TP – Thời trai trẻ trên đại công trường thủy lợi Phú Ninh, ông trần lưng đào xúc cả chục tấn đất đá mỗi ngày chỉ với cái cuốc vố (cuốc chim). Giờ tuổi già, ông đi mót từng nhánh củi để mưu sinh…
Kiện tướng Võ Mau hằng ngày kiếm củi sống qua ngày. Ảnh: N.T. |
Cuốc vố Võ Mau
Góc trưng bày tại trung tâm Văn hóa thông tin TP Tam Kỳ (Quảng Nam), có một hiện vật khá lạ là chiếc cuốc với vài dòng chú thích: “Cuốc vố, anh Võ Mau (Tam Thái), kiện tướng công trình thủy lợi Phú Ninh. Năm 1978, mình anh một cuốc vố đào hơn 10 tấn đất đá/ngày”. Hỏi nhân viên và lãnh đạo trung tâm địa chỉ cụ thể và hoàn cảnh của kiện tướng bây giờ, ai cũng lắc đầu.
Về xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, người dân và chính quyền địa phương cho biết ông Võ Mau vẫn còn sống, nhà ở xã Tam Đại, cách công trình thủy lợi Phú Ninh khoảng 2km. Lân la dò tìm mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được kiện tướng hồ Phú Ninh thủa nào. Ngôi nhà của ông nằm bên dòng kênh xanh dẫn nước về xuôi, cuối thôn Đại An. Căn nhà thấp lè tè cách cửa đập Phú Ninh không xa.
Người đàn ông ngoài 60 tuổi vừa vác củi từ trên núi về, thấy có khách lạ, vồn vã mời vào nhà. Ngôi nhà do Hội chữ thập đỏ xây dựng cho gia đình ông hơn 10 năm nay chưa tô trét gì. Trống trơn không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng và chiếc xe đạp cũ kĩ phương tiện duy nhất ông mưu sinh nuôi vợ và hai con mấy chục năm nay.
Cái cuốc vố Võ Mau được lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa thông tin TP Tam Kỳ. |
Hồi ức của ông dẫn chúng tôi về một thời nơi đại công trường. Ông quê xã Tam Thái, nhà nghèo, không học hành, không biết chữ nghĩa, năm 1977, đại công trình hồ thủy lợi Phú Ninh khởi công, chàng trai Võ Mau vừa tròn 21 tuổi cùng mọi người lên đường theo tiếng gọi xây dựng quê hương trên công trường Phú Ninh.
Hồ Phú Ninh rộng lớn, hàng chục ngàn thanh niên cùng đào đất, phá núi ngăn dòng. Võ Mau được nhiều người biết đến bởi sức khỏe phi thường, tinh thần làm việc hăng hái và quyết tâm.
Ông kể, ngày đó phong trào thanh niên xứ Quảng lên đường góp sức làm công trình thủy lợi hồ Phú Ninh cả mấy chục ngàn người, không kể nam nữ. Công trình kéo dài tới 10 năm với khối lượng công việc khổng lồ. Hàng ngàn thanh niên như đàn kiến nhỏ, chăm chỉ, cần mẫn chở từng xe đất, đắp đập, ngăn dòng, làm nên kì tích mang tên hồ Phú Ninh – đại công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, lớn thứ nhì cả nước.
Không máy móc, tất cả đều dùng đến sức người, chàng trai Võ Mau một cuốc vố, một xe cải tiến làm từ sáng tới trưa và thấu chiều.
“Mỗi ngày, một mình tôi một cuốc, một xe cải tiến, bắt đầu từ 4h sáng đến 11h trưa. Ăn uống nghỉ ngơi 30 phút lại bắt đầu công việc tới tối. Ngày qua ngày, tháng qua tháng thanh niên chúng tôi không ai bảo ai kiên trì với công việc cao cả. Vì không có máy móc phải làm bằng sức người nên tay chân ai cũng chai sần. Một người được bồi dưỡng mỗi tháng bằng mấy cân đường và 2 đồng tiền bấy giờ. Cực nhọc nhưng nghĩ đến lợi ích khi công trình hoàn thành nên ai cũng hăng say”, ông Mau kể lại.
Tính ra mỗi ngày ông chở trên dưới 70 lượt xe cải tiến, ngày khỏe thì 10 khối đất đá, ngày mệt thì 7-8 khối. Cùng nhận danh hiệu kiện tướng với ông còn khoảng 3-4 người nữa. Giờ mỗi người một nơi, không biết ai còn ai mất.
Ông Võ Mau bên hồ Phú Ninh nơi một thời ông được phong là kiện tướng lao động. |
Khó nhọc đời thường
Năm 1978, ông được phong kiện tướng lao động sau hai năm tình nguyện, đổ mồ hôi nơi đại công trường. Tháng 2-1979, Võ Mau lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia, đến năm 1983 rời quân ngũ.
Giọng hào sảng hăng say bỗng chùng xuống khi ông nhắc đến gia cảnh của mình: “Không biết chữ, giấy tờ thất lạc, mất sạch sau một lần cháy nhà. Nhiều lần lên xã lên huyện làm chính sách nhưng không được. Con cái cũng không được học hành đến nơi đến chốn giờ cũng chỉ đi phụ hồ nuôi thân”.
Hồ Phú Ninh được khởi công từ năm 1977 đến năm 1985 hoàn thành. Hồ có diện tích mặt nước rộng 23.409 ha, gồm hơn 20 đảo lớn nhỏ là hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung, lớn thứ 2 cả nước sau hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).
Công trình đại thủy nông Phú Ninh 344 triệu m3 nước đảm bảo tưới tiêu cho 23.000 ha đất canh tác. Hồ Phú Ninh được công nhận là di tích lịch sử thắng cảnh cấp quốc gia. Là địa chỉ du lịch lý tưởng cho du khách mỗi khi đến Quảng Nam. |
Biết hoàn cảnh của gia đình ông, UBND xã Tam Đại quan tâm nhưng cũng chỉ giúp ông bằng phần phụ cấp 120.000 đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng ông ngày ngày lên rừng kiếm củi rồi chở xuống chợ Tam Kỳ bán, mỗi ngày cũng chỉ được dăm ba chục ngàn sống qua bữa.
Đang ngồi nói chuyện, một phụ nữ dáng cao, tóc đã bạc trắng bước vào chào khách. Ông mau lên tiếng: “Vợ tôi đó, một thời là hoa khôi của công trường hồ Phú Ninh đó”.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị On vừa vác củi trên rừng về còn đầm đìa mồ hôi. Bà On quê tận Hội An, tham gia xây dựng hồ Phú Ninh năm 1978. Nể phục trước sức khỏe phi thường, tinh thần hăng hái của ông, bà đem lòng yêu mến. Năm 1983, ông Mau xuất ngũ, hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau hai mặt con trai.
Dẫu bộn bề khó khăn, hai người vẫn gắn bó với nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Cả gia đình chỉ được một sào ruộng nước, cày cấy chăm bẵm cũng chỉ đủ gạo ăn trong vài tháng.
“Chuyện yêu đương ngày đó nhắc làm gì nữa. Gia đình cấm đoán nhưng tôi vẫn yêu. Vợ chồng giờ cũng đã già, chỉ mong con cái sau này không còn khổ sở như bố mẹ nó”, bà On tâm sự.
Hình ảnh hai vợ chồng già đèo từng bó củi đã quá quen thuộc với nhiều người buôn bán ở chợ Tam Kỳ. Nhiều người nói đùa, giờ ông Mau là “kiện tướng chở củi”. Công trình hồ Phú Ninh đã hoàn thành, những con kênh dẫn nước về tắm mát cho khắp cánh đồng quê. Nhưng dòng nước đó vẫn chưa làm mát lòng người kiện tướng một thời. “Âu cũng là cái số. Biết oán trách ai bây giờ”, tiếng ông Mau thở dài theo dòng nước ngọt về xuôi.
Ông Thái Hữu Niệm – Phó chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết: “Hoàn cảnh sống của ông Võ Mau thật sự khó khăn vì tuổi già, bệnh tật. Biết là vậy nhưng điều kiện của địa phương có hạn chưa thể giúp được gì hơn ngoài suất trợ cấp nhỏ, và trợ cấp gạo vào các dịp lễ tết. Các chế độ chính sách ông Võ Mau không có vì giấy tờ thất lạc hết. Hiện địa phương đang làm chế độ thanh niên xung phong cho ông, nhưng tất cả còn phải chờ cấp trên”.
Nhắc đến chuyện giấy tờ, thủ tục lại nghe chạnh lòng. Một ông lão không biết chữ, giấy tờ đã cháy rụi theo nhà, không biết đến bao giờ vị kiện tượng già mới được hưởng chính sách xứng với công sức của ông. Và liệu còn bao nhiêu kiện tướng hồ Phú Ninh nữa, như ông?
Nguyễn Thành
nguồn:tienphong.vn