PHÚ NINH: MỘT THỜI VÀ MÃI MÃI * Bài IV: Đời thường của những “kiện tướng”

Photobucket
Kiện tướng một thời Võ Mau cùng vợ bên mâm cơm và căn nhà chắp vá
do ông tự tay xây dựng nên.

(Cadn.com.vn) – Trong số hàng ngàn người tham gia thi công CTĐTNPN ngày ấy, có nhiều người cho đến nay vẫn sống một cuộc đời khốn khó. Trong số đó, có người từng được phong kiện tướng…

Sau một hồi loanh quanh dò hỏi, cuối cùng, tôi cũng tìm được nhà ông Võ Mau (58 tuổi) trú thôn Đại An, Tam Đại (Phú Ninh, Quảng Nam). Ông đang cùng vợ ngồi bệt trên nền nhà ăn cơm, mồ hôi chảy đầm đìa, nhỏ thó, gầy đen.  Nếu không có tấm hình trong CMND do vợ ông đưa cho xem, tôi không thể nào tin ông chưa tròn 60 tuổi. Vợ ông nói thêm: “Tuổi thực tế của ổng là tuổi con ngựa (1954), nhưng trên giấy tờ là 1958. Tuổi mô thì ổng cũng chưa đến 60”. Nhìn vào mâm cơm bày biện trên nền nhà lán bằng xi-măng chỗ lồi, chỗ lõm, tôi nghe sóng mũi mình cay cay. Gượng gạo trước mâm cơm quá đỗi tuềnh toàng, nhưng với bản tính hiếu khách, ông vẫn bảo vợ ra phía sau nhà lấy thêm bát mời tôi dùng bữa… Một người hàng xóm đi ngang qua, thấy nhà ông có khách liền ghé vào chơi. Khi thấy tôi đăm chiêu ngắm nhìn tường nhà xây bằng gạch chưa tô vữa, chỗ thụt vô, chỗ lồi ra không theo trật tự nào, người hàng xóm tặc lưỡi: “Nhà này, ổng tự xây đó cô. Trước kia, Hội Chữ thập đỏ có làm cho ngôi nhà chống bão làm bằng sắt. Ở nóng quá, nên ổng giữ lại cái khung sắt rồi đi xin gạch, xi-măng của công trình làm đường bê-tông, về tự tay xây nhà nên mới chắp vá rứa đó. Tội lắm! Hồi xưa, không ai bì được ổng về sức khỏe, dạo ni thì yếu rồi… ”.

Suốt cuộc trò chuyện, ông không hề than thở về sự nghèo khó của mình. Có chăng là lúc tôi hỏi ông có được hưởng chế độ chính sách dành cho những người từng đi chiến trường K. không, ông nhướng đôi chân mày bạc thếch nhìn tôi ra chiều phân vân lắm: “Tui có biết cái chi đâu. Hồi sinh thằng út, khi còn ở Tam Thái ấy, tui ra xã làm giấy khai sinh. Không hiểu sao lại thất lạc giấy xuất ngũ, thế là chẳng biết phải làm sao nữa”. Tôi bảo ông viết đơn để xin xác nhận lại thời gian từng tham gia quân ngũ ở chiến trường K., ông lúng túng rồi e dè đề nghị tôi làm giúp vì ông không biết thủ tục làm như thế nào. Tôi bày cho ông cách thức viết đơn. Đến lúc đó, người hàng xóm xen vào: “Hay là cô viết cho ổng đi? Ông không biết chữ…!”.Hỏi thăm, mới thấy chuyện đời ông cũng lắm sự buồn…  Ông được sinh ra trong một gia đình đông anh em. Sau giải phóng, nghe theo tiếng gọi xây dựng quê hương, ông xung phong vào lực lượng xung kích tham gia làm CTĐTNPN. Dạo ấy, lực lượng thanh niên xung kích quê ông đảm nhiệm làm kênh ở khu vực Tam Thái. Vốn hơn người về sức khỏe, lại chăm chỉ, nên trong khi để đầm đất nền lòng hồ phải cần đến 2 người vừa khiêng đầm vừa đầm, thì ông chỉ làm một mình. Hết đầm đất lại chuyển sang gánh đất, chở đất. Ban đầu phải gánh trên 2 cái trạc tre, về sau có xe cải tiến, ông một mình một xe với cái xẻng đi hơn 2 km để xúc và chở đất về đầm lòng hồ, ngày nhiều nhất là 12m3, ngày ít nhất là 8-10m3 khối đất, đá. Trong cuộc thi đua năm 1978 trên công trình Phú Ninh, sức khỏe và sự chịu thương, chịu khó đã mang về cho ông danh hiệu kiện tướng cấp tỉnh. Năm 1979, chiến sự ở Tây Nam bùng nổ, ông lại theo tiếng gọi của Tổ quốc tòng quân sang chiến trường Campuchia chiến đấu, đến năm 1983 thì xuất ngũ. Trở về quê nhà, ông tình cờ gặp người con gái tên On, thua mình một tuổi, quê Hội An, đang làm công nhân tại công trình thủy điện Phú Ninh. Họ nên duyên vợ chồng và rủ nhau lên Trà My lập nghiệp. Ở vùng rừng thiêng nước độc này được 3 năm, sau cái chết của đứa con gái mới lên 3 tuổi bị hen suyễn, vợ chồng ông quyết định bồng đứa con thứ 2 mới được 6 tháng tuổi quay về quê ông sinh sống. Vợ chồng ông xoay xở mua một miếng đất ở thôn Đại An, làm căn nhà tạm để trú mưa, trú nắng. Kể từ đó, nghề chính của ông là lên rừng mót những cành củi khô chở xuống chợ bán. Không ai còn nhớ đến ông với danh hiệu kiện tướng một thời. Ngay chính bản thân ông cũng… quên điều đó.

Một kiện tướng khác quê ở Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng), sau khi rời công trình, trở về quê làm nông và đi xe ôm, đó là kiện tướng Phạm Lại. Vợ ông cũng là “người Phú Ninh”. Khác với trường hợp ông Võ Mua, cơ ngơi của vợ chồng ông Lại khang trang hơn rất nhiều, kết quả của cả một quá trình lao động vất vả, tằn tiện tích góp… Sau khi rời khỏi Phú Ninh, năm 1980, họ nên vợ nên chồng. Để mưu sinh, vợ chồng ông người thì đạp xe thồ, người thì làm nông. Không làm sao kể hết được sự vất vả, đầu tắt mặt tối mà vợ chồng ông phải đối mặt trong những năm tháng bao cấp ấy. Có năm, mưa bão đổ về, cả nhà phải dắt díu nhau lên căn gác xép tránh lụt. Gặp phải gió to, nhà tốc mái không có tiền lợp lại, phải chạy vạy khắp nơi. Về sau, nhờ tích góp, ông “đổi đời” từ xe đạp lên xe máy nhằm tiện cho kế sinh nhai… Dù cực, nhưng lòng tự trọng của kiện tướng một thời không cho phép ông than nghèo, kể khổ. Không muốn kể lể về thời mưu sinh gian khó đã qua, suốt buổi chuyện trò, vợ chồng ông toàn nhắc kỷ niệm thời Phú Ninh- cái thời mà cả hai xem là đẹp nhất của tuổi thanh xuân, nơi sự hồn nhiên, trong sáng, yêu đời đã góp phần làm tăng thêm nhiệt huyết để họ cống hiến hết sức mình, góp phần làm nên CTĐTN lớn nhất nhì cả nước vào thời điểm ấy. Ở đó, những giọt mồ hôi, cả máu và nước mắt của những thanh nam, nữ tú đã đổ xuống để làm nên những con kênh đưa nước từ lòng hồ Phú Ninh về tưới mát những cánh đồng khát khô mong chờ nước như trẻ trông chờ mẹ đi chợ về…Đem câu chuyện này trình bày với Chủ tịch UBND H.Phú Ninh Huỳnh Tấn Đức, tôi nhận được từ nơi ông sự ngạc nhiên. Ngay lập tức, ông gọi điện thoại yêu cầu xác minh về trường hợp này, đoạn cho biết: “Trong năm 2012 này, huyện có chủ trương xóa hết nhà tạm trong dân. Dù là ai, có phải là đối tượng chính sách hay không cũng được hỗ trợ để giúp đỡ. Nếu quả đúng có chuyện như vậy, chúng tôi sẽ giúp đỡ ngay…”. Hai tuần sau, tôi quay lại Phú Ninh chở ông lên CAH nhận giấy tờ bị thất lạc. Trước khi chia tay, tôi biếu ông ít tiền. Ông rơm rớm: “Sao cô cho chi nhiều vậy?”…

Nhìn đôi bàn tay đen sạm, sần sùi vì những năm tháng lao động vất vả của kiện tướng Phạm Lại, tôi chợt nhớ đến câu nói của bậc đàn anh gắn bó với công trình thủy lợi Phú Ninh ngày ấy rằng: “Dù ở đâu, anh em B Phú Ninh Hòa Vang cũng dặn lòng sống sao để không hổ thẹn với tuổi thanh xuân đã qua… ”.

Bút ký: P.Thủy

Nguồn:cadn.com.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About kesitinh355

Bài viết liên quan

Đánh ghen quá đà, coi chừng đi tù!

(trangtinphapluat.com)- Ngày 8-5, sau khi điều tra, xác minh, Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *