Tin mới

Mậu Thân 1968 – 45 năm nhìn lại – Bài 2: Chuyện trước giờ G

Khi xây dựng kế hoạch, trung ương đã đề ra ba khả năng nhưng trước giờ mở màn chiến dịch, vì nhiều lý do khác nhau, cấp dưới chỉ nhận được lệnh đây là trận quyết chiến chiến lược, giành chính quyền về tay nhân dân… 

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có sự mở rộng quy mô chiến trường ra khắp các đô thị trên toàn miền Nam với một kế hoạch đã được phát triển toàn diện, từ nghi binh cho đến việc phối hợp giữa các chiến trường, từ tấn công đến nổi dậy.

Chiến trường trọng điểm

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó phòng Quân báo Miền, “Bộ Chính trị và Trung ương Cục đã phân công nhiệm vụ và xác định vai trò của từng hướng chiến trường trong sự kiện quan trọng này. Theo đó, trọng điểm một là Sài Gòn-Gia Định; trọng điểm hai là Đà Nẵng – Huế – Khe Sanh; các khu, các địa phương còn lại là chiến trường phối hợp với các trọng điểm, để căng kéo địch ra, không cho địch tập trung lực lượng về các trọng điểm. Riêng Khe Sanh được xác định là hướng nghi binh chiến lược, ta chủ trương dùng quân chủ lực, tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Mỹ ở Khe Sanh, kéo Mỹ ra Khe Sanh để hỗ trợ cho các trọng điểm”.

Việc lựa chọn các mục tiêu của cuộc tổng tấn công và nổi dậy cũng được tính toán một cách chặt chẽ để phục vụ cho ý đồ chiến lược của ta. Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, nhớ lại: “Các mục tiêu phải bảo đảm cho không chỉ có Sài Gòn nổi dậy mà cho cả miền Nam nổi dậy. Những mục tiêu chủ chốt là Tòa đại sứ Mỹ, Dinh tổng thống, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, Sở chỉ huy Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình…, tức là đánh vào toàn các cứ điểm trọng yếu của địch. Trung ương Cục miền Nam đã huy động tất cả đảng viên, cán bộ của các tỉnh miền Nam để đưa về Sài Gòn làm nòng cốt cho các mũi nổi dậy”.

Quân ta trong chiến dịch Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Ba khả năng của cuộc tổng tấn công

Khi soạn thảo kế hoạch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra ba khả năng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Một là giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị đè bẹp, phải chấp nhận thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của ta. Hai là giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi nhưng phải đối phó với tình huống Mỹ còn lực lượng, dựa vào các căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn – nhất là Sài Gòn. Ba là sau tổng tấn công và nổi dậy, Mỹ tăng cường lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia, buộc quân giải phóng phải lui về thế thủ hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua về chính trị.

Trong đó Bộ Chính trị quyết tâm cố gắng giành thắng lợi hoàn toàn, tức thực hiện khả năng một.

Đại tá Vũ Ba kể, 13 ngày trước giờ nổ súng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam (ngày 18-1-1968). “Bức điện đó đại ý nói kế hoạch này chỉ nhằm làm lung lay ý chí xâm lược của địch, buộc địch phải chuyển giai đoạn chiến lược chứ không khẳng định mục tiêu giành chính quyền về tay nhân dân” – Đại tá Vũ Ba nói.

Nhưng khi triển khai thực hiện trên thực tế, ba khả năng của kế hoạch này đã được chuyển dần thành mục tiêu thực hiện trận quyết chiến chiến lược, giành chính quyền về tay nhân dân. Đại tá Nguyễn Ngọc Lân nói: “Khi phổ biến ở dưới thì Trung ương Cục chỉ thị cho các địa phương là chỉ phổ biến khả năng một chứ không phổ biến các khả năng khác để khỏi ảnh hưởng đến quyết tâm. Từ chỗ tính toán các khả năng như vậy, chúng ta dồn sức để dứt điểm. Cho nên chúng ta xài xả láng. Tức là có bao nhiêu xài hết”.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng tình báo H63, nhớ lại: “Lúc đó có những đồng chí cán bộ nói đánh trận này thôi chứ sau còn giặc đâu nữa mà đánh. Anh em lại bị hút vào cái khả năng một, tức là khả năng lấy luôn Sài Gòn. Lấy luôn và coi như hết giặc”.

Ảnh dưới: Chiến dịch Tổng tấn công vào mùa xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đánh vào cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn đã đánh dấu sự thất bại thảm hại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Trong ảnh: Biệt động Sài Gòn bắn B.40 vào Đại sứ quán Mỹ. (Ảnh tư liệu)

Tương quan lực lượng và lòng quyết tâm

Thời điểm giáp tết Mậu Thân 1968, khi người dân miền Nam đang nô nức chuẩn bị đón năm mới cũng là lúc Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam đang tập trung thực hiện “một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” (như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn nói sau này) để tạo bước ngoặt mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm tiến tới chấm dứt chiến tranh. Kế hoạch được giữ tuyệt mật đến tận giờ phút cuối và được các đặc phái viên từ Bắc vượt Trường Sơn vào từng chiến trường phổ biến trực tiếp cho các cán bộ chủ chốt ở các địa phương. “Chúng ta làm kế hoạch này rất bí mật. Chúng ta bí mật với cả bạn bè, không ai được biết cả. Và hội nghị trung ương ấy diễn ra vào lúc giáp tết, nếu lỡ có lộ thông tin gì thì lúc ấy Mậu Thân cũng đã khởi động ở phía Nam rồi” – PGS-TS-Đại tá Hồ Khang cho biết.

Theo số liệu thống kê tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân đội nhân dân Việt Nam và quân giải phóng miền Nam có 277.000 quân chiến đấu với 220.000 quân chủ lực và 57.000 bộ đội địa phương. Các đơn vị chủ lực được phân bố tập trung tại khu vực giáp ranh khu phi quân sự vĩ tuyến 17, vùng duyên hải miền Trung, khu vực Tây Nguyên và vùng ven Sài Gòn.

Về phía Mỹ và “đồng minh”, theo số liệu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (NXB Chính trị Quốc gia, tập 2, trang 589) thì vào tháng 8-1967, quân Mỹ có 525.000 quân, “đồng minh” Mỹ có 114.735 quân và quân Sài Gòn có 818.000 quân.

Dù có sự chênh lệch rất lớn về tương quan lực lượng và vũ khí, phương tiện chiến tranh, thế nhưng với khát khao thống nhất đất nước, toàn quân, toàn dân ta hăng hái bước vào đợt chuẩn bị lớn cho chiến dịch, trước một cơ hội lịch sử được xem là “ngàn năm có một”. Các đơn vị chủ lực được lệnh gấp rút hành quân về đồng bằng, áp sát ven đô, “vừa chạy vừa xếp hàng” như Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng mô tả…

Lời thề quyết tử

Trong ký ức của những cựu binh từng tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, họ gặp nhau ở một điểm chung thật kỳ lạ. Đó là những khuôn mặt đồng đội rạng ngời niềm tin chiến thắng, là những ánh mắt rực cháy khát vọng giải phóng quê hương đất nước, là quyết tâm tiến về đồng bằng, về đô thị trong lời thề quyết tử trước giờ ra trận. Với họ, giây phút đó thật thiêng liêng và tự hào, với niềm tin giản dị rằng nếu lỡ hy sinh cũng là để con cháu mai này được hưởng độc lập, tự do.

Nhớ lại thời khắc lịch sử hào hùng ngày nào, ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, trầm tư: “Tôi biết những anh em thời đó. Người ta giành nhau để đi chứ không ai nghĩ đến chuyện chết sống gì. Sợ nhất là hết cơ hội. Tôi ở trên rừng mà khi huy động đi là anh em giành nhau, không được đi là buồn lắm, tự mình thấy tiếc, coi như một đời không còn cơ hội nữa”.

Ông Nguyễn Văn Luyện (Nguyễn Luân), chiến sĩ Đội 5 biệt động Sài Gòn-Gia Định, vẫn nhớ như in thời khắc trước đêm giao thừa năm nào: “Khoảng 11 giờ, trước khi xuất quân, chỉ huy trưởng cụm có đến làm công tác tư tưởng lần cuối. Rằng các anh đến đánh, bây giờ tư tưởng thấy ổn chưa, nếu anh nào không ổn thì cứ nói, đơn vị cho ở lại. 15 anh em, không đứa nào ở lại”.

Mang theo tinh thần cảm tử đó, những chiến sĩ quân giải phóng đã bước vào trận đánh trên khắp các mặt trận với một khí thế ngùn ngụt chưa từng có. Mặc cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa không ngừng phản công quyết liệt, dùng bom đạn trút bừa bãi xuống khắp các đô thị miền Nam trong cơn hoảng loạn và quyết tái chiếm các thành phố, đô thị bằng mọi giá. Mặc cho kẻ thù chiếm ưu thế tuyệt đối về quân số cũng như về sức mạnh hỏa lực, các lực lượng vũ trang quân giải phóng vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu và hy sinh anh dũng để làm nên một mùa xuân bất tử của lòng quả cảm, của ý chí dân tộc Việt Nam.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Kỳ tới: Nghi binh Khe Sanh

Trước khi cuộc tổng tấn công và nổi dậy diễn ra  đồng loạt ở các đô thị miền Nam, ta đã nhử quân Mỹ vào chiến trường Khe Sanh để tạo đòn nghi binh, khiến kẻ địch không hiểu đâu là thật, đâu là giả…

Nguồn:phapluattp.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

70 năm tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(https://trangtinphapluat.com – Tư vấn pháp luật) Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *