Phát triển ngành nghề nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) tập trung phát triển, đa dạng hoá các ngành nghề nông thôn, góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng xã nông thôn mới.
Dựa vào vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước tưới phục vụ cho nông nghiệp được đảm bảo và nguồn nhân lực dồi dào Tam Đại đã xây dựng đề án phát triển các ngành nghề nông thôn giai đoạn 2013-2015 sát với tình hình thực tế của địa phương và bắt tay vào triển khai thực hiện. Mục tiêu tổng quát của đề án là mở rộng và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Phát triển các ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu phong phú để thúc đẩy các ngành nghề phát triển. Tận dụng, khai thác và phát huy tối đa việc sử dụng nguồn nguyên liệu, lao động tại chỗ và tiềm năng của địa phương, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng cao. Đề án cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015 có trên 60% lao động ở các cơ sở sản xuất đã qua đào tạo nghề. Giá trị sản xuất ngành nghề, làng nghề tốc độ tăng trưởng từ 20-22%, mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 60 lao động, đến năm 2015 giải quyết việc làm mới cho trên 200 lao động. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân 5,5% đến năm 2015 giá trị sản phẩm sản xuất từ các ngành nghề nông nghiệp chiếm trên 30% tổng giá trị sản phẩm nông lâm, thuỷ sản. Hiện nay trên địa bàn xã có các ngành nghề phát triển tương đối mạnh như nghề mộc dân dụng nhờ vào đội ngũ công nhân lành nghề và nguồn nguyên liệu có sẵn với 27 cơ sở bao gồm cưa xẻ gỗ và mộc dân dụng. Doanh thu hằng năm từ nghề mộc lên đến 9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 60 lao động với thu nhập bình quân ba triệu đồng mỗi người một tháng.

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở Tam Đại

Từ nay đến năm 2015, Tam Đại sẽ tập trung phát triển một số ngành nghề được xem là có thế mạnh và tiềm năng như mộc dân dụng, cơ khí, xây dựng. Trên lĩnh vực nông nghiệp tập trung sản xuất lúa giống hàng hoá, quy hoạch vùng sản xuất lúa tại các thôn Đại An, Đại Hanh, Trung Đàn… Tiếp tục nhân rộng và phát huy nghề nuôi cá nước ngọt nhờ vào thế mạnh nguồn nước từ Hồ Phú Ninh và nguồn giống từ Trung tâm nuôi trồng thuỷ sản Quảng Nam đóng chân trên địa bàn. Thí điểm mới các mô hình trồng rau chuyên canh, làm nấm rơm, trồng hoa và cây cảnh.

Trong năm 2012, Nông thôn mới ở Tam Đại được đánh giá là khá chậm so với lộ trình, nhiều tiêu chí đề ra không đạt được. Việc xây dựng đề án phát triển các ngành nghề nông thôn giai đoạn 2013 – 2015 được xem là động thái tích cực để tiếp tục thực hiện chủ trương lớn này ở một xã nông nghiệp như Tam Đại. Để đạt được những mục tiêu đề ra, địa phương cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn vốn và đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đồng thời đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, tập trung tuyên truyền, vận động và cùng nhân dân thực hiện.

(Thanh Sơn )

Nguồn: phuninh.gov.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Đánh ghen quá đà, coi chừng đi tù!

(trangtinphapluat.com)- Ngày 8-5, sau khi điều tra, xác minh, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *