1. Trưởng phòng điều vận đầu máy xe lửa, lão già Miskin, gọi cô nhân viên đánh máy chữ Nina Riadnova vào phòng làm việc của mình và chìa ra hai tập tài liệu, bảo cô đánh máy lại sạch sẽ.
Khi Miskin trao hai tập giấy cho Nina, ông ngó cô chằm chằm; nhờ ánh dương quang, lần đầu tiên ông mới được trông thấy cô thật rõ ràng.
Trước mặt ông là một cô gái tầm thước, phổng phao, ngực cao vổng. Gương mặt xinh đẹp trắng hồng của cô toát ra vẻ thản nhiên, chỉ trong đôi mắt mới thỉnh thoảng ánh lên những đốm lửa màu xanh sẫm.
Miskin bước đến gần sát bên cô và nói:
– Thế này, nhờ cô… đánh máy mấy tờ giấy này. Tôi không làm phiền cô chứ?
– Tại sao ạ? – Nina hơi ngạc nhiên. – Cháu được trả lương là để làm việc ấy mà.
– Thế, thế… lương. Đúng vậy, lương. Cô đánh máy có đau ngực không? Thật đáng buồn để bộ ngực đẹp như thế kia lại bỗng nhiên bị đau.
– Ngực cháu không bị đau gì cả.
– Tôi rất mừng. Cô có lạnh không?
– Tại sao cháu lại có thể lạnh được ạ?
– Áo ngoài của cô mỏng và trong suốt thế này… Kìa, đấy, nhìn rõ cả cánh tay. Đôi tay cô đẹp quá. Cơ trên tay cô có săn chắc không?
– Để tay tôi được yên!
– Cưng… một phút nào… khoan… Sao lại giằng ra thế? Để anh xem, tay áo mỏng quá…
– Sao ông dám! Bỏ tay ra… Tôi đau… Đồ đểu!
Nina Riadnova vùng ra khỏi đôi tay gân guốc của lão già Miskin, chạy vào gian phòng lớn, nơi những nhân viên khác của phòng điều vận đang làm việc.
Tóc cô bị xô lệch sang bên, tay trái cô, chỗ phía trên khuỷu, đau âm ỉ, khó chịu.
– Đồ mất dạy, – Nina rủa thầm. – Ta sẽ không bỏ qua chuyện này đâu!
Cô đậy vỏ lên chiếc máy chữ, mặc áo khoác ngoài, rời khỏi nơi làm việc; khi đã ra ngoài phố, cô dừng lại trên vỉa hè, ngẫm nghĩ: “Mình phải đến gặp ai nhỉ? Đến luật sư vậy”.
2. Luật sư Iazưtrnicov ngay lập tức tiếp Nina và nghe cô kể rất chăm chú.
– Đểu đến thế là cùng! Mà lại già nữa kia đấy! Bây giờ cô muốn gì? – luật sư Iazưtrnicov dịu dàng hỏi cô.
– Có thể tống lão đi Xibiri được không? – Nina hỏi.
– Xibiri thì không được… Nhưng khởi kiện bắt hắn ta phải chịu trách nhiệm nói chung thì được.
– Thì anh khởi kiện đi.
– Cô có nhân chứng không?
– Tôi là nhân chứng đây! – Nina đáp ngay.
– Không được, cô là người bị hại. Nếu như không có nhân chứng thì cô có dấu vết xâm hại nào không?
– Tất nhiên là có. Lão ta xâm hại tôi rất thô bỉ. Bóp chặt lấy tay tôi. Có lẽ bây giờ vẫn còn vết tím bầm.
Luật sư Iazưtrnicov trầm ngâm, nhìn bộ ngực lộng lẫy của Nina, nhìn cặp môi đẹp và đôi má ửng hồng – một giọt nước mắt nhỏ trào ra và chảy dài bên má của cô gái.
– Cho tôi xem tay nào, – luật sư nói.
– Ở chỗ này, trong áo ấy.
– Nhưng phải cởi áo ra.
– Nhưng anh không phải bác sĩ, mà là luật sư, – Nina ngạc nhiên.
– Điều đó không có ý nghĩa gì hết. Chức năng bác sĩ và chức năng luật sư gần nhau đến mức nhiều khi chúng hòa lẫn vào với nhau. Cô có biết bằng chứng ngoại phạm là gì không?
– Không, tôi không biết.
– Ấy thế đấy. Để xác định tội phạm, tôi trước hết cần phải xác định bằng chứng ngoại phạm của cô. Cởi áo ra.
Nina đỏ mặt, thở dài, vụng về tháo mấy cái móc khuy áo và kéo một bên vai áo xuống.
Luật sư giúp cô cởi áo. Khi cánh tay mềm mại trắng hồng của Nina lộ ra với một chỗ lõm nhỏ nơi khuỷu, luật sư đưa mấy ngón tay sờ lên chỗ có vết đỏ gần bờ vai trắng hồng và lịch thiệp nói:
– Xin lỗi, tôi cần phải xác nhận bằng chứng. Giơ tay lên. Thế, cái gì đây? Ngực à?
– Đừng động vào tôi! – Nina hét lên. – Làm sao anh dám?!
Run rẩy toàn thân, cô chụp vội lấy tay áo khoác và vội vã mặc vào.
– Gì mà cô giận dữ thế? Tôi còn cần phải xác định để loại bỏ khả năng kháng kiện…
– Anh là đồ mất dạy! – Nina cắt ngang, dập mạnh cửa, bước ra khỏi phòng.
Bước đi ngoài phố, cô thầm nhủ:
– Mình đến gặp luật sư để làm gì nhỉ? Đáng ra mình cần đến gặp bác sĩ xin giấy chứng nhận về việc xâm hại thô bỉ này mới phải.
3. Bác sĩ Dubiago là một người đàn ông đứng tuổi đạo mạo.
Ông tỏ vẻ hết sức thông cảm với Nina, lắng nghe cô kể, chửi rủa lão trưởng phòng điều vận và gã luật sư, rồi nói:
– Cởi đồ ra.
Nina cởi áo ngoài, nhưng bác sĩ Dubiago xoa tay bằng một động tác rất chuyên nghiệp và nói:
– Cô, thế này, cởi hết ra…
– Hết là thế nào? – Nina bùng lên. – Lão ta túm lấy tay tôi. Tôi chỉ cho ông xem tay thôi.
Bác sĩ ngắm nghía thân hình Nina, bờ vai trắng như sữa của cô, và dang hai tay ra.
– Dù sao thì cô cũng phải cởi hết… Tôi cần phải có một cái nhìn tổng thể về cô. Xin lỗi, để tôi giúp cô.
Ông cúi xuống bên Nina, khám phá cô bằng đôi mắt cận thị, nhưng chỉ một phút sau cái vung tay của Nina đã đánh văng khỏi mũi ông cặp kính cận, khiến bác sĩ Dubiago nhất thời mất đi không chỉ khả năng có một cái nhìn tổng thể, mà cả cái nhìn bình thường cũng không thể có.
– Để tôi yên.. Lạy Chúa! Tất cả đàn ông đều đểu.
4. Rời khỏi nhà bác sĩ Dubiago, Nina toàn thân run rẩy vì giận dữ và phẫn nộ.
“Đấy – những người bạn của loài người đấy! Những con người trí thức đấy!… Không, cần phải vạch mặt, phanh phui, tố giác tất cả cái lũ đểu giả mang mặt nạ đạo đức này”.
Nina đi loanh quanh trên các hè phố một hồi, bình tĩnh lại ít nhiều, rồi quyết định đến gặp nhà báo Gromov, – một nhân vật tên tuổi, có tiếng là đàng hoàng, trung thực, không thể mua chuộc được, một tuần từ hai đến ba lần thẳng tay vạch mặt sự dối trá.
Nhà báo Gromov thoạt đầu tiếp Nina không được niềm nở cho lắm; nhưng sau khi nghe xong câu chuyện của cô, anh đã tỏ vẻ cảm thông với những phiêu lưu bất hạnh của cô.
– Cha cha! – anh cười cay đắng. – Thấy chưa, những con người tốt đẹp có trách nhiệm chữa trị vết thương và giảm nhẹ đau đớn cho loài người đau khổ! Thấy chưa những kẻ bảo vệ nhân dân bị áp bức và lăng nhục, những đại diện cho chân lý công bằng! Họ đã bị rơi mặt nạ văn hóa ngay trong lần đụng chạm vớ vẩn nhất với cuộc sống. Một lũ man rợ, đến tận giờ vẫn sống bằng xác thịt… Cha – cha! Ta biết họ mà.
– Có phải cởi áo ra không ạ? – Nina rụt rè hỏi.
– Cởi áo? Cởi để làm gì? Mà… cũng có thể cởi ra. Thử xem những cái dấu vết… hừm… của văn hóa.
Nhìn thấy cánh tay trần và khoảng vai của Nina, Gromov nheo mắt lắc đầu:
– Nhưng mà… tay của cô em… chẳng lẽ có thể đem trưng những hiện vật như thế này ra để quyến rũ nhân loại ư? Mặc vào đi. Hay là… không… gượm đã… Có mùi thơm gì thế này? Thế nào, nếu như tôi hôn vào cánh tay này, vào đây, ở khuỷu… Chà, hừm… chắc cô em cũng đồng ý rằng cô em chẳng thiệt hại gì, mà tôi lại có được một cảm giác thú vị mới mẻ để…
Gromov không có dịp được hưởng cái cảm giác thú vị đó. Nina kiên quyết từ chối nụ hôn; cô khoác lại áo vào và bỏ đi.
Về đến nhà, cô cười trong nước mắt.
“Lạy Chúa tôi, đàn ông rặt một lũ đểu cáng và ngu ngốc!”.
5. Buổi tối, Nina ngồi khóc trong phòng.
Rồi bởi vì rất muốn chia sẻ nỗi đau khổ của mình với một ai đó, cô thay áo và đi sang phòng chàng sinh viên tự nhiên học Ikhnevmonov sống bên cạnh trong cùng khu chung cư.
Ikhnevmonov suốt ngày đêm chỉ ôm lấy đống sách, bao giờ người ta cũng trông thấy anh cúi sát khuôn mặt đẹp, xanh xao trên những trang sách in, vì vậy Nina gọi đùa anh là ngài giáo sư.
Khi Nina bước vào, Ikhnevmonov ngước đầu lên khỏi trang sách, hất tóc ra sau và nói:
– Chào cô Nina! Nếu cô nàng muốn uống chè, thì chè và giăm bông ở kia. Còn Ikhnevmonov phải đọc nốt chương này đã.
– Hôm nay em bị làm nhục, anh Ikhnevmonov ạ, – vừa ngồi xuống Nina vừa nói.
– Sao?.. Ai?
– Một luật sư, một bác sĩ, một lão già. Toàn bọn đểu!
– Người ta làm nhục bạn như thế nào?
– Một người bóp tay đến bầm tím, còn bọn khác thì dòm ngó và cứ bám riết lấy…
– Thế… – Ikhnemonov lật trang sách, nói. – Thiệt quá đáng.
– Tay vẫn đau, khó chịu, – Nina than vãn.
– Một lũ đê tiện! Bạn uống trà đi!
– Có lẽ, – Nina buồn rầu mỉm cười, – cả anh cũng muốn xem tay em như mấy người kia?
– Xem để làm gì? – chàng sinh viên mỉm cười. – Có vết bầm – bạn nói tôi tin rồi mà.
Nina uống trà. Ikhnemonov giở từng trang sách.
– Đến tận giờ cánh tay vẫn rát, – Nina lại than thở. – Có phải đắp thuốc không anh nhỉ?
– Tôi không biết.
– Hay là để anh xem tay? Em biết anh không như những người khác, em tin anh.
Ikhnevmonov nhún vai.
– Làm phiền bạn làm gì?… Nếu tôi là thầy thuốc thì tôi đã giúp bạn rồi. Nhưng tôi học tự nhiên…
Nina cắn môi, đứng dậy và khẩn khoản:
– Nhưng dù sao anh cũng nhìn qua một tí.
– Thì nào, đưa tay bạn đây… Đừng lo… bạn chỉ tuột áo khỏi vai… thế… Đây à?.. Hừm. Đúng là vết bầm. Cái lũ đàn ông này. Nhưng nó sẽ chóng khỏi thôi.
Ikhnemonov lắc đầu đầy thông cảm và lại ngồi xuống chúi đầu vào quyển sách.
Nina ngồi im lặng, làn da trên vai màu sữa sáng đục lên dưới ánh đèn vàng vọt.
– Bạn khoác áo vào đi, – Ikhnemonov nói. – ở đây lạnh lắm.
Tim Nina thắt lại.
– Lão lại còn véo chân em nữa, – Nina bất ngờ nói sau một hồi im lặng.
– Cái đồ đốn mạt! – Chàng sinh viên lắc đầu.
– Chỉ anh xem nhé?
Nina cắn môi và muốn kéo váy lên, nhưng chàng sinh viên đứng dậy nói:
– Để làm gì? Bạn lại phải cởi cả tất, mà ở đây gió lùa lạnh lắm. Bạn sẽ cảm mất thôi, chẳng hay ho gì. Tôi có biết mô tê gì về y học cả đâu, như trong dân gian người ta vẫn nói ấy. Bạn uống trà đi.
Chàng lại vùi đầu vào sách. Nina ngồi thêm một lúc, thở dài và lắc đầu:
– Thôi em về đây. Không thì nói chuyện làm anh mất tập trung công việc.
– Không sao đâu, – Ikhnevmonov nói, bắt tay Nina thật chặt khi tiễn cô ra cửa.
Bước vào phòng mình, Nina thả người xuống giường. Và, khép mi mắt lại, một lần nữa cô thì thầm:
– Tất cả đàn ông đều đểu!
Arkadi Avertrenko, Đoàn Tử Huyến dịch từ nguyên tác tiếng NgaNguồn:saga.vn