắn liền với lợi ích quốc gia. Đất nước bị giặc ngoại xâm xâm lược, mọi người dân của dân tộc đó đều là người dân mất nước, đều có chung một nguyện vọng, một nhu cầu trên hết và cấp bách là giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm. Lực lượng lãnh đạo dân tộc mà không hướng tới mục tiêu này, không tập hợp được lực lượng toàn dân tộc thì lực lượng đó sớm hay muộn cũng sẽ thất bại.
Ở thời điểm đó, tuy Nguyễn Ái Quốc đúng, nhưng Quốc tế Cộng sản chưa nhận thức được cái đúng đó, cho nên Đảng ta đã phải đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930). Cũng tại Hội nghị tháng 10-1930, có một Nghị quyết thủ tiêu các văn kiện thành lập Đảng của Nguyễn Ái Quốc (Văn kiện Đảng Tập 2- NXBCTQG – Hà Nội 1998-Trang 112).
Về hoạt động của Bác, ngày 6-6-1931, Người bị bắt ở Hương Cảng, cho mãi đến ngày 21-1-1933 mới được tự do. Hơn một năm sau đó, tháng 6-1934, Bác mới trở lại Mat-xcơ-va và được cử đi học tại trường Quốc tế Lênin.
Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương từ 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao (tô giới Bồ Đào Nha – Trung Quốc), trong số 13 ủy viên Trung ương Đảng được bầu có 10 ủy viên chính thức; 2 ủy viên dự khuyết và 1 ủy viên dự bị. Trong danh sách Nguyễn Ái Quốc đứng thứ 13 (dự bị)(3).
Ngày 17-1-1937, Bác được chọn cùng 20 học viên của trường Quốc tế Lênin đi làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ngày 6-6-1938 Người viết thư cho một lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, bức thư viết bằng tiếng Pháp trong đó có nội dung: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này” (4).
Ngày 29-9-1938, Trưởng phòng cán bộ Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa Ka-pê Nô-vi-côp đã ký quyết định cho Nguyễn Ái Quốc rời khỏi biên chế của Viện để về nước.
Tám năm, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản, về đường lối đúng đắn của cách mạng Việt Nam và bản thân Người chịu những thử thách lớn lao. Lịch sử qua đi càng chứng minh là Bác hết sức sáng suốt và đúng đắn. Hồ Chí Minh đã kiên định một lập trường cứu nước, cứu dân trên cơ sở của đường lối độc lập tự chủ, sáng tạo. Cái đúng đó của Bác, ở thời điểm đó bị phê phán và đã hơn một lần người đã giải thích nhưng không được chấp thuận mà còn buộc phải chấp nhận một thời gian dài trong tình trạng không hoạt động…
Bác Hồ kính yêu đã kiên định một lập trường cách mạng đúng đắn: giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm và giải phóng dân tộc khỏi nghèo nàn, lạc hậu bằng sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Lập trường ấy, đường lối ấy soi sáng cho dân tộc ta, cho Đảng ta mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn.
nguồn:lichsuvietnam.vn