Lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Ngay từ năm 1967, ta chủ trương “sớm đưa tên lửa phòng không vào phía Nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B.52”. Trung đoàn 238 đang bảo vệ Hà Nội, được lệnh lên đường vào tuyến lửa Vĩnh Linh.

‘Rồng lửa’ Thăng Long xung trận

‘Mỗi quả đạn là một B.52’
Tù binh và bí mật ‘Điện Biên Phủ trên không’
Điện Biên Phủ trên không: Ngày phán xét
‘Điện Biên Phủ trên không’: Chuyện từ phía bên kia

E.Tinpho, trong “Gió ngang: Những điều không thể thiếu về mặt văn hóa của chiến tranh đường không” (Tạp chí Quốc phòng toàn dân) nhận định: “Cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự… đã loại bỏ những lợi thế và làm tê liệt không lực – sức mạnh lớn nhất của Mỹ.

Bắc Việt huy động toàn bộ nguồn tài lực phòng không, tên lửa phòng không buộc các máy bay tiến công của Mỹ phải bay thấp để súng trường cùng các vũ khí tự tạo của dân quân phát huy được hiệu quả; máy bay MIG nhỏ bé ngăn trở Mỹ giành và khai thác quyền khống chế trên không. Không quân cùng với không quân hải quân Mỹ không giành được ưu thế trên không theo ý nghĩa cổ điển”.

Để có được những đòn tên lửa bất ngờ giáng vào sức mạnh không lực vốn là niềm tự hào của quân đội Mỹ năm 1972, từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Thượng tướng Phùng Thế Tài: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Đưa “rồng lửa” vào tuyến lửa

Vĩnh Linh, Quảng Trị, 1967. Mảnh đất này vốn hẹp, với dòng Bến Hải chạy cắt ngang dẫn nguồn nước từ đại ngàn Trường Sơn đổ ra biển Đông tại cửa Tùng, ngắm ra xa là đảo Cồn Cỏ như một con tàu chiến neo cố định án ngữ tiền tiêu. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, ở giữa có một vạch trắng, cũng là vạch cắt đôi dải đất hình chữ S theo hiệp định Gieneva từ năm 1954.

Phía bờ Nam Bến Hải là địa danh Gio Linh, với những điểm cao Cồn Tiên – Dốc Miếu đặt trận địa pháo liên hoàn án ngữ con đường vào Nam. Phía bờ Bắc Bến Hải là Vĩnh Linh, mảnh đất thành đồng với hệ thống địa đạo liên hoàn chui sâu vào lòng đất, vươn lên núi và ngược ra phía biển. Quân và dân Vĩnh Linh phải đào địa đạo, đến nay dấu tích vẫn còn, để tìm kiếm sự sinh tồn trong lòng đất mẹ, khi mà hằng ngày mảnh đất này bị cày qua xới lại bởi bom và pháo bắn từ bờ Nam qua, hay từ ngoài biển dội vào.

Chạy dọc sông Bến Hải, từ giữa sông tính sâu vào cả 2 bờ là vùng đất rộng 5km mỗi bên, cấm mọi hoạt động quân sự trên diện tích này, vì theo hiệp địnhGieneva là khu DMZ (khu vực phi quân sự – Demilitarized Zone), nhưng máu chưa bao giờ ngừng đổ xuống ở đây suốt những năm chiến tranh phá hoại.

 
Ảnh Corbis

Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 238, dẫu hơn 45 năm đã trôi qua, vẫn còn ghi nhớ: “Vào giữa năm 1966, Mỹ đã dùng B.52 ném bom quanh khu vực Quảng Bình. Bác Hồ chỉ thị cho Lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ): “B.52 đã đánh ra miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú PK-KQ”.

Hiểu ý Bác, ta thực hiện chủ trương “sớm đưa tên lửa phòng không vào phía Nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B.52”. Trung đoàn 238 đang bảo vệ Hà Nội, được lệnh lên đường vào tuyến lửa Vĩnh Linh.

Tại thời điểm bấy giờ, tên lửa SAM 2 vốn là loại vũ khí nặng nề, cồng kềnh nhất. Để tránh tai mắt cú vọ của đối phương, cả khối xe cộ, binh khí, kỹ thuật khổng lồ lặng lẽ cơ động trong đêm. Đơn vị ông Hội hành quân qua dải đất hẹp Quân khu 4: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong sự hy sinh chở che, cưu mang của bộ đội và nhân dân miền Trung ruột thịt.

Trên địa bàn Quân khu 4, trong thời điểm đó, có 12 “cửa tử”: Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – cầu Cấm (Nghệ An) – Nam Đàn (Nghệ An) — Truông Bồn (Nghệ An) – Quán Hàu (Nghệ An) – Bến Thủy (Nghệ An) – Chu Lễ (Hà Tĩnh) – Đồng Lộc (Hà Tĩnh) – Thác Cóc (Quảng Bình) – Long Đại (Quảng Bình)… Nếu chẹt (chặn đứng) được 12 “cửa tử” này thì tuyến đường chi viện cho miền Nam sẽ hoàn toàn bị cắt đứt. Hiểu rõ tuyến đường huyết mạch này, nên máy bay Mỹ tập trung đánh phá. Có những nơi vào lúc cao điểm, bom Mỹ đánh xuống 24/24 giờ mỗi ngày.

Không thể đo đếm được sự hy sinh thầm lặng của hàng chục ngàn thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã ngày đêm lo ngụy trang, đào công sự, làm cọc tiêu sống, chống lầy, hộ tống “Rồng lửa” qua sông, qua những chặng đường bom Mỹ đánh phá ác liệt. Dọc đường hành quân, đã có hàng trăm người ngã xuống hoặc mất một phần xương máu mới đưa Trung đoàn 238 và 9 Tiểu đoàn cao xạ đến đích.

Vào tới đất lửa Vĩnh Linh, khi triển khai trận địa, khó khăn gian nan vẫn chồng chất. Trong cái nắng nóng thiêu da đốt thịt của dải đất hẹp miền Trung mùa hè, lá ngụy trang vừa thay đã héo quắt. Để giữ được bí mật tuyệt đối, bộ đội và nhân dân Vĩnh Linh phải vào rừng cách xa hàng chục cây số chặt cây đem về ngụy trang trận địa cao xạ, tên lửa.

Tiếp đó là những ngày đọ trí, đọ sức và chiến đấu quyết liệt. Vĩnh Linh là dải đất hẹp, đối phương lại thường xuyên thay đổi trang bị vũ khí gây cho trung đoàn 238 nhiều khó khăn. Có trận, đối phương dùng một máy bay từ xa lượn vòng chiếu laze vào mục tiêu, để nhiều chiế

c tiêm kích khác tiếp cận phóng tên lửa tấn công. Ta chưa phát hiện máy bay địch, tên lửa đã nổ giữa mục tiêu khiến đơn vị thương vong rất lớn.

Cả 4 tiểu đoàn hỏa lực là 81, 82, 83… đều bị thiệt hại. Tiểu đoàn 5 lắp ráp tên lửa cũng bị oanh kích. Chính ông Hội cũng bị thương trong trận này. Tuy vậy, với quyết tâm tiêu diệt bằng được B.52, Trung đoàn 238 quyết định dồn sức cho Tiểu đoàn 84. Vũ khí, khí tài được gom về, lắp ráp thành một bộ hoàn chỉnh.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên cùng sĩ quan điều khiển Lê Hỷ thuộc Tiểu đoàn 82 và một số đồng chí khác của Tiểu đoàn 81, 83 cũng được điều về bổ sung cho Tiểu đoàn 84. Khi khí tài và quân số đã ổn định, Tiểu đoàn 84 (ghép) được lệnh cơ động về trận địa T5 (Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh) chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

“Sách đỏ” viết ở tuyến lửa

Khi trận địa hoàn thành, đích thân Đại tá Đặng Tính (Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng PK-KQ) vào tận Vĩnh Linh thị sát chiến trường của Trung đoàn 238. Đại tá Hội xúc động: “Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được lời của Đại tá Đặng Tính khi ông vào thăm trận địa:

“Đưa được cả trung đoàn cùng khối binh khí, kỹ thuật khổng lồ này vào tới chiến trường “lửa” an toàn là một huyền thoại. Triển khai chiến đấu, đem được cả khối binh khí, khí tài xuống lòng đất mà kẻ thù không hay biết là hai huyền thoại. Giấu được quân, giấu được binh khí, khí tài, xe cộ là ba huyền thoại. Chỉ còn một huyền thoại nữa là chờ các đồng chí bắn rơi B.52 trên đất lửa”.

Ảnh Corbis

Ngày 15/9/1967, vì trời mưa quá lớn, trận địa bị ngập nước nên đã thấy B.52 mà không thể đánh được. Hôm sau, B.52 lại xuất hiện nhưng ra-đa không bắt được mục tiêu. Đến cuối buổi chiều ngày 17/9/1967, khi đối phương ngỡ rằng bom, pháo đã đè bẹp được lực lượng của ta thì bất ngờ “rồng lửa” xuất hiện.

Kíp chiến đấu gồm có sĩ quan điều khiển Lê Hỷ và ba trắc thủ là Ngoạn, Thính, Ngận, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên đã tách được nhiễu, nhận dạng mục tiêu và phóng hai quả đạn tên lửa. Chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị hạ gục. 30 phút sau, chỉ còn một quả đạn, đơn vị quyết đánh và bắn rơi thêm một B.52 nữa.

Vậy là từ khi có mặt ở tuyến lửa, phải mất 5 tháng sau trung đoàn 238 mới bắn rơi được chiếc B.52 đầu tiên. Cũng do đã tìm được cách đánh B.52 nên sau đó Trung đoàn 238 tiếp tục bắn rơi thêm 4 chiếc nữa, nâng tổng số 6 chiếc pháo đài bay bị hạ gục tại đất Vĩnh Linh.

Đại tá Hội cười tươi: “Hạ gục được B.52, chúng tôi đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp, phải vào hang cọp”. Nhưng, hiệu quả và ý nghĩa hơn chính là từ kinh nghiệm bắn B.52 ở tuyến lửa Vĩnh Linh năm 1967 mà bộ đội tên lửa sau này đã xây dựng và hoàn thiện được cẩm nang chiến đấu vô cùng giá trị. Đó là “Phương án đánh máy bay B52” hay còn gọi là “Sách đỏ”.

Trong tháng 10/1972, cuốn Cẩm nang này được chuyển đến tất cả các tiểu đoàn tên lửa để nghiên cứu luyện tập phương án đánh B52 nếu chúng tấn công quy mô lớn vào Hà Nội.

Cho đến khi đó, hệ thống ra-đa của SAM 2 đã được cải tiến 4 lần với 40 nội dung kỹ thuật để có thể đối đầu hiệu quả với cuộc chiến tranh điện tử của không lực Hoa Kỳ. Các “miếng” đánh kỹ thuật chống tên lửa shrike từ các máy bay tiêm kích hộ tống B.52 phóng vào các trạm ra-đa cũng được hoàn thiện và luyện tập thành thục.

Sách đỏ cũng hướng dẫn cho các cấp chỉ huy tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn dải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu…

Những kinh nghiệm ấy đã góp phần quan trọng để “rồng lửa Thăng Long” tả xung, hữu đột cùng quân dân Miền Bắc hạ gục 34 chiếc B.52, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu tháng 12/1972.

Ngày nay, trận địa T5 (Nông trường Quyết Thắng), nơi trung đoàn 238 bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên ở Việt Nam là một trong những địa chỉ di tích lịch sử-văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

Nội dung Sách đỏ:

* Tuy không quân địch gây nhiễu dày đặc nhưng trong mớ hỗn loạn các loại tín hiệu nhiễu trên màn hiện sóng, B-52 không phải là hoàn toàn vô hình nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu B-52 một cách gián tiếp đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52. Tuy các đám nhiễu này kích thước to không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu chính xác và điều khiển tên lửa chính xác nhưng cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất: bắn một loạt các quả đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao, phương án bắn xác suất này được “cẩm nang” gọi là “phương án P”.

* Đồng thời “cẩm nang” cũng chỉ ra khi mục tiêu B-52 đi thẳng vào đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên nhưng tín hiệu mục tiêu sẽ tăng mạnh hơn, mục tiêu sẽ hiển thị khá rõ nét, đây là thời cơ có thể bắn điều khiển tên lửa chính xác theo “phương án T” khi đó chỉ cần 1 đến 2 quả tên lửa B-52 sẽ phải rơi tại chỗ.

* Trong “cẩm nang” đồng thời cũng đề ra các hướng dẫn cụ thể cho các cấp chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn giải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu…

 

  • Trường Minh

Còn tiếp

nguồn:vietnamnet.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

70 năm tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(https://trangtinphapluat.com – Tư vấn pháp luật) Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *