Trong tâm trí chị Trần Thị Luận, ký ức Tết Mậu thân 1968 còn sâu đậm lắm. Năm ấy chị mới 12 tuổi. Càng gần tết không khí chuẩn bị cho trận đánh lớn càng sôi nổi. “Ngày đó, ông Ba Tích – Bí thư đoàn xã Kỳ Long tập hợp thiếu niên lại học tập, bảo: Bao phen ra trận phất cờ/ Còn đây một trận bây giờ nữa thôi, các em về chuẩn bị gậy, dây dừa để đi bắt ác ôn. Tôi về đi sắm dây dừa, mẹ tôi hỏi làm chi rứa, tôi kể lại. Bà bảo bây con nít ở nhà. Đúng ngày xuống đường, cha tôi với mẹ tôi nhốt hai anh em xuống hầm, đem mấy miếng ván lớn chần lên trên miệng hầm, mấy tấm ván nặng quá, chị em tôi cạy cách chi cũng không xê dịch được. Mẹ tôi mang bánh tét, đội nón ra đi. Đến trưa mẹ tôi về, chiếc nón lá rách bươm, bánh trái vứt đâu hết. Anh em bộ đội sống sót cũng chạy về, quần áo rách te tua, súng đạn chẳng có” – chị Luận kể. Dân Long Sơn lần ấy tham gia đấu tranh chính trị khá đông, nhưng tới ngã ba Trường Xuân bị chặn lại không nhập nội thị Tam Kỳ được, bị địch phản kích phải trở về, may không có ai hy sinh.
Sau đợt Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, địch bắt đầu phản ứng dữ dội. Biết Kỳ Long là một trong những địa bàn xuất kích của các đơn vị bộ đội, quần chúng tham gia xuống đường đấu tranh chính trị nên địch càng đánh phá quyết liệt. Ngày 20.4.1968, Mỹ đổ quân càn quét thôn Long Sơn, pháo bắn cấp tập vào làng, trên đầu trực thăng quần lượn, dân làng sợ quá lùa trâu bò, bồng bế trẻ nhỏ túa ra đồng, định di tản xuống Đại An. Thế nhưng họ không biết rằng những chiếc HU1A dường như chỉ chờ có vậy, chúng sà xuống nã đạn không thương xót vào những đám người phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em đang chạy cuống cuồng bên dưới. Thi thể người, xác trâu bò nằm ngổn ngang trên cánh đồng làng. “Đận ấy cả Long Sơn có đến 50 người chết. Nhà ít thì 2 – 3 người, có nhà chết cả 5 người. Chị Q. chết nằm dưới mương nước, chiếc nón lá rơi bên cạnh. Trên bụng, đứa con vẫn còn ôm vú mẹ. Thảm thiết không kể hết. Đến tối cán bộ du kích về cùng dân làng khiêng bà con đi chôn. Người ít lo không xuể, mà phải âm thầm không kèn không trống, không đèn đuốc vì sợ pháo trên đồn nã xuống” – chị Luận nhớ lại.
Đây cũng là thời kỳ ác liệt nhất của cán bộ, du kích Long Sơn. Dân bị xúc hết vào ấp chiến lược Vườn Chùa, làng xóm thành vành đai trắng, ban đêm địch rình mò phục kích khắp nơi. Hố Ông Ba Được, gành Ông Sấm, gành Cây Sanh thành những điểm cố thủ cuối cùng không chỉ cho du kích Long Sơn, mà còn có các đội công tác, du kích xã Kỳ Thọ, Kỳ Nghĩa, kể cả Kỳ Thịnh bị địch đánh bật hết cũng rút lên nương náu ở đây. Đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ, đơn vị vũ trang V12 của thị xã nhiều lúc cũng về trú. Đó là những năm tháng vô cùng gian khó. Xung quanh khu căn cứ lõm này địch phục khắp. Từ đây muốn lên căn cứ Kỳ Quế phải qua Xà Lan, bọn địch ở đồn Chóp Chài cũng biết rõ điều này nên thường đem quân phục kích. Còn lên Dương Huê phải qua đèo ông Tỏ, cũng là một cửa tử. Nếu bị trọng bệnh, một là chấp nhận chết, hoặc là ra hàng. Và đã có những trường hợp bi thương, như ông Bùi E.. Khi bị đau nặng, ông nhắn tin về cho vợ mua thuốc gửi lên để chữa bệnh. Bà này khi chồng đi kháng chiến đã về quê mẹ đẻ ở Đại An trú ngụ, bị gia đình lôi kéo nên gửi thư lên bảo ông E. về chiêu hồi theo “chánh nghĩa quốc gia” thì sẽ được khoan hồng, được chữa bệnh. Không còn đường nào khác, ông E. đã phải treo cổ tự vẫn để giữ tròn khí tiết cách mạng và không phải chịu sự hành hạ của những cơn đau.
Trong hố Ông Ba Được có cánh đồng Hung rộng chừng 4ha. Từ ngày chiến tranh, dân đi phiêu tán hết, chỉ còn cán bộ, du kích và hơn 10 người dân Long Sơn trụ bám. Cánh đồng bỏ hoang, lúa tự mọc, tự rụng, thứ rạ chét ấy trở thành nguồn cung cấp lương thực cho đội bám trụ. Nhưng đó là những hạt lúa nhiều khi phải đổi bằng máu. Một lần ông Trần Điều và ông Trần Hài thấy trời đã xế chiều liền ra đồng Hung bứt rạ chét. Chẳng ngờ bọn địch từ đồn Núi Giàng nhìn xuống thấy liền nã pháo, ông Điều bị thương. “Lúa gặt về, không có cối xay cối giã, phải lật ngửa cái nón sắt ra, đổ lúa vào giã kỳ cạch, ra được hạt gạo cũng rã đôi tay” – chị Phan Thị Hoa, nguyên cán bộ Đội công tác xã Kỳ Thọ, nay là xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, nhớ lại.
Sở dĩ các đội công tác có thể trụ lại trên đất Long Sơn là vì nơi đây có địa thế hiểm yếu, nhưng đất hiểm vẫn không bằng lòng dân. Người Long Sơn dẫu bị chà xát, bị lùa vào ấp chiến lược, ngày đêm bị những tên ấp trưởng ác ôn và bọn dân vệ kìm kẹp ráo riết…, họ vẫn một lòng với cách mạng, vẫn tìm mọi cách tiếp tế lương thực thực phẩm. Bởi lẽ đơn giản, những cán bộ du kích đang bị cách ly, vây hãm kia là chồng, là con, là anh em, là máu mủ ruột rà của họ. Các em thiếu nhi tuổi nhỏ, địch ít để ý nên tiếp tế thuận lợi nhất. Nhưng đi tiếp tế cũng rất nguy hiểm, ông Nguyễn Hòe, bà Thái Thị Hoắc vấp lựu đạn bị thương, bà Nguyễn Thị Hung bị địch bắn chết. Năm 1972, một lần 3 thiếu nhi mang đồ vào hố Ông Ba Được tiếp tế, chẳng may vấp lựu đạn, Hồ Văn Nam, Thái Tâm chết tại chỗ, thật thương tâm.
Khi địch đưa dân vào ấp chiến lược Vườn Chùa, tối du kích đội công tác đánh vào, đốt ấp, dân xóm Cây Xoài bung về làng cũ, dựng vài mái tranh ở tạm, rồi địch lại sang đốt trại, lùa về. Có lúc chúng đưa những thành phần xấu ở nơi khác đến lùa bò, xúc lúa triệt đường sống của bà con. Trong ấp Vườn Chùa, ta xây dựng được chi bộ bí mật và một đội du kích B (du kích mật). Hàng ngày, những cơ sở này theo dõi lúc gần tối bọn địch gánh mìn claymo đi cài ở đâu, tối báo để du kích biết lối mà tránh. Năm 1972, tổ du kích mật của Thái Hữu Triệu đánh mâm tề ấp Long Sơn, cả bọn chỉ bị thương nhưng bọn chúng khiếp sợ, bớt hung hăng. Sau Hiệp định Pa-ri, Mỹ rút, bom đạn cũng ngớt, ta chủ trương phá ấp chiến lược Vườn Chùa, đưa 20 gia đình cách mạng trung kiên lên Kỳ Quế sinh sống.
Long Sơn trong chiến tranh, nhân dân một lòng kiên trung theo Đảng, chịu nhiều hy sinh gian khổ, sau hòa bình làng xóm chưa kịp hồi sinh, một bộ phận người dân đã phải nhường đất xây hồ Phú Ninh. Người Long Sơn lại rời bỏ quê cha đất tổ di dân đi Eo Gió, Tam Lộc; Tiên Phong, huyện Tiên Phước; Trà Giang, huyện Bắc Trà My… Họ chấp nhận cuộc sống muôn vàn gian khó để dòng nước Phú Ninh đem lại bát cơm thơm cho nhiều miền quê khác.
Nằm ngay dưới chân đập Dương Lâm, nhưng cho đến năm 1997 người dân Long Sơn vẫn phải chịu cảnh ruộng đồng khô hạn, mỗi năm chỉ cày cấy được một vụ. Hơn 10 năm trở lại đây với sự đầu tư kênh mương, đường giao thông, cuộc sống ở làng quê Long Sơn đã có phần khởi sắc hơn, mức sống người dân được cải thiện đáng kể, chính sách đối với người có công cách mạng được thực hiện tốt. Thôn Long Sơn đang được chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã Tam Đại, mở thêm cơ hội cho vùng đất căn cứ cách mạng này bước chuyển tươi sáng hơn.
DUY HIỂN
Nguồn:baoquangnam.vn