Mậu Thân 1968 – 45 năm nhìn lại – Bài 3: Nghi binh Khe Sanh

Mặt trận Khe Sanh năm 1968 là nơi diễn ra cuộc đấu trí, đấu sức vô cùng ngoạn mục và gay cấn mà mục đích thật sự của trận đánh này đến 45 năm sau vẫn còn là điều bí ẩn với giới nghiên cứu và học giả Mỹ…

Với suy nghĩ Khe Sanh là danh dự nên Hoa Kỳ đã đổ xô quân vào đây đúng như kế hoạch nghi binh của ta. Trong ảnh: Quân ta pháo kích vào hầm chứa đạn tại căn cứ Mỹ ở Khe Sanh năm 1968. Ảnh: kingsacademy.com

Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi heo hút phía tây Quảng Trị, được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Năm 1966, tại khu vực nam vĩ tuyến 17 đến đường 9-Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng tuyến phòng thủ vô hình, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Với tham vọng ngăn chặn quân ta xâm nhập từ miền Bắc vào hoặc từ Lào sang, Mỹ coi đây là bàn đạp để cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của ta.

Tương kế tựu kế

Vào thời điểm đầu năm 1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện trận quyết chiến chiến lược như “một Điện Biên Phủ khác” ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến, Mỹ tin rằng với sự từ bỏ địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng và đô thị. Và trên hết, kế hoạch nghi binh hoàn hảo và sự chuyển hướng chiến lược đầy bất ngờ, táo bạo của quân giải phóng đã khiến Mỹ không thể ngờ.

Cố Trung tướng Nguyễn Đình Ước đã từng hỏi Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng rằng: “Ta có đánh Khe Sanh như Điện Biên Phủ không?”.Và ông nhận được câu trả lời: “Trận này rất khác với Điện Biên Phủ. Nếu chúng ta đánh Khe Sanh thì tất sẽ bị thương vong rất lớn vì quân Mỹ cơ động, lại có bom đạn nhiều. Nếu thất bại, họ có thể dùng đến cả bom nguyên tử chiến thuật”.

Về phía Mỹ, với hệ thống phòng ngự dày đặc và hỏa lực cực mạnh, Khe Sanh được kỳ vọng là thỏi nam châm hút quân giải phóng vào một thế trận “Điện Biên Phủ đảo ngược”, theo đúng kịch bản chiến tranh quy ước kiểu Mỹ. “Cái từ Điện Biên Phủ xuất hiện trong tư duy của phía Mỹ mà Cục II (tình báo) báo cáo lại chính là một gợi ý để chúng ta tương kế tựu kế thực hiện một “Điện Biên Phủ giả vờ” để lừa đối phương, ghìm chặt Mỹ ở chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho đòn tấn công vào các đô thị. Vì vậy sau này phía Mỹ và phương Tây cho rằng Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh” – PGS-TS-Đại tá Hồ Khang chia sẻ.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), trong các báo cáo do điệp viên Phạm Xuân Ẩn chuyển về, từ cấp chỉ huy cho đến viên đại sứ Mỹ, tất cả đều tin rằng quân giải phóng không đủ sức tấn công vào các thành phố, đô thị mà đó chỉ là “đòn nghi binh”. Theo Mỹ, chiến trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh. “Trung ương Cục miền Nam còn làm bộ để rơi những tài liệu vào tay Mỹ để họ tin rằng mình sẽ đánh mạnh trên vùng giới tuyến, nhất là Khe Sanh” – ông Tư Cang nói.

Tâm điểm chú ý của nước Mỹ

Ngày 20-1-1968, 10 ngày trước giờ G của cuộc tổng tấn công và nổi dậy, chiến dịch nghi binh Khe Sanh chính thức mở màn bằng trận đánh quyết liệt trên đồi 881-Nam. Đến 5 giờ 30 sáng 21-1, pháo của quân đội ta đồng loạt pháo kích vào căn cứ Khe Sanh. Ngày thứ hai, kho đạn chính của quân đội Mỹ với sức chứa 1.500 tấn đạn pháo đã bị phá hủy hoàn toàn.

Nhớ lại khoảng thời gian 170 ngày đêm bị vây hãm tại Khe Sanh, trò chuyện với chúng tôi mới đây, cựu binh John Scott Jones vẫn không thôi bị ám ảnh: “Chúng tôi đã ở dưới những căn hầm trú ẩn nhỏ, có rất nhiều bom đạn thả xuống, rất nhiều người chết và bị thương. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Chúng tôi không có nước uống và thiếu lương thực trầm trọng, chỉ cố gắng cầm cự để mong sống sót”.

Bằng những nguồn sử liệu xác thực, nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow kể: “Tổng thống Lyndon Johnson và Washington đã nghĩ rằng Khe Sanh là một Điện Biên Phủ nữa. Và họ đã làm cả sa bàn Khe Sanh ở Washington. Thậm chí, họ còn yêu cầu tướng Westmoreland – Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam – phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh vì đó là danh dự của nước Mỹ”.

Và rồi trong nỗ lực bảo vệ Khe Sanh bằng mọi giá, Mỹ đã thực hiện chiến dịch Niagara II ném bom rải thảm với hơn 100.000 tấn bom, cày nát 32 kmchiến trường với mức độ ác liệt và tàn khốc chưa từng có.

Khi cuộc pháo kích lên đến đỉnh điểm, lính Mỹ hồi hộp chờ đợi một cuộc tấn công ồ ạt của quân giải phóng vào căn cứ Khe Sanh. Cựu binh Mỹ John Scott Jones nhớ lại: “Chúng tôi nhận ra rằng họ – quân giải phóng – có kế hoạch tràn qua. Vì vậy, từng đêm từng ngày trôi qua, chúng tôi chờ đợi để chứng kiến điều đó, để chiến đấu một trận sinh tử…”.

Thế nhưng cuộc tấn công mà phía Mỹ hồi hộp chờ đợi đã không xảy ra.

Thay vào đó, quân ta lại tổ chức tấn công và tiêu diệt ở quận lỵ Hướng Hóa, cụm cứ điểm Huội San, Làng Vây và gia tăng sức ép khu vực sân bay Tà Cơn, từ đó siết chặt vòng vây lại. Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của nước Mỹ thì các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt đầu…

Phải giam chân Mỹ ở Khe Sanh

Với Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 304, người đã mất con mắt bên trái tại chiến trường Khe Sanh và phải trải qua cuộc phẫu thuật nhớ đời vì không có thuốc gây mê khi mới bước qua tuổi 18 thì ký ức của những ngày đầu xuân 1968 không thể nào quên. Ông kể: “Với một khối lượng bom đạn ác liệt và dữ dội như thế, việc sống sót của những người lính quân giải phóng như ông là một điều kỳ lạ, phi thường. Bằng mọi giá phải giam chân lực lượng cơ động Mỹ, tiêu hao sinh lực địch ở Khe Sanh. Cái đấy nó thấm nhuần đến từng người chiến sĩ. Một đại đội 120-150 người, chỉ trong vài tuần mà còn lại có 30, thậm chí 10-15 người. Nói như thế để thấy cuộc chiến ác liệt đến nhường nào, cái quyết tâm của ta cao đến chừng nào”.

Sai lầm chiến lược của Mỹ

Trong khi các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng vào Xuân Mậu Thân 1968, mặt trận Khe Sanh tiếp tục đánh lớn để phối hợp với các hướng chiến trường chính.

Ngày 1-4-1968, phía Mỹ và quân đội Sài Gòn tổ chức cuộc hành quân Pegasus – Lam Sơn 207 để giải vây cho Khe Sanh. Cuộc hành quân này đã bị ta đánh chặn, làm tiêu hao sinh lực nặng. Đến ngày 6-4, lực lượng này mới mở đường máu đến từ hướng đông sân bay Tà Cơn. Tháng 5-1968, Mỹ mở tiếp cuộc hành quân giải vây đợt hai mang tên Scotland II hòng kéo giãn đội hình vây lấn của quân ta. Nhưng rồi họ phải chịu thất bại. Ngày 26-6, quân Mỹ được lệnh rút khỏi Khe Sanh và phá hủy căn cứ này. Đến ngày 25-7-1968, Mỹ hoàn tất việc rút lui khỏi mặt trận đường 9-Khe Sanh.

Sai lầm về chiến lược của tướng Westmoreland ở Khe Sanh đã khiến quân đội Mỹ phải trả giá đắt. Không kể những tổn thất về con người, đó còn là danh dự của nước Mỹ và niềm tin của công chúng Mỹ đối với chính quyền Johnson. Cố Trung tướng Nguyễn Đình Ước từng nhận định: “Người ta (công chúng Mỹ – NV) xôn xao lên. Rõ ràng chuyện nói Khe Sanh là một Điện Biên Phủ rồi đổ xô vào đó là một sai lầm về chỉ đạo chiến lược, không thể nào che đậy được công chúng Mỹ”.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Kỳ tới: Đòn tấn công bất ngờ, táo bạo

“Cuộc chiến Việt Nam có quá nhiều bất ngờ nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt bằng trận tấn công Mậu Thân”. Trong cuốn Việt Nam – Cuộc chiến mười ngàn ngày, Michael Maclear đã thốt lên như thế. Mậu Thân 1968 được xem là một thất bại tình báo Mỹ sánh ngang với thất bại của trận Trân Châu Cảng và trận Ardennes trong thế chiến thứ hai.

Nguồn:phapluattp.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

70 năm tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(https://trangtinphapluat.com – Tư vấn pháp luật) Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *