(Cadn.com.vn) – Đầu thu 2012, có dịp về lại Hồ Phú Ninh (Quảng Nam), nhìn dòng nước xanh trong theo kênh xuôi về tưới mát những cánh đồng, tôi chợt nhớ đến một người con của Đà Nẵng: Thoại Ngọc Hầu. Ở miền Tây Nam Bộ, đi đến đâu, cũng có đền thờ vị đại công thần này, để ghi nhớ công ơn khai phá, tổ chức nên hệ thống kênh mương dọc miền sông Hậu… Trộm nghĩ, tại sao những con người đã góp công sức làm nên công trình Đại thủy nông Phú Ninh (CTĐTNPN) như hôm nay chưa được tạc tượng?
35 năm đã trôi qua, CTĐTNPN vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị to lớn đối với sự thay đổi và phát triển của tỉnh Quảng Nam.
Lật giở càng nhiều trang hồ sơ về CTĐTNPN, tôi càng khâm phục nên những con người đã tạo nên dòng nước mát vô tận như hôm nay: Sau ngày đất nước thống nhất, diện mạo tỉnh QN-ĐN tiêu điều, xơ xác. Sống nhờ nông nghiệp, thế nhưng, nhiều vùng như Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình và một phần của Duy Xuyên… cả người lẫn đất chỉ biết trông chờ vào sự ban phát thất thường của nước trời. Đời sống người dân sau chiến tranh đã khốn khó lại càng khốn khó hơn. “Tất cả cho lương thực” đã trở thành khẩu hiệu hành động hàng đầu được đặt ra. Trước sự thúc bách của việc phát triển lương thực cho đất nước cũng như người dân địa phương, Ban thường vụ Tỉnh ủy QN-ĐN và ngành Thủy lợi tỉnh lúc bấy giờ luôn canh cánh tìm giải pháp tưới tiêu đồng ruộng. Và, giải pháp được nhắm đến là việc lấy nước từ lòng hồ Phú Ninh…
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Nam, vào thời Pháp thuộc, người Pháp đã có dự định xây dựng hệ thống thủy lợi lấy nước từ lòng hồ Phú Ninh và đã có thiết kế công trình với sức tưới hơn 20.000 ha. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, dự án này đã không được đầu tư thực hiện. Đến 1965, chính quyền Ngụy cũng có ý định nghiên cứu lại phương án làm thủy lợi theo hướng lấy nước từ sông Nhơn Trạch, song nghiên cứu cũng chỉ là nghiên cứu… Một tư liệu khác cho biết, năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn tổng phản công, thì ở QN-ĐN xảy ra nạn đói trên địa bàn nửa tỉnh phía nam do nắng hạn làm vụ lúa tháng 3 mất trắng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến- Hành chính tỉnh chủ trương đắp đập thác Mui, ngăn sông Tam Kỳ, đào kênh dẫn nước về tưới cho các cánh đồng đang khát khô. Do thời cuộc chiến tranh, việc tính toán nóng vội, thiếu điều tra khảo sát thực tế và thẩm định khoa học nên kế hoạch đã không thành công…
Nước Phú Ninh xuôi về tưới mát cho những cánh đồng phía Nam của tỉnh Quảng Nam. |
Một năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1976), trước sự cấp thiết về vấn đề lương thực, lãnh đạo tỉnh QN-ĐN và ngành Thủy lợi tỉnh trong quá trình nghiên cứu, tìm phương án giải quyết về vấn đề nước tưới cho các cánh đồng phía nam của tỉnh đã được Bộ Thủy Lợi cung cấp thông tin quan trọng: sơ đồ thiết kế thủy lợi Phú Ninh do Pháp để lại hiện vẫn còn được lưu giữ… Được sự ủng hộ, giúp đỡ hết mình của các cán bộ Bộ Thủy Lợi, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và lập phương án, Ban Thường vụ tỉnh ủy QN-ĐN đã nhiều lần ra Hà Nội xin T.Ư cho phép được làm thủy lợi Phú Ninh theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ông Tuấn nhớ lại: “Chưa có một thiết kế nào được làm nhanh đến vậy. Theo đó, Viện Thiết kế Thủy lợi do đồng chí Phan Sĩ Kỳ làm Trưởng đoàn đã vào Quảng Nam để tiến hành khảo sát lại địa bàn trên cơ sở bản đồ từ thời thuộc Pháp để lại. Đây là công trình vừa thiết kế vừa thi công, thi công đến đâu là đưa vào phục vụ đến đấy…”. Nhật ký công trình ghi nhận: ngày 29-3-1977 khởi công công trình làm kênh chính, 14-7-1977 làm đập đầu mối; 29-3-1979 đã làm lễ chặn dòng giai đoạn 1 và năm 1980, dòng nước đầu tiên của Phú Ninh chảy trong lòng núi qua cống Nam, vượt Cầu Máng Cà Khai dẫn tưới một số cánh đồng lúa của xã Tam Xuân, xã Núi Thành thuộc huyện Tam Kỳ (cũ)…
Nhớ vụ đầu tiên ở Tam Xuân, một bà mẹ chiến sĩ đã rơi nước mắt nhớ con, khi được đong những ang lúa vàng trong kho hợp tác. Có thơ rằng: “Mẹ cười giọt lệ rơi theo/Lúa ơi!Có Đảng mới nhiều thế ri/Thương con từ lúc ra đi/ Ánh lên trong mắt xanh rì đồng chiêm”… Đến ngày 26-3-1985, sau 9 năm thi công với việc huy động hơn 18,5 triệu ngày công của hàng ngàn thanh niên, người dân QN-ĐN, dòng nước mát từ lòng hồ Phú Ninh đã đưa về tận các vùng đất khô cằn sỏi đá. “Có thể nói, đó là công trình thủy lợi vĩ đại đối với tỉnh QN-ĐN thời ấy. Công sức mà nhân dân QN-ĐN bỏ ra để làm nên CTĐTNPN là vô cùng lớn, không bút giấy nào tả nỗi. Trên công trình ấy, thấm đẫm mồ hôi mặn và máu của lớp lớp thanh niên trẻ trung, căng đầy nhiệt huyết cống hiến. Và cũng từ công trình này, có những thanh niên đã phải nằm lại trên công trình, chưa được nhìn thấy thành quả của mình bỏ ra để những dòng nước mát Phú Ninh dẫn về tưới tiêu những cánh đồng. Cho đến nay, CTĐTNPN đã tưới tiêu 15.000 ha diện tích lúa của các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành và một phần của Duy Xuyên- ông Tuấn tự hào vì cũng đã từng có mặt trên công trình Phú Ninh, khi đang là giảng viên tại Trường ĐHBK Đà Nẵng tham gia lao động XHCN tại đây…
Dù tuổi đã cao, lại vừa từ bệnh viện trở về sau cơn ốm nặng, nhưng khi biết mục đích chuyến viếng thăm của tôi, mắt ông Trần Đình Đạm- nguyên Trưởng Ty Thủy lợi tỉnh QN-ĐN, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN- sáng ngời: “Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy QN-ĐN ngày ấy về việc xin T.Ư xây dựng CTĐTNPN là một quyết định mang tính lịch sử, không chỉ đơn giản để phục vụ việc tưới tiêu mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống của người dân phía nam của tỉnh QN-ĐN, thay đổi môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, tạo điều kiện xóa bỏ những tập tục, thói quen sản xuất lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân”. Ông bình luận: “Công trình ấy là một công trình đặc biệt. Phương châm “Tất cả cho Phú Ninh” đã được toàn dân ủng hộ. Nhà nước chỉ đầu tư cho đập chính, kênh chính, phần còn lại đều huy động từ công sức của nhân dân. Công trình không gây lãng phí, thất thoát, không có tham ô, tất cả đều vì công trình. Nhà nước bỏ ra đồng nào thì vào công trình đồng đó. Chính vì vậy, qua 35 năm, đến nay, công trình vẫn vững chắc, đập chính, kênh chính vẫn được đảm bảo”.
Có thể nói, CTĐTNPN là một công trình thủy lợi lịch sử có giá trị và ý nghĩa nhiều mặt trên con đường phấn đấu xóa đói nghèo, lạc hậu, đồng thời là biểu hiện của tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người lãnh đạo tỉnh QN-ĐN thời ấy. CTĐTNPN ngày ấy đã đưa gần 1,2 triệu dân Quảng Nam thoát khỏi cảnh thiếu cái ăn trong những năm 80 của thế kỷ trước…
Bút ký: P.Thủy
nguồn:cadn.com.vn