Sau đợt 1, dù lực lượng chiến đấu và cơ sở trong nội đô bị nhiều tổn thất nhưng vì mục tiêu chính trị cần đạt được.
Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã đề nghị Trung ương mở đợt 2 Tổng tấn công và nổi dậy trong mùa hè năm 1968, nối tiếp đà thắng lợi từ đợt 1.
Quân ta pháo kích và tấn công vào Sài Gòn trong đợt 2 Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)
Năm nay đã 84 tuổi nhưng Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) vẫn nhớ như in những cung bậc cảm xúc mà ông đã trải qua trong mùa xuân lịch sử 1968. Khi đó, ở cương vị cụm trưởng cụm tình báo chiến lược H63, ông có nhiệm vụ phải theo dõi sát sao tình hình chiến trận tại Sài Gòn.“Việt cộng đánh cú này đau quá!”
Ông kể trong thời gian đầu của cuộc Tổng tấn công, các báo cáo ông gửi về căn cứ đều thấm đượm một màu bi quan trước những tổn thất của quân dân ta. Ông như đứt từng khúc ruột khi chứng kiến hình ảnh người nữ bí thư chi bộ Bình Mỹ vừa chôn cất đồng đội vừa nức nở khóc. Nhưng liền sau đó, ông đã có những thay đổi quan trọng trong nhận định, đánh giá về kết quả của trận đánh.
Những ngày cùng điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn đi thăm dò dư luận, thái độ của đối phương ở cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa (VNCH)…, ông nhận thấy đối phương có một sự hoang mang, chán chường tột độ. Họ bàn luận với nhau: “Việt cộng đánh cú này đau quá, rất là thối động. Mà cái đòn này nó sẽ thấm dần cho tới khi mình bị ngã quỵ”. Kết quả của những thăm dò này đều được ông Tư Cang viết báo cáo, gửi về căn cứ.
Cuối tháng 3-1968, trên cơ sở báo cáo từ các chiến trường và tin tức tình báo, sau khi sơ bộ tổng kết, đánh giá tình hình đợt 1, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã đề nghị với trung ương cho mở đợt 2 tổng tấn công và nổi dậy ở chiến trường miền Đông, nối tiếp đà thắng lợi từ đợt 1. Đề nghị này được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua một tháng sau. Trọng điểm của đợt 2 vẫn là chiến trường Sài Gòn-Gia Định. Các hướng phối hợp là Đường 9, Trị-Thiên, Tây Nguyên, Khu V, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Riêng Huế không tổ chức đợt 2 do tình hình khó khăn ở mặt trận này sau đợt 1, dù đã được tăng viện thêm ba sư đoàn chủ lực miền Bắc.
Vượt lên khó khăn
Sau đợt 1 của Mậu Thân, tháng 3-1968, Mỹ triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia nhằm điều chỉnh chiến lược chiến tranh ở Việt Nam. Để tăng cường bảo vệ khu vực thành thị khỏi nguy cơ của những đợt tấn công mới, quân đội Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “quét và giữ”. Tháng 4-1968, Bộ trưởng Quốc phòng mới nhậm chức Clark Clifford chỉ thị cho Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam tiến hành ba biện pháp cấp bách để ngăn chặn nguy cơ từ những cuộc tấn công mới của quân giải phóng. Tình hình chiến trường miền Nam trở nên khốc liệt, căng thẳng hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại chiến trường trọng điểm Sài Gòn.
Với Đại tá Nguyễn Văn Triết, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 9, các trận đánh của tiểu đoàn trong đợt 2 Mậu Thân là một nỗ lực phi thường. Bởi theo ông, sau đợt 1, địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng rất mạnh từ nội thành ra tới bên ngoài. “53 tiểu đoàn của địch quanh Sài Gòn, chưa nói tới phi pháo của nó. Yếu tố bất ngờ không còn, ta vì yêu cầu chính trị phải tấn công vào” – ông Triết nói.
Đại tá Lâm Văn Chắn, nguyên Chính ủy Tiểu đoàn 3 của ông Triết, kể: “Đợt 2, ngay khi tới vùng lốp rồi, suốt ngày bị bom đạn đánh phá, thương vong cả mấy trăm nhưng tất cả anh em vẫn quyết đi theo đơn vị để chiến đấu. Cái khí thế của anh em trong Mậu Thân là chưa từng có!”.
Công tác chuẩn bị cho đợt 2 dẫu khó khăn gấp bội lần nhưng đã được quân dân ta nỗ lực hoàn thành để chuẩn bị cho trận đánh lớn tiếp theo. “Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì lại xảy ra một vụ việc nghiêm trọng. Ngày 19-4, Tám Hà, phó chủ nhiệm chính trị ra đầu hàng địch. Nó khai hết ráo cái ý định mình đánh sao, kỳ này những cái mũi đi như thế nào. Thành ra, Mỹ thả bom B52 sát Sài Gòn, làm cho những khẩu pháo mình chuẩn bị bị dìm trong bùn hết, không còn sử dụng được” – Đại tá Tư Cang nhớ lại.
Nhưng, sau khi cầm trên tay bản khẩu cung của Tám Hà do cụm H63 gửi về cứ, đắn đo, cân nhắc kỹ càng về mọi khả năng, cuối cùng Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn hạ quyết tâm mở đợt 2 của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam.
Tiến công liên tục
Đúng 0 giờ 30 phút ngày 5-5-1968, cả miền Nam lại rung chuyển bởi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy lần thứ hai của quân giải phóng. Trong tuần lễ đầu, 89 thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ, căn cứ địch suốt từ Trị Thiên đến Cà Mau, các tỉnh đồng bằng ven biển đến Tây Nguyên đồng loạt tấn công và nổi dậy.
Tại chiến trường trọng điểm Sài Gòn, khác với đợt 1, các đơn vị bộ đội chủ lực trực tiếp tham gia chiến đấu, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương trên năm hướng đồng loạt thọc sâu, tấn công vào các mục tiêu trong nội thành như sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cầu chữ Y, cụm ra đa Phú Lâm, ngã ba Hàng Xanh, khu vực Bàn Cờ, Vườn Chuối…
Đến ngày 24-5-1968, quân giải phóng tiếp tục cao điểm 2 của cuộc tổng tấn công, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, bến cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa đô chính, Sứ quán Mỹ, tập kích các khu vực Bình Hòa, Hàng Xanh, cầu Phú Định…
Do các đơn vị chủ lực quân giải phóng không thông thuộc địa hình trong thành phố và vũ khí chỉ được trang bị nhẹ nên khi đương đầu với một lực lượng hùng hậu, vũ khí tối tân của Mỹ thì quân số thương vong rất lớn. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Miền đã ra lệnh rút quân. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đợt 2 chính thức kết thúc từ ngày 13-6-1968. Đến tháng 8 và tháng 9-1968, ta tiếp tục mở cuộc tiến công đợt 3…
Huế: 45 năm – một cuộc “chiến tranh tâm lý”
Trong Mậu Thân 1968, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã làm nên chiến công trong 26 ngày đêm giữ thành, được tặng thưởng tám chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, góp phần tạo “cơn địa chấn” của sự kiện Mậu Thân đối với chính quyền Mỹ và chế độ Sài Gòn. Nhưng sự khốc liệt của mặt trận này cũng kéo theo đòn “chiến tranh tâm lý” hết sức cay nghiệt suốt mấy mươi năm sau Mậu Thân 1968. Trong trận này, lính Mỹ đã phải trả một cái giá rất đắt về nhân mạng. Và, cũng chính khối lượng bom đạn khổng lồ mà họ trút xuống để tái chiếm lại thành phố này là nguyên nhân dẫn đến những tổn thất ghê gớm của quân và dân ta. “Tổn thất của xuân 1968 rất lớn, ác liệt một cách khủng khiếp. Xung quanh thành đỏ hết. Bom đạn hai bên đánh nhau đỏ chói, khói ngùn ngụt, nhà cửa bom pháo san bằng hết” – ông Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy TP Huế, nguyên Đội trưởng Đội Công tác chính trị vũ trang quận 1 năm 1968, nhớ lại. Để khỏa lấp thất bại nặng nề tại mặt trận Huế, đồng thời tìm lý do biện minh cho những thiệt hại khủng khiếp về thường dân do những trận bom pháo Mỹ gây ra, Mỹ và chính quyền Sài Gòn dựng lên cái gọi là cuộc thảm sát tại Huế để đổ vấy cho quân giải phóng và từ đó đánh lừa dư luận. GS Noam Chomsky, người có nhiều hoạt động chống lại chiến tranh của Mỹ ở VN và sau này ở Iraq, khẳng định vấn đề thảm sát tại Huế là một sự bịp bợm. “Đó là những thường dân bị chết do những trận bom pháo Mỹ san bằng TP Huế. Rồi sau đó khi Mỹ và VNCH phản kích trả thù lại thời kỳ hậu Mậu Thân cũng giết chóc rất nhiều. Thứ nữa là lực lượng quân giải phóng đã hy sinh trong lúc chiến đấu. Tất cả đều là người Việt với nhau và họ gộp vô hết. Tất cả cái đó họ dựng thành một vụ thảm sát tưởng tượng” – GS Noam Chomsky khẳng định. |
Đạo diễn LÊ PHONG LAN
Kỳ tới: Mỹ không còn đường lựa chọn
Dù còn có nhiều điều tranh luận, song không thể phủ nhận một sự thật lịch sử hiển nhiên: Nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có Hiệp định Paris 1973, từ đó, đi đến kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và thống nhất đất nước năm 1975.
Nguồn:phapluattp.vn