Tin mới

Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 05/11 đến – 11/11/2018

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu tới bạn đọc các văn bản pháp luật được ban hành từ ngày 05/11.2018 đến 11/11/2018, như: về quy chế dân chủ ở cơ sở; chính sách tiền lương đối với lao động nữ nghỉ hưu, thủ tục hành chính lĩnh vực kế hoạch đầu tư, chấn chỉnh sử dụng ngân sách…

  1. Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT

Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực 01/01/2019, theo đó:

Người sử dụng lao động phải công khai 07 nội dung sau:

– Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

– Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);

– Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

– Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh;

Doanh nghiệp phải công khai đóng bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp phải công khai đóng bảo hiểm xã hội

– Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

– Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia;

– Nghị quyết Hội nghị người lao động.

  1. Chính sách lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021

Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP  Quy định chính sách điều chỉnh lương hưuđối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, có hiệu lực từ ngày 24/12/2018, theo đó:

Chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021
Chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021

Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014cộng với mức điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 153/2018/NĐ-CP.

  1. Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin và truyền thông

Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, có hiệu lực 24/12/2018, theo đó:

Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản. Theo đó, thay vì quy định cụ thể điều kiện trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên, Nghị định 150 chỉ quy định, trụ sở của nhà xuất bản có diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc.

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin và truyền thông
Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin và truyền thông

Nghị định số 150/2018/NĐ-CP cũng đơn giản hóa điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện về thiết bị, công nghệ để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được sửa đổi như sau: Có máy chủ đặt tại Việt Nam; có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử…

  1. Sửa đổi điều kiện kinh doanh 5 lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính

Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có hiệu lực 07/11/2018, theo đó: Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh trong 5 lĩnh vực gồm: 1- Kế toán, kiểm toán; 2- Xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, casino, đặt cược, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện; 3- Kinh doanh bảo hiểm; 4- Thẩm định giá; 5- Kinh doanh chứng khoán.

  1. Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao

Ngày 07/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2018/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, có hiệu lực 24/12/2018.

Nghị định 152 quy định rõ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

  1. Chấn chỉnh kỷ luật chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước

Ngày 08/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 31/2018/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chỉ thị nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước đúng thời hạn, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định; đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ/dự án quan trọng, cấp bách và chủ động bố trí kinh phí để hoàn trả kinh phí đã ứng trước, xử lý nợ đọng theo quy định.

Chấn chỉnh sử dụng ngân sách nhà nước
Chấn chỉnh sử dụng ngân sách nhà nước

Điều hành, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, giảm số chi chuyển nguồn sang năm sau. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản.

Nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định.

  1. Hướng dẫn các tội vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 5/11/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết này hướng dẫn như sau:

– Hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm từ 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 234 hoặc Điều 244;

– Hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01/01/2018 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trừ khi tàng trữ nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.

– Hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu.

8. Thủ tục hành chính mới trên lĩnh vực kế hoạch đầu tư

Ngày 07/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 3364/QĐ-UBND Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, theo đó có 181 thủ tục hành chính, cụ thể cấp tỉnh 156 thủ tục, cấp huyện 25 thủ tục.

Quyết định 3364/QĐ-UBND thay thế cho Quyết định 1753/QĐ-UBND ngày 19/5/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa  thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

9 .Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

          Ngày 06/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về  tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện công chứng theo đề nghị của các tổ chức hành nghề công chứng, công chức viên theo đúng quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

Một số quy tắc khi tham gia giao thông cần biết

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *