Ký ức Long Sơn

Mỗi khi hồi tưởng về thời lửa đạn, chị tôi hay ngâm ngợi câu ca của nhạc sĩ Hoàng Bích: “Tìm về chiến khu xưa, hỏi người ai còn ai mất…”. “Chiến khu” của chị tôi ngày ấy là vùng đất Long Sơn, xã Tam Đại, Phú Ninh, một thôn nhỏ anh hùng, chịu nhiều mất mát hy sinh cả trong thời chiến và thời bình.

Thôn Long Sơn trong kháng chiến chống Mỹ thuộc xã Kỳ Long, huyện Tam Kỳ. Vùng đất này giáp ranh với các xã miền núi Tam Lãnh, Tiên Thọ nên về quân sự tiến có thể đánh, lui có thể thủ. Bởi vậy, ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Long Sơn đã được tập trung xây dựng cơ sở. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, dù kẻ địch đàn áp điên cuồng, nhiều đảng viên, cơ sở cách mạng như ông Thái Viết Cửu, Thái Tờn, Thái Phụng vẫn giữ liên lạc, nuôi giấu những cán bộ cách mạng ở lại hoạt động. Hố Ông Ba Được cùng với gành Đá Kiều, gành Hố Mác trở thành nơi trú ẩn an toàn của cán bộ trụ bám. Kẻ địch đánh hơi được, đã bắt nhiều người ra đình Long Sơn, nhà địa chủ Võ Luy tra khảo nhưng vẫn không khai thác được gì.

Sau Nghị quyết 15 của Trung ương chuyển cách mạng miền Nam sang đấu tranh vũ trang, cùng với nhiều địa phương, phong trào cách mạng ở Kỳ Long chuyển sang một bước mới. Tháng 1.1961, đồng chí Đỗ Thế Chấp – Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ cùng đồng chí Lê Hào – Phó ban Quân sự huyện Tam Kỳ về quán triệt nghị quyết tại nhà cơ sở dưới chân núi Chúa, Kỳ Long. Sau đó Ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng xã Kỳ Long ra đời, phong trào cách mạng ở đây bước sang giai đoạn mới.

Ngày 10.3.1963, bộ đội huyện Tam Kỳ cùng với đội vũ trang tuyên truyền xã Kỳ Long giải phóng ấp Cây Xoài thôn Long Sơn. Ông Thái Viết Hoàng, nguyên du kích Kỳ Long kể: “Lực lượng vũ trang Kỳ Long phối hợp với nội ứng tấn công Hội đồng xã Kỳ Long của địch tại Cây Sanh sau đó đánh vô Long Sơn. Du kích Long Sơn và đội công tác xã phối hợp bắn chết tên ấp trưởng, phá bung các khu dồn kiểu mẫu của địch, đưa dân về làng cũ. Thôn Long Sơn được hoàn toàn giải phóng”. Ông Thái Hữu Niệm, lúc ấy là cán bộ Thị ủy Tam Kỳ cho biết, giải phóng thôn Long Sơn có ý nghĩa rất lớn. Ở đây ta mở ra cửa khẩu thu mua lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho các vùng giải phóng phía Kỳ Quế, Kỳ Sơn. Cũng tại Long Sơn ta xây dựng trạm liên lạc để đón tiếp cơ sở của tỉnh, của huyện từ vùng địch ra học tập chủ trương, chính sách và huấn luyện nghiệp vụ, ở hai ba ngày vẫn không sợ lộ. Đặc biệt Long Sơn cũng là nơi đứng chân lực lượng an ninh A75 của tỉnh để huấn luyện và tổ chức các mũi đột kích vào nội ô Tam Kỳ và vùng đông để diệt ác, phá kèm hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở những nơi này.
Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở địa phương, địch quyết tâm đánh phá. Chúng đưa lính Trung đoàn 5 Sư 2 ngụy và bọn Bảo an thường xuyên càn quét lên Kỳ Long. Chúng còn đóng đồn Chóp Chài (đồn 159), đặt trận địa pháo gồm 3 khẩu 105 ly; xây dựng thêm trận địa pháo tại chợ Cây Sanh, thường xuyên bắn phá thôn Long Sơn và các vùng phụ cận. Tuy nhiên chúng vẫn không cách nào bình định được tình hình.

Sự gian lao, ác liệt và anh dũng của vùng đất Long Sơn lên đến đỉnh điểm từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam. Để chuẩn bị cho cuộc đối đầu sống mái, xã ủy Kỳ Long chủ trương đào địa đạo để trụ bám chiến đấu lâu dài. Các địa đạo gò Thai ở thôn Đàn Trung, gò Dân ở Kỳ Tân, truông Thiết ở Khánh Tân được triển khai. Riêng thôn Long Sơn đào 2 địa đạo: rừng Hoạnh và vườn Dãy. Địa đạo rừng Hoạnh do dân vùng 3, 4, 5 đào; địa đạo vườn Dãy do dân vùng 2, 3 đảm nhiệm. Ông Thái Ngung, năm nay đã 93 tuổi, cặp mắt đã mờ nhưng trí nhớ còn minh mẫn, kể: “Dân Long Sơn hồi đó hăng hái lắm, ban đêm già trẻ gái trai chi cũng đi đào. Dụng cụ gồm cuốc vố, cuốc bàn cán ngắn, quang gánh. Đất đào lên đổ ra suối, ra gò. Trong địa đạo có những hầm rộng trên trần có lót cây đà để chống sập, những nơi này dùng để họp hành, cất giấu lương thực. Bên ngoài địa đạo còn có hệ thống giao thông hào liên hoàn để du kích vận động đánh địch”. Còn bà Thái Thị Ry kể: “Tôi hồi đó thường theo cha đi đào địa đạo. Có lần tôi thấy một cán bộ lớn tuổi, cha tôi bảo là ông Võ Chí Công về xem xét việc đào địa đạo. Tôi còn nhớ lúc đó bác Công bảo, dựa địa đạo này, du kích, bộ đội ta trong đánh ra, ngoài đánh vô thế nào địch cũng thua”. Địa đạo rừng Hoạnh và vườn Dãy đã trở thành chỗ dựa vũng chắc cho cán bộ, du kích và dân trụ bám Long Sơn suốt những năm ác liệt. Sau các trận đánh, bộ đội chủ lực thường đưa thương binh về đây điều trị.

Long Sơn hồi ấy không ngày nào yên tiếng súng. Pháo địch từ Chóp Chài bắn lên, Cây Sanh bắn vào. Đặc biệt, từ năm 1966 Mỹ đóng chốt Núi Giàng – thuộc xã Tam Dân ngày nay – đặt pháo cực nhanh, vừa nghe tiếng đề pa “bùng- bình” đạn pháo đã găm đạn xuống làng. Máy bay địch cũng quần đảo trút bom không tiếc, ban đêm chúng còn cho máy bay B57 ném bom tọa độ. Ruộng vườn, làng xóm chi chít hố bom. Kỳ Long cũng là địa bàn tác chiến thường xuyên của các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 của ta nên địch càng ra sức chà xát, đồng ruộng Long Sơn bị xích xe tăng băm nát. Thế nhưng du kích Long Sơn vẫn kiên cường trụ bám đánh giặc. Trong mùa khô 1966, có trận du kích thôn đeo bám đánh lui cả Tiểu đoàn Bảo an đi càn. Du kích còn vào sát chân đồn Núi Giàng phục kích bắn rơi chiếc trực thăng H34 khi vừa cất cánh. Tháng 6.1967, Trung đoàn 31 của Sư 2 về đánh cụm cứ điểm Dương Huê, Núi Giàng do quân Mỹ chốt giữ. Mỹ tổ chức phản kích càn vào Long Sơn, trung đoàn đã chặn đánh quyết liệt, 5 chiếc tăng bị ta bắn cháy phơi xác trên cánh đồng. Nhân dân Long Sơn bây giờ còn nhắc đến những con người kiên cường của quê hương như Xã đội phó Lê Lai có lối đánh xuất quỷ nhập thần khiến bọn ngụy rất sợ hãi, treo giải rất lớn cho ai hạ sát được anh. Năm 1969, khi đi công tác vùng 4, anh rơi vào ổ phục kích của địch, bị thương nhưng vẫn chống trả rất gan lỳ, súng bị kẹt đạn và anh hy sinh. Còn Xã đội trưởng Thái Viết Thương, chẳng những đánh ở Long Sơn mà còn vào tận vành đai diệt Mỹ Chu Lai để tham chiến, sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thái Viết Thương là con trai của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Điểm, người có 5 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, là người mẹ anh hùng tiêu biểu của huyện Phú Ninh.

(Còn nữa)

DUY HIỂN

Nguồn:baoquangnam.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Đảng bộ xã Tam Đại tổ chức Hội nghị triển khai Quy định số 109-QĐ/TW

 Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *