22 văn bản pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 3/2019

Trangtinphapluat.com biên soạn, tổng hợp 22 văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 3/2019 như: Hệ số lương tăng, quy định tiền thưởng trong phòng chống tội phạm, biểu mẫu đăng ký kinh doanh, chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước….

  1. Áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước mới từ ngày 5/3

Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg.

Bộ tiêu chí bao gồm 19 tiêu chí như: Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; Bảo đảm tính khách quan và tính công bằng; Bảo đảm tính minh bạch; Bảo đảm cam kết chất lượng thống kê; Bảo đảm sự phù hợp giữa hiệu quả và chi phí…

Đây là cơ sở để đánh giá chất lượng thống kê, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động thống kê Nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thống kê, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê Nhà nước.

Từ 2020, hàng năm các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước có trách nhiệm tự đánh giá chất lượng thống kê theo Bộ tiêu chí nêu trên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tự đánh giá chất lượng thống kê thuộc phạm vi phụ trách.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 05/3/2019.

  1. Hệ số lương tăng thêm so với lương cơ bản tối đa là 1,0

Ngày 21/01/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 04/2019/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 08/03/2019.

Quy định về hệ số lương tăng thêm
Quy định về hệ số lương tăng thêm

Theo đó, hệ số lương tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với mức chênh lệch thu trừ chi (Hln) như sau: mức chênh lệch dưới 03 tỷ, Hln  tối đa bằng 0,3; mức chênh lệch từ 03 đến dưới 05 tỷ thì Hln tối đa bằng 0,5; mức chênh lệch từ 05 đến dưới 10 tỷ thì Hln tối đa bằng 0,7; mức chênh lệch từ 10 tỷ trở lên thì Hln tối đa là 1,0.

Mức tiền lương bình quân, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách được tính bằng: Lương cơ bản + lương cơ bản nhân hệ số lương tăng thêm.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về thang lương, bảng lương, phụ cấp; quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương, phân phối tiền lương, tiền thưởng…

  1. Thưởng đến 5 triệu/lần cho người có thành tích xuất sắc trong phòng, chống ma túy

Ngày 22/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-TTg về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm, có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.

Quỹ Phòng, chống tội phạm là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành; Quỹ cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và quản lý, điều hành.

Về nội dung chi, định mức chi của Quỹ, Thủ tướng quy định: Cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy sẽ được thưởng đột xuất với mức tối đa 05 triệu đồng/người/lần khen thưởng và 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.

  1. Chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 23/01/2019, Chính phủ  ban hành Nghị định số 08/2019/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, có hiệu lực 11/3/2019.

Nghị định này quy định chế độ sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp, chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh, thời gian làm việc và một số chế độ khác đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu từ ngân sách nhà nước, phu nhân/phu quân và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

  1. Nội dung yêu cầu báo cáo có thể chỉ có lời văn hoặc số liệu

Đây là nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, có hiệu lực 12/3/2019.

Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước
Chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính nhà nước

Theo đó, Chính phủ yêu cầu:

– Tên báo cáo: Bảo đảm rõ ràng, ngắn gọn và thể hiện được bao quát nội dung, phạm vi yêu cầu báo cáo;

– Nội dung yêu cầu báo cáo: Đảm bảo cung cấp những thông tin cần thiết nhằm phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền. Tùy từng trường hợp cụ thể, nội dung yêu cầu báo cáo có thể chỉ có phần lời văn, chỉ có phần số liệu hoặc bao gồm cả phần lời văn và phần số liệu;

– Đối tượng thực hiện báo cáo: Chế độ báo cáo phải xác định rõ đối tượng thực hiện báo cáo (bao gồm cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức, cá nhân) và xác định cụ thể tên cơ quan nhận báo cáo;

– Phương thức gửi báo cáo: Văn bản giấy hoặc văn bản điện tử gửi qua trực tiếp, dịch vụ bưu chính, Fax, hệ thống thư điện tử;…

  1. Sửa quy định về nộp bản sao chứng thực đối với TTHC lĩnh vực Văn hóa, thể thao

Ngày 30/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2019/NĐ-CP  Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực 15/3/2019.

Theo đó, Chính phủ đã bỏ quy định bắt buộc phải nộp bản sao có công chứng, chứng thực, cụ thể: Đối với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vũ trường; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke; hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú”  trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, nghệ sĩ ưu tú”; giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật…Thì cá nhân, tổ chức có quyền nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện).

7. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Doanh nghiệp

Ngày 30/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2019/NĐ-CP  Về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.

Theo đó có 3 cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Doanh nghiệp

Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại Doanh nghiệptheo quy định của Chính phủ.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các đối tượng sau đây:

– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Bộ, UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn tại  doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao.

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

8. Bãi bỏ 09 Nghị định do Chính phủ ban hành

Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2019/NĐ-CP về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.

Theo đó, bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

– Nghị định 48/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài;

– Nghị định 50/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án;

– Nghị định 173/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự;…

Bên cạnh đó, Nghị định này còn bãi bỏ Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 24 Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị.

  1. Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có hiệu lực 20/3/2019.

Theo đó, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bị thu hồi trong trường hợp:

– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Trong 05 năm liên tiếp, doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ không năm nào đạt tỷ lệ tối thiếu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Trừ trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian 05 năm đầu tiên được cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ không thực hiện chế độ báo cáo trong 03 năm liên tiếp theo quy định;

– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp không đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định.

Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về các trường hợp cấp mới, cấp thay đổi nội dung, cấp lại giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

  1. Tàu bay không vận chuyển hành khách phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực 20/3/2019.

Nghị định 14/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Nghị định 14/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định 108/2015/NĐ-CP như sau:

“3. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch; tàu bay sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng.

Trường hợp tàu bay, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch; tàu bay không sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính.”

  1. Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực 20/3/2019.

Theo đó, quy định điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cho phép thành lập phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài

  1. Điều kiện cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực 20/3/2019.

Theo đó, quy định về điều kiện về nhân sự để tổ chức được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

– Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị cấp phép phải có bằng đại học hoặc có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực: quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật.

– Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực: kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi một số quy định khác về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính…

  1. Nạn nhân bom mìn được hỗ trợ việc làm, bảo trợ xã hội

Ngày 01/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về việc quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh, có hiệu lực 20/3/2019.

Theo đó, quy định nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; được hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế nếu thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh; được hưởng chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật…

Đồng thời, con của nạn nhân bom mìn vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bom mìn vật nổ hoặc mua bán các loại vật liệu, phế liệu sau xử lý bom mìn vật nổ trừ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ quân sự, an ninh.

  1. Tập thể dục, thể thao 3 lần/tuần được coi là thường xuyên tập luyện

Ngày 17/01/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 01/2019/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng, có hiệu lực 05/3/2019.

Theo đó, Thông tư đề ra một số tiêu chí đáng chú ý như sau:

– Người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là người tập luyện mỗi tuần ít nhất 03 lần; mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút;

– Gia đình thể thao là hộ gia đình có tổng số thành viên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm từ 50% trở lên tổng số thành viên trong gia đình…

  1. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

Ngày 22/01/2019, Bọ Tài chính ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, có hiệu lực 08/3/2019.

Theo đó, thì hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó:

– Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;

– Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;

– Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của Thông tư này.

  1. Lợi nhuận trong dịch vụ nghĩa trang, mai táng không quá 5%

Ngày 28/12/2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 14/2018/TT-BXD hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng, có hiệu lực 15/3/2019.

Theo đó, lợi nhuận tối đa trong các dịch vụ này sẽ không quá 5%.

Ngoài ra, giá dịch vụ tổ chức tang lễ; chăm sóc mộ, tu sửa mộ; bảo quản, lưu trữ tro cốt và dịch vụ phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm được xác định theo mặt bằng giá dịch vụ đã hình thành trên thị trường hoặc giá dịch vụ thỏa thuận giữa 02 bên tùy theo yêu cầu và chất lượng cung cấp dịch vụ.

  1. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự

Ngày 11/01/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, có hiệu lực 15/3/2019.

Theo đó, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:

– Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

– Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…

  1. Người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên

Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành  Thông tư 49/2018/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực 15/3/2019.

Theo đó, người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên.

Cụ thể, trưởng khoa xét nghiệm sẽ là người trực tiếp ký kết quả xét nghiệm hoặc nếu phân công bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm ký kết quả xét nghiệm thì người đó phải có trình độ đại học trở lên.

  1. Bệnh án điện tử: Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý

Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành  Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử, có hiệu lực 01/3/2019.

Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy;

– Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử;

– Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.

  1. Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh

Ngày 08/01/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực 11/3/2019.

Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.

Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như:

– Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh…

– Mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật…

  1. Nguyên tắc và yêu cầu quản lý văn bản đến

Ngày 24/01/2019, Bộ Nội vụ ban hành 01/2019/TT-BNVThông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức, có hiệu lực 10/3/2019.

Theo đó, nguyên tắc và yêu cầu quản lý văn bản đến điện tử như sau:

– Tất cả văn bản đến cơ quan, tổ chức phải được đăng ký vào Hệ thống.

– Số đến của một văn bản đến là duy nhất trong hệ thống quản lý văn bản đến của cơ quan, tổ chức.

– Xác nhận văn bản đến đúng địa chỉ.

– Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết văn bản đến của cơ quan, tổ chức tiếp nhận văn bản.

– Giải quyết văn bản đến kịp thời, đúng thời hạn quy định.

  1. Quy định về khắc phục hậu quả thiên tai đối với công tình đang thi công

Ngày 11/01/2019, Bộ Giao thông vận tải  ban hành Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, có hiệu lực 28/3/2019.

Theo đó, Khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình đường bộ đang thi công và trong thời gian bảo hành: theo phạm vi thi công công trình được giao, nhà thầu thi công thông báo cho chủ đầu tư, cơ quan bảo hiểm, chính quyền địa phương cấp huyện, các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường, xác định thiệt hại do thiên tai gây ra và lập phương án khắc phục làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm bồi thường. Trường hợp hư hại lớn, vượt quá khả năng bồi thường, chủ đầu tư báo cáo mức độ, ước tính kinh phí thiệt hại do thiên tai gây ra đối với dự án để cơ quan quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Quyết định 1331/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *