Phan Đinh Phùng

Phan Đình Phùng (Giáp Thìn 1844- Ất Mùi 1895)

Phan Đình Phùng (Giáp Thìn 1844- Ất Mùi 1895)

Sinh tại làng Đông Thái, xã Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ) một vùng quê có nhiều người thành đạt trên con đường khoa bảng.

Năm Đinh Sửu (1877) ông đậu Đình nguyên Tiến sĩ lúc 34 tuổi. Được bổ làm tri huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, bước vào hàng quan ông đã nổi tiếng vì tính thẳng thắn và liêm khiết, sau đó được triệu về kinh làm Ngự sử ở Đô sát viện.

Năm 1883, Phan Đình Phùng đã lớn tiếng mắng đại thần Tôn Thất Thuyết về việc không tuân theo di chiếu của vua Tự Đức mà tự tiện bỏ Dục Đức, nên ông bị bắt giam vào ngục Cẩm y rồi cách chức đuổi về làng. Lúc này đất nước đang rơi vào hoạ ngoại xâm triều đình Huế chia thành hai phe chủ chiến và chủ hoà, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu và cuộc phản công vào kinh thành Huế ngày 4-5-1885 thất bại vua Hàm Nghi xuất bôn.

Tháng 9-1885 khi vua Hàm Nghi ra đến Sơn phòng Hà Tĩnh ở Hương Khê, Phan Đình Phùng và một số văn thân đã đến yết kiến vua và Tôn Thất Thuyết tại căn cứ Vụ Quang – Hương Khê (nay thuộc huyện Vũ Quang) được vua giao cho chức Thống đốc quân vụ đại thần lãnh đạo phong trào chống Pháp trên 4 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đại bản doanh đặt tại căn cứ Vụ Quang. Lúc này các đội nghĩa binh của Lê Ninh ở La Sơn, Cao Thắng ở Hương Sơn đều quy tụ dưới ngọn cờ Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, nghĩa quân đánh nhiều trận nhưng cuối cùng lâm vào thế bất lợi.

Đầu năm 1887 nhận thấy nếu chỉ chiến đấu đơn độc thì phong trào sẽ đi vào chỗ thất bại, nên ông giao nhiệm vụ chỉ huy cho Cao Thắng rồi ra Bắc vận động sĩ phu và nhân dân cùng nổi dậy chống Pháp.

Năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị bắt, năm 1889 Phan Đình Phùng từ ngoài Bắc trở về, lúc này phong trào Cần Vương ở bốn tỉnh Bắc Trung Kỳ dấy lên đều khắp, khá mạnh mẽ và quy về một mối do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Lực lượng nghĩa quân Phan Đình Phùng đã lập được một chiến công oanh liệt nhất vang dội nhất không chỉ so sánh riêng với cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà trong toàn bộ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 đó là trận Vũ Quang.

Sau 10 năm kiên cường kháng chiến, Phan Đình Phùng, lâm bệnh và qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1895 tại núi Quạt, thọ 51 tuổi, mười ngày sau doanh trại của nghĩa quân lọt vào tay giặc.

Phan Đình Phùng mất đi, cuộc khởi nghĩa Cần Vương cuối cùng cũng bị dập tắt, nhưng phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược mạnh nhất, quyết liệt nhất, rộng khắp bốn tỉnh Bắc Trung Kỳ suốt mười năm do ông lãnh đạo mãi còn vang dội trong lòng dân tộc ta.

Nguồn:Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế 2006, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Tr. 1197.

Dẫn lại nguồn:lichsuvietnam.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About dainghieptamdai

Bài viết liên quan

70 năm tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(https://trangtinphapluat.com – Tư vấn pháp luật) Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *