VĂN HỌC DÂN GIAN PHÚ NINH

Tác giả: Đoàn Thị Phú

PhotobucketA. Thiên nhiên lịch sử và con người Phú Ninh

 I. Địa lý tự nhiên và lịch sử địa chính.

Huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam được thành lập theo Nghị định số 01/2005/NĐ-CP ngày 05/01/2005 của Chính  phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ. Diện tích tự nhiên của huyện trên 250 km2, dân số trên 84.000 người, bao gồm 10 xã, 82 thôn vừa có xã đồng bằng, trung du và miền núi. Vùng đất này vốn là một phần của phủ Thăng Hoa – Hà Đông xưa, sau này là Tam Kỳ. Trải qua các thời kỳ lịch sử chia tách  rồi sáp nhập và nay là một huyện mới mang tên của một làng quê rộng lớn có từ xưa, gắn liền với một công trình đại thủy nông Phú Ninh mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu giải phóng đã tập trung sức lực để xây dựng.

II. Truyền thống yêu nước và đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân Phú Ninh.

Đây là vùng đất học có nhiều khóa bảng đỗ đạt thành tài, nhiều danh tướng tài ba và chí sĩ yêu nước sớm xuất hiện, đem kiên thức và tài năng của mình cống hiến cho phong trào đấu tranh chống thực dân pháp, tiêu biểu như Đô đốc Kiều Phụng, danh tướng Lê Văn Long ( thời Quang Trung- Nguyễn Huệ), Phan Châu Trinh, Trần Văn Dư, Nguyễn Dục, Mục Thuyết… vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trước khi có Đảng cộng sản ra đời.

Với truyền thống yêu nước sẳn có lòng căm thù chế độ thực dân Pháp xâm lược và đô hộ đã sớm bắt gặp ánh sáng của con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc truyền bá ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của một Đảng kiểu mới, Đảng cộng sản Việt Nam (1930).  Cũng chính nơi đây đã xuất hiện những người trí thức yêu nước mới như cụ  Khưu Thúc Cự, đã tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lê nin, tích cực hoạt  động để rồi tham gia thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại Tam Kỳ vào tháng 5/1930 tiền thân của Đảng bộ Tam Kỳ sau này, lãnh đạo cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công vào đêm 19/8/1945.

Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước, Phú Ninh lại tiếp tục trấn giữ ở tuyến đầu đánh giặc. Nằm ở vị trí chỉ cách tỉnh Đường Quảng Tín – nơi đầu não chỉ huy sào huyệt của địch khoảng chừng 1,5km theo đường chim bay. Địch luôn huy động binh hùng tướng giỏi, với nhiều lực lượng tinh nhuệ, cả quân Mỹ và chư hầu cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại tìm mọi cách mở rộng vùng kiểm soát bảo vệ tỉnh Đường Quảng Tín, đồng thời tạo hành lang thông suốt liên kết với Đà Nẵng- Chu Lai, với các huyện phía Tây quốc lộ 1A thực hiện kế hoạch bình định trấn giữ nhằm mở rộng bàn đạp đánh phá tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Ngược lại đối với lực lượng cách mạng giữ được Phú Ninh mới tạo được thế đứng, bàn đạp để áp đảo Mỹ –  Ngụy buộc địch phải co cụm, chia cắt, phân tán mới giữ được vùng căn cứ kháng chiến, tạo thế để phản công tiêu diệt địch và làm phá sản kế hoạch chiến tranh của chúng. Chính vì thế ngay từ đầu và cho đến những ngày cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến, giải phóng thị xã Tam Kỳ 24/3/1975, Phú Ninh luôn ở tuyến đầu, đối mặt với những thử thách, ác liệt nhất của sự đánh phá liên tục và điên cuồng của kẻ thù với nhiều kiểu, nhiều hình thức đánh phá bằng mọi thủ đoạn với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ thù.

Ác liệt là vậy, nhưng quân và dân Phú Ninh đã thể hiện khí phách kiên cường cách mạng, một lòng trung kiên với Đảng, triệt để thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “ Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, với khẩu hiệu “ Một tất không đi, một ly không rời”, “ Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “ Nhà tan cửa nát cũng ừ”…đã động viên tất cả cho cách mạng, lớp cha trước, lớp con sau kế tiếp trụ bám kiên cường, mặc cho làng mạc bị tàn phá, hoang tàn nhưng những hầm bí mật, địa đạo trong lòng đất, dãy thông hào chằng chịt đã tạo thành vách che và nuôi giấu cán bộ, chiên sĩ, để từ đây xuất hiện đánh trả bảo vệ căn cứ cách mạng, thọc sâu đánh thẳng vào sào huyệt của chúng làm cho địch không chỉ thiệt hại nặng nề mà nhiều phen bạc vĩa kinh hoàng.

Có thể nói, trải qua hai cuộc kháng chiến, với sự đánh phá khốc liệt của quân thù, huyện Phú Ninh phải chịu tổn thất vô cùng to lớn, có lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng chưa bao giờ kẻ thù khuất phục được tinh thần và ý chí cách mạng của lòng dân Phú Ninh, chưa bao giờ dập tắt được phong trào cách mạng của huyện nhà và cũng chưa bao giờ đẩy được hoàn toàn lực lượng cách mạng ra khỏi mảnh đất này. Quân và dân huyện Phú Ninh đã hoàn thành xứng đáng nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó. Công lao to lớn đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận phong tặng danh hiệu cao quý Anh húng lực lượng vũ trang cho quân và dân huyện nhà, 9/10 xã, 3 đơn vị, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng và 541 Mẹ Việt Nam anh hùng. Ý chí và nghị lực, xương máu và công sức của bao thế hệ đã làm nên trang sử vàng đầy kiêu hãnh và tự hào. Những tên đất, tên làng, sông núi là những di tích của những chiến công của một thời oanh liệt, đã đúc kết tạo nên nền tảng văn hóa riêng, văn hóa yêu nước, được nhân lên bởi sức mạnh của độc lập tự do và CNXH của thời đại mới. Bởi vậy không có gì là lạ khi trên mảnh đất nhỏ hẹp này lại có nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa được cấp quốc gia và cấp tỉnh công nhận. Phải chăng đó cũng là sức mạnh nội sinh để quân và dân Phú Ninh ngày nay tiếp tục vượt qua những khó khăn thử thách, hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, vươn lên phía trước để từng bước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu để cùng cả nước phát triển trên con đường hội nhập và đổi mới.

III. Thắng cảnh ở Phú Ninh.

1. Khám phá vẽ đẹp của Thung lũng Cò Bay.

PhotobucketNằm cách thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ khoảng 35km về hướng Tây thung lũng Cò Bay, thuộc địa phận thôn Bồng  Miêu ( nay là thôn 10) xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Nhắc đến Bồng Miêu người ta liên tưởng đến ngay một mỏ vàng với trữ lượng rất lớn. Nơi đây người Chăm xưa đã từng đào núi khai thác vàng, rồi đến những cư dân Đại Việt trong thời các Chúa Nguyễn tiếp tục khai thác để triều cống nộp cho triều đình. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, người Pháp đã biến nơi đây thành một công trường khai thác vàng quy mô, bóc lột sức lao động của hàng ngàn nhân công nước ta, triệt để khai thác trữ lượng vàng khổng lồ ở đây để đem về Pháp. Nhân dân ta vẫn còn lưu lại câu ca dao xưa về những ngày tháng lầm than, cơ cực đi đào vàng cho thực dân Pháp:

“ Từ ngày Tây lại Cửa Hàn

Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”

Từ thung lũng Cò Bay nhìn lên  là dãy núi Kẽm sừng sững ôm trọn cả thung lũng. Để khám phá được hết vẽ đẹp của thung lũng Cò Bay, tận mắt chứng kiến những địa điểm mà người Chăm xưa đã đào núi tìm vàng và những hầm lò của người Pháp thì khong thể không leo núi Kẽm được.Ngược theo dòng suối Xa Rô  dốc đứng, ghềnh đá cheo leo, lởm chởm bám đầy rêu trơn trợt mới đến được địa điểm Xa Rô – nơi làm vàng của người Chăm xưa. Đây là một khu vực tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 10m2 và nằm ở lưng chừng núi Kẽm.  Tại đây vẫn còn nhiều ngách đá được người Chăm xưa đào sâu vào trong núi để tìm vàng. Những miệng ngách đá cao khoảng 1,7m, rộng khoảng 1m, sâu hun hút trông như những hang động tự nhiên. Không hiểu người Chăm xưa đã làm như thế nào với những công cụ thô sơ mà có thể đào những cái ngách ăn sâu vào lớp đá cứng như vậy.

Từ địa điểm Xa Rô men theo triền núi Kẽm, đi trên những con đường mòn nho nhỏ, dốc đá cheo leo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm mới cảm nhận cái cảm giác hết sức mạo hiểm nhưng cũng đầy thú vị. Hai bên lối đường mòn, cỏ lau, cây dại, dây rừng… mọc um tùm, tiếng chim rừng hót râm ran, tiếng chí chóe đùa giỡn của bầy khỉ, tiếng nai, mang gọi bầy văng vẳng bên tai. Có những đoạn phải khom người chui qua những đường hầm được đào xuyên qua vách núi. Những đường hầm dài hun hút, mát đến lạnh người. Cứ cách 5-7m là có một lỗ to, tròn để thông gió và lấy ánh sáng. Từ những lỗ này có thể nhìn thấy được cảnh núi rừng hùng vĩ, hoang sơ trùng điệp. Thật là một cảnh quang hết sức ngoạn mục và ấn tượng…

Vượt qua gần 5km đường mòn bao quanh triền núi là đến đồi AD. Đứng trên đồi này có thể nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng Cò Bay. Một bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp như tranh vẽ hiện ra trước mắt. Thung lũng Cò Bay xanh ngút ngàn màu xanh của cây cỏ, dòng sông Bồng Miêu lượn lờ trôi xuôi về hướng biển. Xa xa dòng Thác Trắng rầm rì tuôn chảy trông như một dãi lụa trắng mềm vắt dọc theo màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Thác Trắng cao khoảng 50m, rộng chừng 20m, dòng nước mát lạnh từ đỉnh Giỏ Ô tuôn trào bất  tận. Trước bức phong cảnh hết sức nên thơ và trữ tình này, mọi mệt nhọc của chuyến leo núi dường như không còn nữa và chỉ có một ước muốn là ở lại thật lâu, thật lâu ở đỉnh đồi AD này thôi. Vẻ đẹp của thung lũng Cò Bay từ lâu đã đi và tiềm thức của người dân nơi đây và họ đã cảm tác thành những câu thơ hết sức lãng mạn về cảnh đẹp của quê hương mình, đồng thời để gợi nhớ lại một thời  cơ cực lầm than trong những hầm lò tối tăm, ngột ngạt:

“ Đường lên núi Kẽm nhớ em yêu

Thác Trắng như khăn vẫy trong chiều

Cò Bay cõng nắng về với biển

Đường lò ngoằn nghoèo chữ Bồng Miêu”

Từ Thác Trắng, theo đường mòn cắt ngang qua rừng keo lá tràm, ngược về hướng Đông Nam khoảng 700m là có thể đến được suối Hầm Hô. Hầm Hô là một đoạn suối hết sức thơ mộng và hùng vĩ, bắt nguồn từ điểm đầu nguồn của Thác Trắng nằm trên độ cao 200m của núi Giỏ Ô. Dòng nước từ Thác Trắng dịu dàng, lặng lẽ âm thầm men theo thung lũng Cò Bay chảy xuống Hầm Hô, khi chảy đến đoạn đập Tây ( do người Pháp xây dựng để phục vụ cho việc khai thác vàng nên nhân dân trong vùng gọi là Đập Tây) đột ngột hạ thấp độ cao tạo nên một dòng thác trắng xóa. Dòng nước mềm mại như suối tóc trắng rầm rì chảy suốt ngày đêm, len lỏi vào từng tảng đá, từng khe đá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hầm Hô đã tạo nên một phong cảnh hết sức  hữu tình. Trải qua hàng ngàn năm, những tảng đá nơi đây bị dòng nước xâm thực, bào mòn tạo nên những hình thù kỳ ảo với những bãi đá lồi lõm, nhấp nhô, khúc khuỷu mà hiếm nơi nào có được. Đá ở đây không biết cơ man nào kể xiết, đủ hình thù kích cỡ. Có những tảng đá to, phẳng lì rộng đến cả chục m2  như có ai đó bỏ công đục đẽo. Và điều hết sức đặc biệt và gây sự ngạc nhiên thú vị, là sự hiện diện của hàng chục cối đá, bàn nghiền và những vũng to tròn được đục khoét ngay trên những tảng đá nằm giữa dòng suối. Chúng tôi đếm được có hơn 100 chiếc cối đá như vậy phân bố rãi rác từ hạ lưu của dòng suối ( Tại địa điểm Đập Làng ) đến đầu nguồn ( tại địa điểm Đập Tây). Những chiếc cối đá, bàn nghiền và những vũng này có thể minh chứng cho một điều rằng trong thời kỳ tồn tại của Vương quốc Chămpa xưa, những cư dân Chămpa đã tận dụng nguồn nước và bãi đá tự nhiên tại nơi đây để khai thác vàng. Người xưa đã chọn những phiến đá to, bằng phẳng đục thành những lỗ tròn để giã quặng, khoét những đường rãnh dài để nghiền quặng và đục đẽo những lỗ to tròn để đãi quằng lấy vàng. Nhiều nhất là những chiếc cối đá, chúng đã được đục đẽo khá công phu và có nhiều kích cỡ khác nhau. Cái nhỏ nhất có đường kính khoảng 0,4m, sâu khoảng 0,2m; cái to nhất có đường kính khoảng 1,5m, sâu chừng 1m…

Hai bên bờ suối là những triền đá với hàng chục phiến đá to nặng đến hàng tấn nhưng vuông vức, bằng phẳng được xếp chồng bên nhau như có một sự sắp đặt nào đó của con người. Có những tảng đá to, nặng nằm chông chênh lên nhau tạo thành những cái hang, có thể chứa được từ 3-4 người. Để khám phá được hết vẻ đẹp trữ tình của suối Hầm Hô thì tốt nhất là đi từ phía Đập Tràn xuống. Đường đi lại tuy có vất vả, khó nhọc  nhưng vẻ đẹp nao lòng của Hầm Hô đã làm cho những bước chân thêm phấn chấn. Để đi đên cuối Hầm Hô, phải mất hơn 20 phút với độ dài chỉ khoảng 300m. Tại điểm cuối nguồn của Hầm Hô, dòng nước tiếp tục chảy xuống một vực sâu giữa hai khe núi để xuôi về hướng Tây Bắc ra sông Tiên. Từ đây phải cắt rừng theo con đường mòn mà người Pháp đã mở năm xưa để trở về trung tâm của xã Tam Lãnh. Con đường rừng tối âm u, cây cỏ hai bên đường rậm rạp. Thỉnh thoảng lại bắt gặp dòng sông Bồng Miêu lượn lờ chảy phía bên dưới chân núi…

2. Hồ Phú Ninh – nơi “hò hẹn mới”

PhotobucketNằm trong chương trình năm du lịch quốc gia và Hồ Phú Ninh được chon là nơi “hòi hẹn mới”. Đã có người ví Phú Ninh là 1 vịnh Hạ Long thu nhỏ… thật vậy rong đuổi trên những chiếc thuyền máy, các bạn sẽ được đến rất nhiều ốc đảo xinh đẹp, được ngắm núi rừng cây cối xanh mượt, nước hồ yên tĩnh, sóng vỗ nhè nhẹ, gió ngàn mát rượi một cảm giác thật dễ chịu. Với 36km2 diện tích mặt hồ và dung tích khoảng 344 triệu m3, được bao bọc bởi 23.000ha rừng phòng hộ đang xanh tốt. Nơi đây còn là vùng thổ nhưỡng, với hệ động thực vật phong phú, có 142 họ thảo mộc, 148 loài động vật, trong đó có nhiều loại thảo mộc và 14 loài động vật quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ. Từ một nơi khô cằn đạn cày, bom xới tan hoang giờ đã mọc lên nhà máy thủy điện có đường dây cao thế dài 45km với công suất 2000kw đang hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Bên cạnh công trình Đại thủy nông Phú Ninh còn có tuyến kênh chính dài 51,89 km, cùng với chiều dài kênh cấp I: 183,1km, kênh cấp II, III: 244,2km hàng năm tưới cho 23.000ha hiện tích đất ruộng và hoa màu, để rồi cả một vùng rộng lớn của phía Tây và phía Tây Nam Quảng Nam hồi sinh vươn mình lớn mạnh. Để cho những cánh đồng khô cỏ cháy năm xưa giờ đây ruộng lúa hàng năm xanh tốt được mùa và để cho  những vườn đồi “khỉ ho, cò gáy” cũng trở thành những vườn chuối, hồ tiêu, thanh long xanh mượt…cây, trái sum suê. Những đồi Đồng Vòng, Dương Đế, Thình Lồi, đồi 61, Chóp Chài. Những địa danh ba quanh và năm trong lòng hồ Phú Ninh đạn cày, bom xới ngày nào chỉ còn lại đất đá và gai gốc, giờ đã xanh tốt ngút ngàn với keo, tràm, bạch đàn đang reo vui cùng gió lộng. Thật vậy trước 1975 không ngày nào bọn địch ở sân bay  Kỳ Nghĩa, ở đồn Chóp Chài, Thình Lồi, Dương Huê lại không cho lính quét càn. Máy bay thả bom, nã pháo cả một vùng Phú Ninh luôn luôn bị đạn cày, bom xới, cùng với sự khắc nghiệt của thiên tai, những năm hạn hán kéo dài làm cho đồng khô, cỏ cháy. Giờ đây nhờ có dòng nước Phú Ninh mà ruộng lúa cho năng suất cao, bình quân 45 tạ/ha, nhiều trang trại, vườn tược đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến với Hồ Phú Ninh, các bạn không chỉ được ngắm nhìn những cánh rừng xanh trải dài đường rì rào trong gió mặt nước trong xanh sóng vỗ bờ mà còn có thể dùng thuyền ra 1 trong 30 ốc đảo nhấp nhô ngoài mặt hồ, tìm nơi yên tĩnh suy ngẫm thế sự đời người, ngắm trời mây, non nước bao la, tận hưởng những cơn gió mang đầy hơi nước hồ mát lịm, lòng người thật thanh thản. Các bạn cũng có thể làm “Lữ ông”, “ Lữ bà” câu cá bống tìm thú vui thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.

Với nhiều ốc đảo và phong cảnh sơn thủy hữu tình nên Phú Ninh  được ví như vịnh Hạ Long. Đồng thời, nơi đây khí hậu hiền hòa trong lành mát mẻ mang dáng dấp của khí hậu SaPa, Bà Nà, và giao thông vô cùng thuận lợi, chỉ cách quốc lộ 1A khoảng 7km. Phú Ninh đang là “nơi hẹn hò mới”  với thiên nhiên thơ mộng, kỳ thú, với những con người chân chất, giàu lòng mến khách gần, xa, để cho nơi đây mãi là điểm hẹn hấp dẫn, điểm hẹn để nhớ mỗi khi đi xa, để bồi hồi khi quay về. Nhà thơ Phùng Tần Đông, khi viết kịch bản cho ngày hội Phú Ninh đã gợi lên nỗi xao xuyến ấy rằng:

“ Bạn chờ ta ở đôi bờ sông Quán

Ta đợi bạn cuối dòng nước Ba Kỳ

Ông trời bày bao gặp gỡ chia ly

Tình nghĩa kia như nước sông Trường

Cửu có mấy khi cạn dòng…”

3. Hố Ba Trăng và cơm gạo Ba Trăng.

PhotobucketNgày 29/3/2977, đúng 2 năm sau ngày giải phóng quê hương, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm nổ 29 phát mìn trên đèo Tư Yên, khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh.

Ngày 29/3/1979 đúng 2 năm sau sau thì “ hợp long chặn dòng” con sông Ba Kỳ…và cũng từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 9 năm ấy mới đưa hết hàng ngàn dân ra khỏi lòng hồ khi mực nước dần lên cao 28 rồi 32 m..Ba xã Tam Sơn, Tam Trà , Tam Lãnh trở thành hồ chứa nước lớn của Quảng Nam, của miền Trung.

Trên đây là sự ra đời của Hồ Phú Ninh cũng như công trình đại thủy nông Phú Ninh. Bây giờ đến với Hồ Phú Ninh chúng ta chỉ còn thấy bạt ngàn cây xanh bao quanh lòng hồ rộng cùng với những “hòn đào” nhỏ nổi giữa hồ. Điều mà thế hệ trẻ chúng ta không thấy được là trước đây, trước 1977, khu vực lòng Hồ Phú Ninh này là khu làng trù phú dân cư sung túc gồm có cư dân 3 xã Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Trà. Khi đại công trình thủy nông Phú Ninh được khởi công cư dân của 3 xã này được di dời đi nơi khác. Những hòn đảo nổi lên giữa hồ với những cái tên như: Đảo Su, đảo Rùa, đảo Khỉ, đảo Trinh Nữ, hố Trầu…đều là những cái tên gắn liền với sinh hoạt của dân lòng hồ trước đây. Tiêu biểu như  hố Ba Trăng – cái tên gợi lên nhiều thắc mắc cho du khách đến thăm quan nơi này. Ba Trăng là gì? Thật ra là rất đơn  giản. Ba Trăng có nghĩa là 3 mùa trăng tương đương với 3 tháng. Những năm 1977 về trước hầu như toàn bộ cánh đồng Quảng Nam nói chung và khu vực lòng hồ Phú Ninh nói riêng chỉ làm từ 1 đến 2 vụ gieo bắt đầu từ khoảng tháng 5 đến tháng 6 với giống lúa ba trăng. Giống lúa Ba Trăng này gặt được qua 3 mùa trăng nên người ta gọi khu vực này là hố Ba Trăng – hố trồng lúa ba mùa trăng.

Hạt lúa ba trăng to, dài và võ dày hơn hạt lúa bây giờ. Ba trăng có hai loại: Trắng và đỏ. Giống ba trăng cho năng suất thấp, được mùa lắm cho 2 tạ một sào là cung nhưng hạt gạo làm ra mẩy lạ lùng.  Đúng là hạt gạo “thấm nắng tháng năm, bão lũ tháng mười”. Khi lúa phơi khô, giê sạch người ta thường xay bằng cối tre, rồi bỏ vào cối đá ( hoặc cối gỗ) để giã. Giã xong đem giần, sảy đến khi nào hết sạch thóc thôi. Những ngày mùa đông lạnh người ta thường dùng om đất để nấu cơm. Nấu cơm gạo ba trăng cũng lắm công phu. Nếu là gạo mới đun lửa cơm sôi chừng ba, bốn phút là phải chắt nước ngay không cho hạt gạo nở nhiều, nước được chắt ra gọi là “ nước cơm chín” lại nước này người ta không bỏ đi mà thường cho trẻ con uống, nhà nào kha khá thì cho vào ít muỗng đường thì thật là tuyệt vì rất ngon và bổ. Khi cơm chín bới ra rổ rá tre mùi thơm phưng phức, các hương thơm của hương đồng gió nội ngây ngất đến thân thương. Khi bới cơm xong, ở quanh hông nồi có lớp cơm cháy vàng ươm, miếng cơm cháy này mà chấm với nước mắm “ trổ” ( còn gọi là mắm nhỉ) có pha chút ớt thì tuyệt diệu. Cá rô đồng tháng mười ăn mầm lúa béo trùng trục, người ta đi câu, thả lưới đem về thả nuôi trong ảng để dành ăn cả tuần. Cá rô nướng sơ trên lửa than rồi dem chiên với dầu phụng, dầu phụng chứ không phải loại dầu “ông già” như bây giờ. Khi chiên cá rô, cá rô tươm mỡ xì xèo với mùi ngọt  lịm.

Trên cái mâm bằng gỗ mít, lâu năm ánh đen như mun và tròn như chiếc bánh tráng. Trên mâm vỏn vẹn chỉ cá rô chiêng vàng với chén nước mắm nhỉ vàng óng và đỉa rau luộc. Rau thì tùy bữa, có hôm rau lang, rau muốn hoặc rau ráng non hái ngoài bờ ruộng. Thê nhưng với cơm gạo ba trăng thì ăn chẳng thấy chán. Ăn hết rồi kể cả miếng cháy nhưng vẫn còn thòm thèm.

Bây  giờ có nhiều giống lúa lai cho năng suất cao cùng với kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong đó có thay đổi cách ăn, cách sống. Gạo ba trăng đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những hạt gạo “lai” cho năng suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người. Nhưng sao mà quên được cơm gạo ba trăng – Một thứ cơm của những ngày đông giá rét trong thuở cơ hàn, có khi đã thành đặc sản của nổi nhớ thương quê, nhớ đến “ ruộng đồng giờ đã nên sông”.

B. Những sáng tác dân gian.

 

Văn học dân gian là những sáng tạo tinh thần của người lao động, tồn tại và phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với các hoạt động lao động, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt của xã hội của nhân dân và thể hiện thành những sinh hoạt văn học dân gian.

Nhìn chung văn học dân gian của huyện Phú Ninh có những đặc sắc riêng của vùng đất vừa đồng bằng vừa trung du. Trước cái yên tĩnh của đồng bằng con người Phú Ninh ưu chuộng cái mênh mang của ca dao – dân ca, còn trước những đồi gò chập chùng của vùng trung du, bán sơn địa đã tác động đến khả năng muốn suy nghĩ tìm hiểu khám phá những vật và điều kiện địa hình ít ổn định chng quanh bằng những câu đố luôn đòi hỏi một khả năng suy nghĩ và phán đoán nhanh nhạy.

Đến với những câu tục ngữ – túi khôn của nhân loại chúng ta sẽ thấy đây là kho tàng kiến thức đạo lý về kinh nghiệm lao động sản xuất, tiếp nhân xử thế. Những lời tâm tình của ca dao – dân ca, vè…là những tiếng nói của tình cảm có thể là ca ngợi quê hương, nhận xét về con người, việc đời, than thân trách phận, còn những bài đồng dao là tất cả sự hồn nhiên vui tươi của trẻ con. Có một thể loại được phát triển mạnh mẽ ở vùng đất  Phú Ninh này đó là câu đố dân gian ( mặc dù trong bài này chỉ ghi lại rât ít) thể hiện sự tinh tế, óc thông minh của nhân dân trong khi tiếp xúc với các sự vật hiện tượng xã hội khác nhau. Tác giả Trần Hoài Dạ Vũ khi nghiên cứu về câu đố của Phú Ninh đã đưa ra nhận định rằng: “ Con người Phú Ninh thích thú với những trò chơi trí tuệ, họ thiên về lý tính, họ có khả năng suy lý cao để nhanh chóng tìm ra những lập luận hợp lý cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Và đó chính là điều kiện thích hợp nhất cho những câu đố phát triển trong các sinh hoạt văn học dân gian.

Tóm lại có thể nói một bộ phận cấu thành của văn hóa dân gian, văn học dân gian vùng Phú Ninh cũng lưu giữ trong bản thân những yếu tố truyền thống vững bền, đồng thời cũng kịp đóng góp những sắc thái riêng của một địa bàn cư dân giàu năng lực, kiên cường trong đấu tranh giữ nước và có khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Văn họa dân gian vùng Phú Ninh vì thế, đã góp phần cùng với văn học dân gian Quảng Nam, để xác lập một phong cách riêng, một sắc thái đặc thù trong ngôn ngữ nghệ thuật và nhất là trong tư tưởng nhân hòa, yêu cuộc sống, quý trọng con người, giàu khát vọng hướng tới tương lai, trên cái nền chung của văn hóa dân tộc.

I. Tục ngữ.

1. Tục ngữ về thời tiết

– Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

– Gió bấc hiu hiu, sứa kêu thì lạnh

– Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa

– Mống đóng vồng tay

Chẳng mưa day cũng gió giật

– Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa

– Ráng mỡ gà ai có nhà thì giữ

– Trời nắng mau trưa, trời mưa mau tối

2. Tục ngữ về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.

– Chuối chát tháng ba, chà là tháng tám

– Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen

– Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

– Muốn giàu nuôi cá, khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt

– Tháng năm chờ đợi sao rua

Tháng mười đông chí làm mùa mới yên

 

3. Tục ngữ về con người và việc đời

– Nồi đồng khó nấu, chồng xấu dễ sai

– Có ông chồng siêng như có ông tiên nho nhỏ

– Chó treo, mèo đậy

– Mèo đến nhà thì khó

Chó đến nhà thì sang

– Con gái như khách qua đường

Con dâu là vàng bỏ đãy

– Buôn Tây, buôn Tàu không bằng làm giàu hà tiện

– Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

– Mua cá thì phải xem mang

Mua thịt thì phải xem gan kẻo lầm

–  Tối ăn khoai đi ngủ

Sáng ăn củ đi làm

Trưa về ăn khoai lang uống nước

 

II. Ca dao.

1. Ca dao về quê hương đất nước:

– Ai về nhớ tháp Chiên Đàn

Nhớ đình Mỹ Thạch, nhớ hàng cau xanh

– Quê hương ai vẽ nên tranh

Trường Giang một dải nước xanh bốn mùa

– Đất ta biển bạc non vàng

Biển bạc Đông Hải, non vàng Bông Miêu

– Long Sơn con gái mỹ miều

Cánh đồng Ngọc Tú, gió chiều Đại An

– Từ ngày Tây lại Cửa Hàn

Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu

 

2. Ca dao về lao động sản xuất:

– Chiều chiều đổ lúa ra quây

Bậu về xứ bậu, lúa này ai tuôn?

Lúa này chịu khó anh tuôn

Để em về nguồn kẻo mẹ em trông

– Bồng em mà dạo vườn cà

Trái non làm mắm, trái già làm dưa

Làm dưa cho mặn cho chua

Để dành ăn cấy khỏi mua tốn tiền

– Chiều chiều ông Lữ đi câu

Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò

Đem về bã nấu, bã kho

Con dâu đứng giữ bã cho cái càng

– Trời mưa trời gió đùng đùng

Cha con ông Hùng đi gánh phân trâu

Gánh về trồng bí trồng bầu

Mới ra dưa chuột hái vào nấu canh

Nấu ra đầy trả đầy xanh

Bà con xúm lại chành bành ruột ra.

3. Ca dao xã hội – nhận xét về con người và việc đời:

– Lấy chồng không có bà gia

Cũng như nằm mát bóng đa giữa đồng

– Mâm cẫn sui không bằng mui con cá chuồn

– Tu hú mà kêu cá chuồn

Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên

– Cha mẹ nàng muốn ăn cá thu

Gả con về biển mù mù tăm tăm

Cha mẹ nàng đòi đi một trăm

Anh đi chín chục vậy năm quan ngà

Cha mẹ nàng đòi đi vàng bạc hoa tai

Anh xuống thợ bạc đỗ hai đôi vòng

Làm mai thì phải nói cho xong

Để bún anh nguội để lòng anh thiu

Lòng anh thiu đem về luộc lại

Rượu anh chua đem về làm giấm

Cau lòng tơm chẻ tấm phơi khô

Đố em muốn lấy chồng mô

Lại đây anh kể cơ đồ cho mà nghe.

– Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi

Anh thua cờ bạc đuổi ruồi không bay

– Rau răm dễ bứng khó trồng

Dẫu thương cho lắm cũng chồng người ta

– Chim đa đa đậu cành đa đa

Chồng gần không lấy mà lây chồng xa

Mai sau cha yếu mẹ già

Chén cơm không ai đỡ, mẹ già không ai bưng

– Bồng em mà dạo vườn dưa

Dưa đã có trái chị chưa có chồng

Bao giờ cho mía trổ bông

Cho chị lấy chồng em gặm giò heo

Giò heo chị để trên treo

Chị đưa giò mèo em gặm em chơi

– Chiều chiều ra đứng rãnh ngò

Miệng kêu tay ngoắc, ớ trò áo xanh

Thương trò may áo cho trò

Thiếu đinh thiều gạo thiếu mã hò trò ơi!

– Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ nồi cơm nguội nhớ niu nước chè

Nhớ cờ tượng mã pháo xe

Nhớ bát nước chè nhớ tộ đường non

Nhớ khi cá trích y con, thịt heo y khổ, rau muốn non y hồ.

Tay cầm một nắm tiêu khô

Một nải chuối chát một hồ rau răm.

– Đèo mô cao cho bằng đèo cây cốc

Dốc mô cao cho bằng dốc Mỹ An

Một tiếng em than hai hàng lệ nhỏ

Một chút mẹ già không biết gửi cho ai?

Một chút mẹ già gửi lại anh trai

Phận em là gái một mai em lấy chồng

– Chổi đót non quét bàn dương liễu

Thiếp nghe lời chàng thất hiếu mẹ cha

Ai sinh ai đẻ mình ra

Nhai cơm sún nước lớn mà chừng ni

Chưa nhờ chưa đỡ chút chi

Mười lăm mười sáu ra đi theo chồng

Bỏ cha già mẹ yếu ngồi trông sững sờ

Một mai tóc bạc như tơ cha mẹ già yếu biết cậy nhờ ai.

– Con quạ nó đứng bên sông

Nó kêu bớ mẹ đừng lấy chồng bỏ con

Bữa ăn năm bảy thứ ngon

Dượng ghẻ ăn hết để con nhịn thèm.

– Trời mưa bong bong phập phồng

Mẹ đi lấy chồng con chịu cảnh mồ côi

Mồ côi tội lắm mẹ ơi

Đói cơm khát nước biết người nào lo!

– Lụt nguồn trôi trái lòn bon

Cha chết mẹ còn cũng chịu cảnh mồ côi

Mồ côi tội lắm ai ơi

Đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân

– Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng giữ cho rồi bậu ra

Bậu ra không khỏi tay Qua

Cái xương bậu nát cái da bậu mềm

Bậu mềm bậu mặc áo đôi

Bậu mang giày đỏ, bậu ngồi chiếu huê.

– Gái đâu gái hỗn gái hào

Trai chưa làm rể, gái đã làm dâu

– Má ơi đừng đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau má nhờ

Mà ơi đừng đánh con khờ

Để con đặt lờ kiếm cá má ăn

Bắt ốc ốc lủi vô bờ

Hái rau, rau héo biết nhờ đỡ chi!

– Có phước gặp thằng hay chữ

Vô phước gặp thằng giữ ăn

Nấu ít nó lại cằn nhằn

Nấu nhiều nó lại nhăn răng ra cười.

– Bốn con ngồi bốn góc giường

Mẹ ơi mẹ hỡi mẹ thương con nào

Mẹ thương con út mẹ thay

Thương thời thương vậy không bằng trưởng nam

Trưởng nam cực lắm con ơi

Bao nhiêu cái giỗ đổ đầu trưởng nam

– Ông già ổng ở dưới mương

Ổng  thấy con gái ổng trườn ổng lên

– Sòng sòng, sả sả

Cha mẹ ép gả em cũng đành nghe

Biểu anh về kiếm tranh cùng tre

Kiếm cây cùng gỗ

Kiếm chỗ làm nhà

Rước thợ Văn Hà, chạm bầu chạm bí

Rước thầy địa lý coi đất hướng dương

Bây giờ em nói em không thương

Làm cho anh bỏ nhà Rường lung lay

Nhà Rường chuột chạy rung rinh

Để ba hột lúa chuột rình chuột ăn.

( Chú thích thợ Văn Hà: ở đây tức là những người thợ làm nhà Rường của làng Mộc Văn Hà nay thuộc đội 1 xã Tam Thành- Phú Ninh).

4. Ca dao kháng chiến:

Gió trưa kẽo kịt cành tre

Em ngồi tựa cửa bên hè quay tơ

Người đời có mấy giấc mơ

Chàng mơ chinh chiến em mơ bóng chàng

Chàng đi xây đắp giang san

Vì dân, vì nước vì chàng chàng ơi

Lửa hồng quạt cháy trong tim

Cụ Ngô còn muốn chôn vùi dân ta

Thì chàng còn phải xông pha

Em càng cố gắng tăng gia cho thật nhiều

Quay quay cho bánh xe quay

Cho tơ đầy ống em may áo chàng.

( Chú thích: Cụ Ngô tức là Ngô Đình Diệm)

III. Câu đố.

– Bốn cây cột đình

Hai cái đinh sắt

Hai cái ngúc ngoắc

Một cái ngu ngơ

( con Voi)

– Đầu rồng, đuôi phụng cánh tiên

Ngày chơi với lũ vợ, tối ngủ riêng một mình

( con gà trống)

– Bằng cái giỏ, chỏ hỏ trên cây

( Trái mít)

– Bằng cái bình rình trong bụi

( Trái thơm)

– Bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng

( Con ruồi)

– Mình bằng đốt tay, thay lay bọng máu

Đến mùa tháng sáu, con cháu được ăn.

( Trái sim)

– Bằng cái đầu trâu, bốn cái râu, hai người kéo

( Cái gàu giai múc nước)

– Trăm miếng ván vạn thằng dân

Thằng mô ở trần thằng nấy rúc lọt

( Cái sàng)

– Một bầy cò trắng

Ăn tận núi cao

Ban đêm lao xao

Ban ngày biến mất

(Sao trên trời)

– Đầu tròn cúc cúc

Như cục kỳ lân

Đi xa về gần

Nắm đuôi kéo lại

( Cái gáo dừa)

– Cái gì ăn sống người ta

Ăn vô nhả ra người ta còn sống

( Cái nhà)

– Ông già ổng chết đã lâu

Hai mắt trô trố, hàm râu vẫn còn

( Bụi tre)

– Bằng cái đĩa

Xỉa xuống ao

Đào không thây

Lấy không được

(Mặt trăng)

– Một mẹ mà đẻ vạn con

Vạn ngày chết hết chỉ còn mình cha

Mặt mẹ sáng đẹp như hoa

Mặt cha xấu xí chẳng cha nào nhìn

( Mặt trăng, mặt trời)

– Trong trắng ngoài xanh, đóng đanh từng khúc

(Cây tre)

– Cây xanh cái lá cũng xanh

Không dám nấu canh, để dành uống nước

( Cây chè)

– Trùi lũi lũi

Trắng phau phau

Vàng ngà ngà

Đen thui thui

Trùi lũi lũi

( Quá trình phát triển của bộ răng)

– Lồm xồm hai mép có lông, ở giữa có lỗ, đang ông chui vào

( Cái tơi lá)

– Từng tứng tưng dây lưng mở trước

Từng tứng tưng cái quần cởi sau

( Đòn bánh tét)

– Chàng hãy chàng háng ra

Sảng ông sảng cha còn la xí nữa

( Người sắp té )

– Thiếp can chàng chẳng nghe lời

Hư gia, bại sản, rã rời giang sơn

( Con chàng nghịch)

– Mả này là chi hả bậu?

Em vợ mả này là cậu chồng tui

( Mộ cha chồng)

IV. Vè

1. Vè thằng làm biếng:

Mua lúa phải giã phải xay

Chẳng thà mua gạo đổ ngay vô nồi

Nấu cơm phải nhấp phải nhai

Chẳng thà ăn cháo húp dài một hơi

Nấu cháo phải rửa chén rửa nồi

Chẳng thà ăn quán ăn rồi đi ngay.

2. Vè than thân hay kể khổ:

Ở đời mà ngán cho đời

Ăn chi mà chịu với trời năm nay

Năm nay ăn những trái cây

Trèo non lên núi ông trời cũng kinh

Vác mai vác xuống một mình

Vai mai cái giỏ vô rừng đình Ngọc Nha

Ở trong thủ phiện người ta

Người vào trường chuẩn người ra chợ ngoài…

Người nào ốm yếu đi đào trộm khoai

Người nào mạnh giỏi đi dắt bò dắt trâu

Ông giàu thấy rứa đã sầu

Cửa ngỏ đóng chắc vạn lâu xin mần

Lúa thời quan năm có phần

Khoai thời tám rưỡi biết mần làm sao?

Anh em hết rủ đi đào đàng Tràng Ngô.

Lúa gạo trong đó bề nào cũng cho

Ngày thời làm mướn tối lo than trời

Người nào chịu được nước thì thôi

Người không chịu nước chết trôi cùng đàng

Người về đem bạc đem vàng

Người nào chết mất không còn cái thây

Trời làm ướt chết năm phần

Năm ni mùa được cái thân vững vàng

Anh em trồng được nhiều khoai lang

Năm ni hết rủ đi đào đàng Trà My

Đêm nằm nghĩ lại một khi

Phải lo phận thuế lo gì phận xâu

Đi ra cái cuốc cái bầu

Đi cho đến sở làm xâu rồi về

Năm đi quan phát gạo bộn bề

Có nhiều có ít đem về ăn no

Phát bạc cái công giảm đi

Để dân kể khổ vậy thời kêu van

Đói thời một tổng đánh ngang

Vậy mục trong làng dân hối đắp mau

Ngó qua vườn chuối vườn cau

Biểu dân khiếng đất hối mau liền liền

Mặt trời vừa mới nghiêng nghiêng

Tai nghe trống giục dân liền kéo đi

Về nhà chưa kịp làm chi

Nồi cơm mới cạn vậy thì nhắc ra

Than rằng kêu hối dân ta

Ăn sống ăn sít vậy mà phát đau

Ra thời coi hối làm mau

Kẻo mà roi ướp đàng sau liền liền

Phải chi tôi có nhiều tiền

Mua liền thằng phó thằng phiên ở nhà

Chú thích:

– Đình Ngọc Nha là ngôi đình ở trong lòng hồ Phú Ninh, giờ đây chỉ còn dấu vết vì nước Hồ Phú Ninh dâng lên.

– Tràng Ngô: Là 1 địa danh thuộc Đắc Lắc.

3. Vè thằng đón trâu:

Cực khổ cho thằng đón trâu

Ăn quán nằm cầu thương mẹ nhớ cha

Hai hàng nước mắt chaỷ

Ngó quanh ngó quất không thầy nhà mẹ đâu

Nhà mẹ ở dưới đám dâu, bên kia đám đậu đầu cầu ngó qua

Tôi ở với cậu mợ từ năm mất cho tới năm ba

Năm nay đã được 3 năm rõ ràng

Cậu mợ ăn rồi nằm

Bắt tôi giã gạo xay lúa tối tăm trong nhà

Cái niu bằng cái trứng gà

Bắt lên tụt xuống là bà Chúa ơi!

4. Thơ mẹ gửi cho con:

Thơ mẹ gửi vào thăm con trẻ

Mẹ khuyên con cặn kẻ đôi lời

Ham chi tiền Mỹ con ơi

Con đi lính ngụy suốt đời nhuốc nhơ

Con còn trí hay trờ hay dại

Làm tay sai giết hại dân ta

Biết bao đứa trẻ mất cha

Biết bao nhà cửa hóa ra tro tàn

Gây chết chóc bạc tàn thuở ấy

Thời gian dài đã lọc lấy mấy năm

Lương quyện con được bao lăm

Để dân khốn khổ hàng năm ngất trời

Mẹ than khóc những lời thuở ấy

Nguyện nuôi con vẫn ước về sau

Chí tri dựng nước mạnh giàu

Ngờ đâu theo Mỹ gian đầu súng gươm

Mau suy nghĩ căng tai nghe kỹ

Vác súng về diệt Mỹ cứu dân

Bà con làng nước ân cần

Con chưa mạnh dạn, con ngần ngại chi

Con trở về đây, vui đời với hạnh phúc

Cho mẹ đây bớt lúc khổ đau

Cho quê hương bớt u sầu

Cho mau giải phóng hát câu thanh bình

Ngày còn gặp mẹ không xa

Là ngày thống nhất nước nhà gần đây

Để con cùng mẹ sum vầy

Quê hương chỉ thấy những ngày ấm no.

V. Những bài đồng dao:

– Tau về ngõ ni có bụi chà ran

Mi về ngõ nớ có hang ông thầy

Tau về ngõ ni có bụi chà là

Mi về ngõ nớ có ông thầy bắt mi

– Trời mưa lâm râm

Cây trâm có trái

Con gái có duyên

Đồng tiền có lỗ

Bánh tổ thì ngon

Bánh dày thì báo

Cái kéo thợ may

Cái cày làm ruộng

Cái xuổng đắp bờ

Cài lờ thả cá

Cái ná bắn chim

Cây kim may áo

Cái giáo đi săn

Cái khăn bịt đầu

Cái cầu đi qua

Con gà cục tác

Con nhác có đuôi

Con ruồi có cánh

Đồng gánh có mấu

Con gấu có tai

Con nai có sừng.

C. Truyện kể.

 

I. Phân Châu Trinh – Người con kiệt xuất của Phú Ninh

Nhà yêu nước Phan Châu Trinh sinh ra tại làng Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh (09/9/1972)  ông xuất thân trong gia đình võ quan, thuở thiếu thời ở một làng quê nghèo đã mang trong mình tính khẳng khái, cần cù, thông minh, hiếu học. Sau khi đạu cử nhân, đạu phó Bảng và ra làm quan, ở chốn quan trường ông đã chứng kiến và hiểu sâu sắc chế độ cường quyền, áp bức nhân dân của chế độ thực dân nửa phong kiến đương thời. Với tấm lòng yêu nước thương dân Phan Châu Trinh từ bỏ quan trường, ngày đêm trăn trở, tâm huyết tìm đường về nước cứu dân, lặn lội ra Yên Thế tìm gặp Hoang Hoa Thám, lãnh tụ kháng pháp, bôn ba sang Nhật Bản tìm gặp Phan Bội Châu trao đổi chính kiến. Ông chủ trương tuyên truyền giác ngộ, vận động quần chúng loại bỏ chế độ quân quyền, thực hiện dân quyền, khai thông dân trí, mở mang thực nghiệp, đánh đổ tư tưởng quân chủ đã thâm qua hàng ngàn năm để từ đỏ có điều kiện giành độc lập dân tộc.

Thích ứng với cuộc vận động to lớn này, phong trời Duy Tân ra đời mà lãnh tụ tiêu biểu là Phân Châu Trinh, bản thân ông vừa vận động phong trào, vưa tích cực vận động, diễn thuyết ở Hà Nội, Huế, Quảng Nam về “ Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cuộc vận động không mệt mỏi của ông đã thức tỉnh các tầng lớp nhân sĩ, và đông đảo nhân dân lao động nghèo khổ lúc ấy.

Đầu thế kỷ thứ XX Hà Nội nỗi tiếng với Đông Kinh Nghĩa Thục, thì ở Quảng Nam có gần 40  trường dân lập ở nông thôn góp phần làm thay đổi và nâng cao dân trí. Chính không khí sôi nổi và công khai của phong trà Duy Tân mà Quảng Nam nơi phát khởi phong trào quần chúng sâu rộng suốt 10 tỉnh miền trung. Tháng 4/1908 phong trào Duy Tân càng bộc phát mạnh với đỉnh cao là cuộc biểu tình chống thuế từ Đại Lộc – Quảng Nam rồi lan tràn khắp nơi. Các phủ huyện trong tỉnh đều bị bao vây với yêu cấu các quan cùng dân đi xin giảm thuế, làm cho thực dân phong kiến hết sức lo sợ. Mặc dù phong trào đã nằm trong khuôn khổ không bạo động nhưng khí thế ngất trời, nó tạo ra sức mạnh ghê gớm làm lung lay tận gốc rễ bộ máy cai trị của thực dân và tay sai.

Khiếp sợ trước làn sóng đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp đã bắt giam Phan Châu Trinh và nhiều chí sĩ yêu nước khác, Phan Châu Trinh luôn tỏ khi phách anh hùng, dù bị tù đày ở Côn Đảo hay giam lỏng ở Mỹ Tho, ông không ngừng đấu tranh đòi dân quyền. Thời gian này hàng loạt các tác phẩm của ông ra đời như: Đông Dương chính trị luận, Tỉnh Quốc hồn ca…đã thể hiện  một cách chân thực tấm lòng yêu nước nồng nàn quên mình của ông. Không sợ hiểm nguy tính mạng, kiên trì với chủ trương đòi dân quyền của mình, Phan Châu Trinh luôn công khai tranh đấu, năm 1922 nhân dịp vua Khải Định sang Pháp, Phan Châu Trinh đã gửi thư Thất Điều kể tội tên vua bù nhìn, góp phần ý thức tự tôn dân tộc. Năm 1926 sau khi về nước, Phan Châu Trinh qua đời. Đám tang của chí sĩ Phan Châu Trinh, tiếng bom Phạm Hồng Thái cảnh cáo tên toàn quyền MécLanh và phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu đã trở thành phong trào ái quốc rộng khắp, nó như luồng sinh khí mới thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước lâu nay vẫn cháy trong lòng nhân dân và sáng ngời trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam đấu tranh đòi lật đổ chế độ phong kiến và đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Phan Châu trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là nhà văn, nhà báo với những tác phẩm nổi tiếng. Với trí tuệ, học vấn uyên thâm, Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân phong kiến. Nhiều tác phẩm của ông như “ Đầu Pháp chính phủ thư”, “ Pháp Việt hiệp hậu chi Tân Việt Nam”, “ Cuộc ngoại nhân nhật chi Trung Quốc quan”, “ Ký Khải Định hoàng đế thư, “ Tây Hồ và San tế thi tập”, “ Tỉnh Quốc hồn ca” và nhiều bài báo khác.. đã thể hiện sự thiết tha của một tấm lòng, một nhân cách lớn.

Ngày ông qua đời, cả nước để  quốc tang, trong đó tình cảm của đồng bào Quảng Nam cũng đầy tình sâu nghĩa nặng, lễ truy điệu tại Hội An đã lôi cuốn đông đảo học sinh, công nhân, nông dân, trí thức yêu nước tham gia. Đặc biệt tại quê hương ông có hơn 1000 người dự, đồng bà đeo tang và để tang 3 ngày. Trong lịch sử từ trước đến lúc ấy chưa có nhà chí sĩ yêu nước nào được quốc dân đồng bà tổ chức tang lễ long trọng như vậy ngay dưới chế độ thống trị tàn bạo của thực dân, chứng tỏ lòng yêu dân yêu mến chí sĩ Phan Châu Trinh đến vô cùng. Cũng tại thời điểm này nhân dân Tam Kỳ viết lời điếu nhà chí sĩ như sau:

“ Chuông rung, mõ gõ, hò hét lối văn minh, mười mấy năm sắt đá như in, chín suối chưa tan hồn cố quân. Đất lật, trời nghiêng, rủi may đường vận, trong ba cõi nước non còn đó, ngàn thu tạo dấu anh hùng”.

II. Hai năm, ba lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại lang quê Long Sơn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, 16 tuổi theo cha, anh đi làm cách mạng và dũng cảm hy sinh ở tuổi 20. Anh là Thái Viết Thương.

Anh sinh vào mùa thu 1947 trong hoàn cảnh nước nhà tiếp bước và giai đoạn chống thực dân Pháp và lớn lên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cuộc đời anh chưa một lần được hưởng tự do độc lập. Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc năm 1963 vừa tròn 16 tuổi anh được mẹ đồng ý cho theo cha và hai người anh của mình đi làm cách mạng. Trong thời gian hoạt động cách mạng anh đã lập được nhiều chiến công và nhanh chóng trở thành nổi lo của bọn địch. Từ tháng 4 năm 1964 đến tháng 4/1966 anh đã 3 lần được tặng danh hiệu “ Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Sau khi tham gia chiến đấu ở Chu Lai, Núi Thành, Bình Dương- Thăng Bình anh trở về Kỳ Long ( Tam Dân)  tiếp tục phong trào “ Tìm Mỹ mà đánh”. Tháng 6/1966, đúng như nhận định, Mỹ đổ bộ vào Dương Huê, lần này anh được cấp trên giao nhiệm vụ và đồng đội của anh đang mong chờ có dịp được anh chỉ huy đánh Mỹ ngay trên quê hương mình. Không ngần ngại, anh nhanh chóng bố trí lực lượng, tập kết đội hình và chỉ huy tập kích bất ngời tiêu diệt 6 tên Mỹ, thu nhiều súng đạn. Chiến công nối tiếp chiến công, tháng 7/1966 anh chỉ huy du kích xã đánh Mỹ tại nhà ông Hương Tiến xóm cây Xoài diệt thêm 3 tên Mỹ. 4/1967 tiểu đoàn 26 biệt động quân ngụy phối hợp với nghĩa quân xóm Kỳ Long lại lần nữa mạo hiểm càn quét làng Long Sơn quê anh, chúng đốt phá nhà cửa, cướp bóc giêt người. Thái Viết Thương có dịp thể hiện tài mưu lược của mình, dũng cảm chỉ huy du kích áp sát đội hình quân Ngụy nổ súng tiêu diệt 6 tên và sau đó anh bị trọng thương, nhưng quyết tâm không để sa vào tay kẻ thù. Với sức lực còn lại, anh mở chốt lựu đạn M26 cài dưới bụng chờ quân ngụy đến gần, giật bung lựu đạn điệt tiếp 2 tên nữa và anh đã anh dũng hy sinh. Trong vòng 4 năm từ 1964 đến 1968 gia đình anh có 4 người hy sinh. Thái Viết Tỏ hy sinh năm 1964, Thái Viết Thông hy sinh năm 1965, Thái Viết Thương hy sinh tháng 4/1967, ông Thái Sơ cha anh hy sinh năm 1968. Đến lượt các em của anh tiếp tục phát huy truyền thống gia đình, gan dạ, dũng cảm không kém cha, anh, sẳn sàng cầm súng chiến đấu ngoan cường để bảo vệ quê hương đất nước và giữ trọn lời thề với Đảng, với dân, cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Các en trai gái của anh, Thái Viết Dương, Thái Thị Anh, Thái Thị Ngọc cũng lần lượt hy sinh vào những năm 1969,1971,1972 khi tất cả chỉ ở tuổi 18, 20.. Riêng anh Thái Viết Thương, mặc dù thời gian tham gia cách mạng chưa nhiều nhưng thành tích của anh là đặc biệt xuất sắc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, 02 Huân chương chiến công hạng 3, 01 Huân chương quyết thắng hạng nhì, chiến sĩ thi đua toàn quân khu V năm 1966 và 03 danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, và mới đây được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng  vũ trang nhân dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng – mẹ anh – mẹ Huỳnh Thị Điểm có cả thảy 6 người con và 1 người chồng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc , là gia đình cs 7 liệt sỹ của huyện Phú Ninh. Mẹ VIệt Nam anh hùng Huỳnh Thị Điểm hiện nay đã ngoài 95 tuổi nhưng mắt mẹ vẫn ngời sáng lên một niềm tin vào quê hương đất nước đang đổi mới từng ngày.

III. Tôi về thăm lại mộ tôi.

Chiến tranh đã lùi xa, anh may mắn thoát chết trong một trận đánh “lịch sử” với quân thù để trở về với gia đình để tận hưởng  cảm giác hạnh phúc đất nước sạch bóng quân thù, nhưng những ký ức về chiến tranh, về một thời sinh ra tử và “ ngôi mộ”  của chính mình vẫn đeo bám anh cho tận đến bây giờ..

Đó là anh Trần Duy Tung, một thương binh – cựu binh ( hạng 2/4) hiện đang công tác tại Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ. Sinh ngày 10/10/1949 quê ở thôn Thạch Mỹ, xã Tam Phú, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hiện tại ở khối phố 6, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tháng 12/1967 anh đi bộ đội thuộc đơn vị V12 huyện Bắc Tam Kỳ, đã từng đóng quân tại các xã: Kỳ Mỹ, Kỳ An, Kỳ Phước, Kỳ Quý, Kỳ Long, Kỳ Anh, Kỳ Phú…Cuối tháng 5/1968 anh là một trong 9 đồng chí được huyện đội Bắc Tam Kỳ chọn thành lập 1 tiểu đội đặc biệt ( tiểu đội cảm tử)  để đánh trận Dương Đá Bầu ( địa danh thuộc Vĩnh Quý, Tam Vinh, Phú Ninh). Được trang bị 21 khẩu súng: Cối 60, B40, B41, Trung liên, AK, M79, Ga răng và một ống nhòm. Ngoài ra còn được trang bị thêm lực lượng phối hợp gồm 1 cối 82 ly đặt trên đỉnh Dương Sầm ( địa danh thuộc xã Tiên Phong, Tiên Phước) sẳn sàng chi viện và bắn kìm chế hỏa lực hướng Dương Bút của địch. Dương Đá Bầu nằm ở độ cao 104m, trải rộng trên diện tích 5ha, cách  thành phố Tam Kỳ 10km về hướng Đông, là một vị trí khá thuận lợi trong việc trấn giữ và quan sát cả một vùng rộng lớn. Xung quanh đồi lại là nơi hội tụ của các đầu mối giao thông: Từ Cẩm Khê đi Tiên Phước, từ Tiên Phước đi Kỳ Thịnh ( Tam Vinh) Tiên Phước đi Kỳ Phước ( Tam Phước) . Tất cả đều qua đây. Chính vì thế địch đổ quân quyết tâm chiếm đóng Dương Đá Bầu, trước khi lấn chiếm các vùng giải phóng của ta ở các xã lân cận. Lúc bấy giờ, tiểu đội “ cảm tử” đóng quân ở nhà mẹ Khải – 1 gia đình cách mạng trung kiên ở gần chân đồi Dương Đá Bầu – thuộc thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh. Tại đây, tiểu đội được chuẩn bị khá tốt về hậu cần dự trữ lương khô, nước uống và đạn dược đủ để cố thủ trong nhiều ngày. Công việc chuẩn bị khá bí mật với khẩu hiệu thực hiện “ 3 không” tại cuộc họp trước đó đã đưa ra: Không gửi thư về cho gia đình, không thăm đồng chí đơn vị cũ, không được để dân biết. Công việc đều đặn, cứ 4h20’ sáng tiểu đội lên đồi, 20h đêm mới về địa điểm tập kết để tắm giặt nghỉ ngơi. Mỗi ngày cắt phiên hai đồng chí ở lại cơ sở dưỡng sức… Trong vòng 1 tuần, mọi công việc đã sắp đặt xong. Dù biết trước đây là trận đánh rất ác liệt, phải đương đầu với khó khăn, thậm chí hy sinh nhưng anh em tiểu đội vẫn nóng lòng chờ giặc đến.

Ngày 8/6/1968, chiến sự mở màn, sự cố đầu tiên là 2 đồng chí trong tiểu đội của ta sáng hôm đó được ở nhà nghỉ dưỡng sức, đang tắm giặc bị địch phát hiện, bắn xối xả khiến 1 đồng chí hy sinh, còn 1 đồng chí nhanh chóng chạy vào rừng. Cơ sở kịp thời xóa dấu vết nên địch không phát hiện gì thêm. Ngày 11/6/1968 chiến sự trở nên quyết liệt, trận quyết chiến giữa ta và địch kéo dài từ 11h35’ đến 20h đêm cùng ngày mới kết thúc, với bốn đợt tiến công lớn do địch liên tiếp mở, phía ta hy sinh 2 đồng chí là Truyền và Liên. Đồng chí Tung cũng bị thương nặng trong trận đấu đó do mãnh đạn của địch găm xuyên đầu ngất lịm đi, trên hầm công sự do chính tay anh đào. Đồng đội lúc này còn 4 người đã mệt nhoài, ai nấy máu mũi, máu miệng, máu tai đều chảy do sức ép của đại pháo, phía bên ngoài tuy địch đã rút lui nhưng đóng cách đó khoảng chừng 0,5km để trấn giữ. Do tình thế cấp bách, trời lại tối, anh em không quan sát được cứ nghĩ là Tung đã hy sinh nên đã vội chôn Tung và hai đồng chí hy sinh rồi rút lui. Khoảng 24h đêm hôm đó, khi tỉnh dậy thấy trong người chỗ nào cũng đau nhói lại nghe cảm giác nặng năng như có ai đó đang đè lên mình, anh cố gắng lắc lắc và trườn lên khỏi lớp đất đang che phủ người để ngồi dậy. Vì máu ra nhiều quá nên sức anh có phần yếu đi, phải mất 4 đến 5 lần bò lên tụt xuống mới lên được khỏi hầm ( mộ của anh). Sau một lúc định hình, anh dần nhớ lại trận chiến và biết mình đã bị thương. Lúc này, xung quanh bãi chiến trường chỉ toàn nghe mùi khói bom khét lẹt với vài chiếc đèn dù của địch thả cầm chừng. Anh quyết định rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt nếu không sáng mai bọn Mỹ quay lại thì chết chắc. Vì sức anh yếu do máu ra quá nhiều nên anh phải rất cố gắng mới bò về nhà mẹ Khải, và khoảng 2h30’ ngày 12/6/1968 anh đã tìm đến nơi đơn vị (gồm 4 đồng chí còn lại), lúc mọi người đang ngồi trao đổi với nhau về diễn biến trận đánh vừa xảy ra hôm qua, trong ngôi nhà của 1 người cách mạng ở thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh ( cách trận địa 5km). Anh kể lại: Lúc đó nhận ra đồng chí cũ, nhưng tôi không dám vào mà ở ngoài gọi với vào: “ Có phải là V12 không? Mình là Tung đơn vị V12 đang tìm đường về đây”.  Đồng đội quá bất ngờ không thể nào tin được, cứ ngỡ rằng Tung đã hy sinh, vì chính tay họ đã chôn cất anh. Gặp anh, hết người này sờ đến người khác nắn. Nghe anh kể lại, lúc này mọi người mới tin là anh đã từ cõi chết trở về. Các đồng chí vô cùng xúc động, liền khóc và nói: Tưởng đồng chí đã hy sinh nên anh em đã chôn đồng chí, mong đồng chí thông cảm cho chúng tôi.”

Ngày hôm sau, anh được đưa vào điều trị ở Trạm xá Tam Lãnh, điều trị hơn 3 tháng anh mới bắt đầu đi được. Ra viện, vết thương tái phát anh phải 5 lần 7 lượt vào điều trị tại các bệnh viện ở nhiều nơi. Bệnh viện sông Tranh ( K120 Tiên Phước), An Dưỡng D6 ( Phước Lộc, Tiên Phước), An Dưỡng miền Bắc…

Năm 1974, anh trở lại miền Nam và công tác ở Văn phòng huyện ủy Bắc Tam Kỳ. Từ 1974 đến nay anh vẫn tiếp tục công tác và cống hiến cho đất nước giữ nhiều cương vị khác nhau. Từ năm 2004 trở lại đây anh tham gia công tác ở Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ, hiện là Phó Chủ tịch của Hội, UV Ban chấp hành hội Cựu chiến binh thành phố Tam Kỳ. Như thường lệ, không ngại đường xá xa xôi, hằng năm cứ đến ngày 11/6 anh thương binh Trần Duy Tung lại tìm về Dương Đá Bầu thăm lại chiến trường xưa, thăm ngôi mộ mình và thắp một vài nén hương cầu nguyện, tìm gặp “ cố tri ân” những người đã từng giúp nuôi anh  trong những năm kháng chiến gian khổ. Trong một lần về thăm “mộ mình” thăm lại chiến trường xưa, cảm xúc trong anh lại hiện về, ngẫu hứng anh sáng tác bài thơ có tựa đề : “Tôi về thăm lại mộ tôi”

Tôi về thăm lại mộ tôi

Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu

Bên hòn đá cũ sẩm màu

Dưới hầm công sự mình đào năm xưa

Mộ ơi! Có nhớ hôm nào

Quần nhau với giặc đan xâu xé mình

Máu đào nhuộm đỏ toàn thân

Ra đi… không kịp trối trăn nửa lời

Phải chăng nhiệm vụ xong rồi”?

Đạn bom còn xé núi đồi rừng nương

Nắng chiều chia sẻ đau thương

Hầm sâu làm chiếc áo quan che người

Ngỡ mình vĩnh biệt cõi đời

Chôn mình, pháo dợi, tối trời lệ rơi

Chia ly rừng núi nặng lời

Trần gian anh ở, tôi nơi suối vàng

Tàn canh ôi quá ngỡ ngàng

Suối vàng từ giã, trần  gian anh về

Chập chờn nửa tỉnh nửa mê

Chạnh chòng đồng đội tái tê nỗi niềm

Từ đây tạm biệt mộ – hầm

Về cùng đồng đội chiến trường như xưa

Nói sao cho đặng cho vừa mộ ơi

Ba mươi chín năm mộ đội nắng mưa

Âm thầm lặng lẽ sớm trưa một mình

Qua rồi khói lửa đao binh

Muôn dân chung hướng thái bình yên vui

Ước chi cõng được mộ về

Giữa lòng thành phố nằm kề bên tôi

Trọn tình vẹn nghĩa mộ ơi

Để…mộ…bớt ..tủi

Cho… tôi…đỡ…buồn.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About kesitinh355

Bài viết liên quan

Đánh ghen quá đà, coi chừng đi tù!

(trangtinphapluat.com)- Ngày 8-5, sau khi điều tra, xác minh, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *