Tam Đại – làng văn hóa, xã Anh hùng!

PhotobucketTrong chiến tranh Tam Đại là vùng đất bị đạn bom ngày đêm cày xới. Thế nhưng người dân Tam Đại vẫn một lòng theo cách mạng và xã đã vinh dự được Nhà nước công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vượt qua những khó khăn thách thức, từ chỗ nghèo đói phải cứu trợ hàng năm, giờ đây Tam Đại đã bứt phá đi lên…
Trong chiến tranh người dân Tam Đại đã có quá nhiều hy sinh, mất mát, nhà cửa xóm làng luôn bị những trận càn của giặc tàn phá. Những núi đồi như Chóp Chài, Thình Lồi… và bao nhiêu ruộng vườn bị đạn bom cày xới. Có những gia đình chịu rất nhiều mất mát đau thương, như gia đình mẹ Nguyễn Thị Hường có đến 4 người con là liệt sĩ; Mẹ Huỳnh Thi Điểm có 6 người con và  chồng là liệt sĩ. Mảnh đất này có đến 274 liệt sĩ, 35 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng Công trình Đại thủy nông Phú Ninh, nhiều người dân Tam Đại đã sẵn sàng hiến đất đai, vườn tược, chấp nhận rời xa mảnh đất cha ông, xa nơi chôn nhau cắt rốn để từ đó nơi đây có được công trình thủy lợi với đúng nghĩa “Đại thủy nông Phú Ninh”, phục vụ nước tưới cho trên 30.000 ha lúa và hoa màu, để những cánh đồng quanh năm nắng cháy đã cho những vụ mùa bội thu. Để những mảnh đất khô cằn hồi sinh xanh thắm với những vườn tược, cây trái xanh ngút ngàn. Để cuộc sống nơi đây không ngừng thay da đổi thịt.

Ngày nay có ai về Tam Đại sẽ thấy những trang trại, rừng trồng bạch đàn, keo, tràm, tiêu xanh ngút ngàn, những cánh đồng lúa bát ngát, những ngôi làng ngói đỏ khang trang yên bình, con đường làng được bê tông hóa… sẽ cảm nhận được sự bứt phá của mảnh đất Anh hùng này.

Nói về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHƠKDC) ở Tam Đại, ông Thái Hữu Niệm – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Phong trào đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Tam Đại quan tâm, đồng tình hưởng ứng thành một phong trào quần chúng sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực với mỗi gia đình và cả cộng đồng dân cư!”. Ông Niệm cho biết thêm, ở Tam Đại hiện nay tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là gần 90%. Có nhiều tộc họ đã được công nhận là “Tộc văn hóa” như tộc Phan Văn, thôn Đông Tây; tộc Thái, thôn Long Sơn; tộc Phan Đình, thôn Trung Đàn… Nhiều thôn, nhiều làng đạt “Khu dân cư tiến tiến” trong 3 năm liền như thôn Đông Tây, Long Sơn, Phước Thượng, Đại An, Đại Hanh… Cùng với đó, trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng khang trang.
Tổng sản lượng lương thực hàng trên 2.500 tấn. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản như ếch lai, cá rô phi đơn tính, cá trê lai, ba ba… ở các thôn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song song với bảo vệ rừng, việc trồng rừng cũng đã được chú trọng. Năm qua toàn xã đã trồng  gần 30ha rừng. Các hộ nghèo được tạo điều kịên vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Qua đó đã xuất hiện nhiều gương sáng vươn lên làm giàu như chị Trần Thị Tuyết, thôn Đại An với mô hình nuôi dê, chị Phạm Thị Kiều Chinh ở Phước Thượng, Hồ Tấn, thôn Long Sơn với mô hình nuôi ba ba, Huỳnh Học, thôn Trung Đàn với mô hình sản xuất đồ gỗ cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng…
Kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng quê hương (24-3-1975), Tam Đại chính thức làm lễ phát động xây dựng xã nông thôn mới, với mục đích, tiếp nối truyền thống cha ông, nỗ lực hết mình để tiếp tục xây dựng quê hương mỗi ngày một giàu đẹp hơn.

Nguồn: báo đại đoàn kết

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About kesitinh355

Bài viết liên quan

Đánh ghen quá đà, coi chừng đi tù!

(trangtinphapluat.com)- Ngày 8-5, sau khi điều tra, xác minh, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *