Phú ninh: Một thời & mãi mãi * Bài II: B Hòa Vang Phú Ninh – dấu ấn một thời hoa đỏ

Photobucket(Cadn.com.vn) – Là công trình đại thủy nông lớn được xây dựng sớm nhất ở miền Nam  sau ngày giải phóng, trên Công trình đại thủy nông Phú Ninh (CTĐTNPN) ngày ấy, hàng triệu ngày công lao động của nhân dân QN-ĐN đã “thi gan cùng sỏi đá”. Trong lớp lớp đội ngũ những chàng trai, cô gái của Tổng B Phú Ninh ngày ấy, B Hòa Vang Phú Ninh là một trong các B lập nhiều thành tích trong lao động, góp phần làm nên CTĐTNPN hôm nay.

Cứ tưởng, trận đột qụy thập tử nhất sinh sẽ làm ông Nguyễn Văn Cư- “anh cả” B Hòa Vang Phú Ninh ngày ấy- gục ngã. Vậy nhưng, hôm B Hòa Vang Phú Ninh tổ chức cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm ngày khởi công xây dựng CTĐTNPN, ông vẫn đến dự. Đã bước qua tuổi 70, nhưng cái duyên nói chuyện vừa hóm hỉnh vừa có sức thu hút của ông khiến người nghe như được truyền thêm nhiệt huyết…

Kể về những năm tháng ở Phú Ninh, đôi mắt ông Cư chợt ánh lên sự ấm áp. Ông hóm hỉnh nhận xét: “Hồi đó, B Hòa Vang cái chi cũng giỏi. Lao động nhất nè, văn nghệ, thể thao cũng nhất nè, rồi… đánh nhau cũng… nhất luôn”. Thấy tôi tròn mắt, ông vui vẻ nói: “Thanh niên mà cháu. Cũng có lúc này, lúc khác, nhưng khi làm việc thì làm ra trò lắm!”. Ký ức ông đưa tôi trở về những ngày cuối tháng 3-1977 lịch sử, khi ấy ông đang làm Bí thư Huyện đoàn Hòa Vang, được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ phát động thanh niên trong huyện đăng ký xung kích vào Phú Ninh làm thủy lợi. Theo đó, 14 xã của Hòa Vang khi ấy đều thành lập Đại đội thanh niên xung kích (gọi tắt là C). Sau khi phát động các C. mua tre, tranh về làm khung nhà, lợp tranh làm mái, ông cùng các C. trưởng vào Phú Ninh tiền trạm, nhận đất rồi về thuê xe chở lực lượng xung kích cùng cơ sở vật chất vào để xây dựng lán trại. Địa điểm đầu tiên mà B Hòa Vang được phân công làm là 5km ở xã Tam Dân (Phú Ninh). Nhớ lại những ngày này, ông không khỏi ngậm ngùi: “Hồi đó, Tam Dân nghèo xác xơ. Toàn đồi trọc và sỏi đá. Người dân có câu “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa về ăn khoai lang uống nước”. Thương dân đói nghèo, những chàng trai, cô gái trẻ trung ngày ấy càng hăng say lao động. Nhiều bữa trưa nắng, đứng phía trên bờ kênh nhìn xuống, thấy anh em phơi mình ra giữa nắng, nhất là mấy cô nữ, thương không chịu được. Nhiều hôm, các em ấy xòe ra trước mặt chú bàn tay rớm máu, chai sạn vì phải bốc đá, gánh đất. Thương ghê lắm, nhưng cũng chỉ biết động viên…”.

Khổ quá, nên thời ấy, có không ít người đã tìm cách trốn khỏi công trường. Nhắc đến vấn đề này, ông Cư ngậm ngùi: “Cũng chẳng trách họ được. Bởi lực lượng thanh niên xung kích ngày ấy là một đội quân tập hợp với rất nhiều thành phần. Thanh niên tiến bộ có, thành phần con gia đình tiểu tư sản chưa quen lao động chân tay cũng có, rồi thì xì ke, ngụy quân, ngụy quyền cũng có nốt. Thử hỏi không quen lao động cực khổ, giờ suốt ngày phơi mình ra giữa nắng, giữa gió, làm sao chịu nổi. Nhưng ai trụ được đều làm việc rất tích cực, rất hăng say và có tinh thần trách nhiệm cao”…

Trong câu chuyện, ông dành tình cảm đặc biệt cho C2- Đại đội chủ lực B Hòa Vang- chuyên bắn đá. Thời kỳ đó, tất cả đều làm bằng thủ công nên công việc đào kênh, gánh đất đá đã vất vả, công việc bắn đá lại càng vất vả, nguy hiểm hơn. Người đứng đầu C2 được ông tín nhiệm chọn lựa để quản lý gần 120 con người là ông Dương Thành Thị- hiện là Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu. Trong dòng hồi ức về một thời hoa đỏ đẹp đẽ, đáng tự hào ấy, ông Thị bồi hồi: “Ngày vào công trường Phú Ninh, tôi mới 17 tuổi, là Xã đội phó Xã đội Hòa Khánh. Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày cùng chú Cư lên tiếp quản khu vực để đóng lán trại. Khi ấy, vùng đất Tam Dân hoang sơ lắm… Đến đầu năm 1978, khi các C khác được chuyển ra Bình Quý (Thăng Bình) để gánh đất, đào kênh, C2 được B Hòa Vang giao nhiệm vụ trở vào Tam Dân làm công việc chuyên bắn đá phục vụ công trình. Khi bóc lớp đất trần ở phía trên nền mặt đất, ai cũng tưởng lớp dưới là đất. Nào ngờ đụng phải bãi đá, lèn đá. Đào xuống đến đâu đá càng xanh lè đến đó. Đá già nên cứng lắm. Hồi ấy chỉ làm bằng thủ công, công sức anh em bỏ ra không thể nào kể xiết…”. Nhân nói chuyện C2, ông Trần Thuận- nguyên Đại đội Phó C2- chợt nhớ đến sáng kiến của C2 để tăng năng suất lao động: “Ban đầu, công việc làm không được hiệu quả vì anh em phần lớn là thanh niên thuộc thành phần tiểu tư sản, chưa quen lao động. Nhiều anh em giả vờ ốm để không đi làm. Năng suất vì thế mà rất thấp. Sau khi nghiên cứu, họp toàn C để rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, Ban chỉ đạo C2 đã bàn với anh em trong C thay đổi giờ làm, chia tổ, phân bổ lao động hợp lý. Theo đó, cứ một người mạnh kèm một người yếu. Thay vì 7 giờ sáng đi làm như quy định, C2 chuyển sang làm từ 3 giờ sáng, đến khi mặt trời lên cao thì cho anh em về lán trại nghỉ để chiều làm tiếp. Đặc biệt, mặc dù là chỉ huy, nhưng để làm gương, đích thân chúng tôi cũng ra công trường đục đá, gánh đá. Thấy tôi, anh Thị… là chỉ huy cũng ra khiêng đá, đục đá như ai, nên anh em nể lắm…”.

B Hòa Vang trở lại thăm “công trường” xưa.

Thương anh em C2 ở Tam Dân làm việc vất vả, nguy hiểm, ở ngoài Bình Quý, Ban chỉ huy B Hòa Vang phát động các C làm thêm ngày công để dành số tiền đó chi viện cho C2 đang bắn đá ở Tam Dân. Trong muôn vàn câu chuyện xúc động về cái thời “thi gan cùng sỏi đá”, chia bùi xẻ ngọt mà tôi được các cô, chú B Hòa Vang Phú Ninh kể lại, xúc động nhất là câu chuyện phát động dạy chữ trong toàn B. Chuyện là, có lần, một thanh niên lên khu chỉ huy B Hòa Vang xin nghỉ phép về thăm nhà, ông Cư đề nghị anh viết đơn nói rõ ngày trở lại công trường. Đứng tần ngần một lúc, anh này mới thú nhận mình không biết chữ. Sau chuyện ấy, B Hòa Vang phát động phong trào học tập trong toàn B. Người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Hình ảnh sau giờ lao động miệt mài trên công trường, tối đến, mọi người lại chụm đầu bên ánh đèn dầu hiu hắt, bày cho nhau viết chữ, học con số, làm toán… thật đẹp. Từ chỗ không biết chữ, khi rời khỏi công trường, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cơ bản. Ý nghĩa của cụm từ “CTĐTNPN là trường học XHCN” cũng từ đấy mà có…

Theo thống kê của B Hòa Vang Phú Ninh, qua gần 4 năm tham gia xây dựng CTĐTNPN, đơn vị Hòa Vang đã đào đắp được 942.000m3 đất đá, trong đó có 4.500 m3 đá, huy động 1.060.000 ngày công. Trên công trình ấy đã có 4 thanh niên ưu tú được kết nạp Đảng, 60 người được đứng vào hàng ngũ Đoàn TNCSHCM, 1 kiện tướng cấp tỉnh, 61 kiện tướng cấp huyện, nhiều người được danh hiệu thi đua các cấp. B Hòa Vang đã được Bộ Thủy lợi tặng 1 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 4 Bằng khen… Đặc biệt, vào thời điểm đất nước còn khó khăn ấy, nhờ biết tính toán, biết tìm sáng kiến nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng gia sản xuất, B Hòa Vang là đơn vị đầu tiên mua được ô-tô để chở lương thực, thực phẩm, sắm tivi phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho anh em. Ông Cư cho biết, sau B Hòa Vang, B Thăng Bình cũng mua được một chiếc ô-tô để phục vụ công trình…

Bút ký: P.Thủy
(còn nữa)

Nguồn:cadn.com.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About kesitinh355

Bài viết liên quan

Đánh ghen quá đà, coi chừng đi tù!

(trangtinphapluat.com)- Ngày 8-5, sau khi điều tra, xác minh, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *