Hiệp định Paris – dấu son lịch sử – Bài 4: Giành lấy chìa khóa hòa bình

Hẳn nhiên Hiệp định Paris đã mở cánh cửa hòa bình cho Việt Nam. Nhưng để có được chiếc chìa khóa này, dân tộc ta đã đổ biết bao máu xương để giành lấy nó…

 

Với những thành viên trong hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT CHMNVN) tham dự hội nghị Paris, thời điểm cuối năm 1972 trôi qua với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tháng 10-1972, tia hy vọng đã lóe lên sau bốn năm thương lượng trong bế tắc. Sau những cuộc gặp riêng bí mật giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, bản dự thảo hiệp định với những điều khoản có lợi cho ta đã được hai bên thống nhất và dự định sẽ ký tắt vào ngày 19-10, ký chính thức vào ngày 26-10-1972. Nhưng…

Bắn hạ hàng loạt “pháo đài bay” B52

Sau khi Richard Nixon tái đắc cử tổng thống, sự hy vọng chuyển thành thất vọng lớn. Phía Mỹ đòi thương lượng lại những điều khoản then chốt trong bản dự thảo hiệp định. Đàm phán lại đi vào bế tắc. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ – thành viên phái đoàn VNDCCH tại Paris, nhớ lại: “Chưa bao giờ cái tâm trạng trong đoàn nó uất ức, căm phẫn đến như thế. Anh Xuân Thủy tổ chức họp báo. Anh trả lời với các nhà báo rất chặt chẽ, rằng “tất cả tội ác không thể đổ cho Sài Gòn được. Đây là Mỹ không chịu ký, Mỹ không thành thật ký với chúng tôi. Mỹ đã không giữ lời hứa”. Chưa bao giờ anh Xuân Thủy lên án Mỹ mạnh mẽ như thế”.

Giữa lúc cố vấn Lê Đức Thọ lên đường trở về Hà Nội để báo cáo tình hình với Bộ Chính trị, Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch Linebacker II, với quyết tâm dùng B52 hủy diệt miền Bắc, hòng bắt ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán. Chiến dịch kéo dài từ ngày 18 đến 30-12-1972. Mỹ đã sử dụng đến 741 lượt B52 với sự hỗ trợ của 3.920 lượt máy bay chiến thuật, đã ném tổng cộng hơn 36.000 tấn bom hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…, trở thành một trong những cuộc không kích dữ dội nhất, với cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đang đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử. Ảnh: TƯ LIỆU

Không khuất phục trước sức mạnh và sự tàn bạo của không quân Mỹ, quân dân miền Bắc đã kiên cường chiến đấu trong “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động cả thế giới.

Cuối cùng, “thần tượng B52” – pháo đài bay bất khả xâm phạm của Mỹ bị sụp đổ, khi vấp phải sự phản kích dữ dội của hệ thống phòng không mưu trí, sáng tạo của bộ đội ta. Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52 (*).

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của CPCMLT CHMNVN tại Paris, nói trước đó tất cả thành viên trong đoàn đều cảm thấy lo lắng, bạn bè các nước cũng lo lắng thay ta. “Nhưng sau khi nghe tin ta hạ được máy bay B52 thì ai nấy đều rất phấn khởi” – bà Bình nhớ lại.

Bản hiệp định lịch sử được ký kết

Sau chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam, Mỹ đề nghị nối lại các cuộc đàm phán mà họ đã đơn phương chấm dứt trước đây. Trong ký ức của ông Nguyễn Khắc Huỳnh, cuộc họp ngày 8-1-1973 khá đặc biệt, vì gần như toàn bộ thời gian cố vấn Lê Đức Thọ dành để lên án gay gắt tội ác của Mỹ. “Ngày mùng 9-1 là ngày chúng tôi vui nhất vì là ngày cơ bản kết thúc việc thương lượng. Hai bên đã thỏa thuận mọi điều khoản” – ông Huỳnh nói.

Ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger đặt bút ký tắt vào văn bản hiệp định. Đến ngày 27-1-1973, bốn bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH), Nguyễn Thị Bình (CHMNVN), William P. Rogers (Mỹ) và Trần Văn Lắm (VNCH) đã đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris, sau bốn năm tám tháng 16 ngày đàm phán với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc gặp riêng.

Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) đang ký vào Hiệp định Paris. Ảnh: TƯ LIỆU

Bà Nguyễn Thị Bình nhìn nhận: “Chúng ta khi ký Hiệp định Paris là đã biết thắng lợi. Nhưng mà thắng lợi như thế nào, mức độ nào còn là vấn đề. Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, tương quan lực lượng đã thiên về ta rồi thì nay sẽ càng nghiêng hơn. Cái đó chúng ta chắc chắn. Cho nên chúng ta mới chấp nhận ở trong hiệp định điều căn bản là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi Việt Nam. Còn vấn đề chính trị, chúng ta gác lại”.

Còn ông Vũ Dương Huân, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao – Bộ Ngoại giao, thì nhận định: “Hiệp định Paris được ký kết còn chứng minh một điều là: công lý, chân lý sẽ thắng. Nước Việt Nam tuy nhỏ bé, lạc hậu nhưng cũng có thể thắng Mỹ, có thể chiến thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn. Cái chiến thắng của Hiệp định Paris nó thúc đẩy hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà”.

Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Genève”.

Như vậy cuối cùng Mỹ đã buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà họ đã trì hoãn gần 20 năm, khi từ chối ký biên bản thực thi Hiệp định Genève.

Hai hiệp định, cùng một mục đích, có khác chăng là nó cách nhau gần 20 năm và đã được đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam. Và một điểm khác biệt rõ ràng nữa: Hiệp định Genève được các nước lớn thỏa thuận “trên lưng” chúng ta và Việt Nam buộc phải chấp nhận trong bối cảnh không thể khác; còn Hiệp định Paris do chính chúng ta thương lượng và quyết định về tương lai của dân tộc mình.

Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam

Thành công của hội nghị Paris có sự đóng góp rất lớn của dư luận thế giới, của nhân dân Pháp và cả nhân dân Mỹ. Cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ của nhân dân Việt Nam đã góp phần thức tỉnh lý tưởng đấu tranh vì hòa bình và công lý của nhân dân thế giới. Phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã phát triển sâu rộng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đặc biệt là phong trào phản chiến dữ dội ở Mỹ đã có những tác động đến chính sách của chính quyền Mỹ. Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng chúng ta phải biết ơn bạn bè thế giới đã đứng về phía ta trong những năm tháng sôi động đó.

Những tháng ngày đấu tranh ngoại giao tại Paris, hai phái đoàn ta đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phong trào kiều bào ở Pháp. Không chỉ ủng hộ về mặt tinh thần, kiều bào còn tham gia tổ chức, hướng dẫn và giúp đỡ phái đoàn ta trong những cuộc mít tinh, tiếp xúc dư luận. Từ những người nấu ăn đến những người lái xe, phiên dịch cho tới tất cả những công việc mà kiều bào có thể đảm nhận được. Họ đồng thời cũng trở thành những “vệ tinh” tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm của phái đoàn ta, những thông tin về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta.

Với bà Bạch Vân, từng là Việt kiều ở Pháp thời điểm diễn ra hội nghị Paris, đó là một hồi ức đẹp về những tháng ngày hoạt động sôi nổi và nhiều ý nghĩa. Ngoài việc học, bà dành gần như toàn bộ thời gian của mình để hoạt động hỗ trợ cho phái đoàn ta, từ thu thập ý kiến dư luận Pháp, biểu diễn văn nghệ, theo phái đoàn tổ chức mít tinh đến quyên góp tài chính, vận động, tuyên truyền… Nhiều kiều bào ở nước Đức xa xôi cũng lặn lội lái xe trong đêm để đến Paris dự mít tinh của phái đoàn ta rồi sau đó lại vội vã vượt hàng trăm cây số để về cho kịp giờ làm hôm sau.

Chính nhờ có sự hậu thuẫn và ủng hộ to lớn của kiều bào và nhân dân tiến bộ trên thế giới, hai phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

(*) Theo bài viết “Trận Điện Biên Phủ trên không” trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14-12-2004 thì số B52 bị ta bắn rơi là 34. Nhưng theo báo Quân Đội Nhân Dân (bài “Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên phủ trên không” ngày 19-12-2010) thì con số này là 23.

Kỳ tới: Người từ chối Nobel Hòa bình

Có nhiều giai thoại thú vị về cố vấn Lê Đức Thọ khi ông đối đầu với cố vấn Henry Kissinger trong đàm phán Paris. Khi được chọn trao Nobel Hòa bình (cùng với Kissinger), ông Lê Đức Thọ đã không nhận vì “hòa bình vẫn chưa lập lại trên đất nước Việt Nam, ngay cả khi Hiệp định Paris đã được ký kết”.

Nguồn:phapluattp.vn

About admin

Bài viết liên quan

Đoàn thanh niên xã Tam Đại thực hiện các phần việc trong xây dựng mô hình dân vận khéo năm 2024

Năm 2024 Đoàn thanh niên xã đăng ký mô hình dân vận khéo cải tạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *