Tin mới

PHÚ NINH: MỘT THỜI VÀ MÃI MÃI, Bài III: Chuyện tình trên công trình Phú Ninh

Photobucket(Cadn.com.vn) – Trên CTĐTNPN ngày ấy, giữa cái nắng như nung của những mùa hè khắc nghiệt cùng cái lạnh thấu da của những mùa đông giá rét, tình yêu sáng trong đã đâm chồi nảy lộc. Cho đến nay, sau 35 năm kể từ khi khởi công CTĐTNPN, vợ chồng ông Đồng Sỹ Hùng (58 tuổi) và Trần Thị Mạo (Một- 53 tuổi) vẫn nhớ như in chuyện tình nên thơ của mình…

Qua khỏi cánh đồng Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam) rẽ vào con đường đổ bê-tông chừng 3km, ngôi nhà vợ chồng ông Hùng hiện ra khang trang trên nền đất cao vuông vức. Cả hai trông rất đẹp đôi dù đã gần bước vào tuổi lục tuần. Chỉ qua vài câu chào hỏi xã giao, vợ chồng ông đã để lại trong tôi một ấn tượng thật ấm áp bởi sự thoải mái, hồn hậu. Tôi hỏi ông Hùng: “Sao trong hàng nghìn cô gái tham gia trên CTĐTNPN, chú lại “chấm” mỗi cô? Cô có phải là tình đầu của chú không?”. Ông Hùng dí dỏm: “Chuyện tình cảm ấy mà, khó nói lắm! Thấy hợp, thấy cùng hoàn cảnh nên thương thôi”. Cái cùng hoàn cảnh mà ông đưa ra chính là hoàn cảnh ông thì mồ côi bố, còn cô thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông thương cô cái nết chịu thương, chịu khó. Còn cô “mết” ông bởi lối ăn nói có duyên, hay lam hay làm và rất chân thành. Biết nhau từ cái thời cùng có mặt trong đội quân xung kích lên làm thủy lợi ở Tam Dân, nhưng mãi đến lúc kéo quân ra Bình Phú (Thăng Bình), ông mới ngỏ lời. Nhớ lại giai đoạn này, không hẹn mà gặp, cả hai cùng đỏ mặt ngượng ngùng như chuyện xảy ra vừa mới đây thôi. “Hồi ở ấy, nữ và nam ở chung dãy lán trại nhưng chia ra theo tả, hữu. Đến 9 giờ tối là giờ giới nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không ai được léng phéng. Cổ và tui làm khác tổ, nhưng không hiểu sao trong số rất đông nữ thanh niên ngày ấy, tui chỉ để ý mỗi mình cổ. Cổ siêng làm, chịu thương, chịu khó, tính hiền lành, ít nói lắm. Cháu không biết hồi đó cực thế nào đâu. Tất cả đều làm bằng thủ công, đâu được cơ giới hóa như bây giờ. Đã thế, ăn uống còn kham khổ, có bữa ăn cơm, có bữa cơm độn sắn lát dày cộm, có bữa ăn bánh “chập chập”. Cháu biết bánh chập chập là chi không? Là bột sắn, sang lắm là bột mỳ nhào thành bột rồi chập chập lại thành bánh luộc lên ăn với nước mắm đại dương (lấy muối pha thêm với nước chè và đường bánh). B Quế Sơn  những ngày đầu có nhiệm vụ gánh đá, sau khi ra Bình Quế thì chuyển sang làm kênh, gánh đất. Làm trời nắng cực theo kiểu trời nắng, làm trời mưa cực theo kiểu trời mưa. Những hôm trời mưa, bọn tui đi gánh đá chân phải bám chặt vào đá vì sợ trượt do đá trơn. Mà thành ta-ly bờ kênh thì cháu biết rồi đấy, đâu có dễ đi… Khổ vậy đó, nhưng chưa khi mô tui thấy cổ than. Hồi ấy, ngoài sự “quản lý” chặt chẽ của cấp trên, ý thức tổ chức kỷ luật của từng cá nhân cũng cao lắm, nên dù có yêu nhau cũng để trong lòng… Một lần sau bữa cơm tối, trước giờ sinh hoạt tập thể, tui đánh bạo ghé qua lán trại nữ gọi cổ ra và nói: “Ra đây anh nói chuyện chút xíu…”. “Sao chú biết cô cũng có tình ý với mình mà dám tỏ tình?”- tôi tò mò. “Người ta có thương mình thì mới đồng ý ra cho mình gặp chứ. Hồi xưa, người ta giữ ý, giữ tứ lắm!…”. Nghe chồng kể chuyện xưa, cô Mạo cười, nụ cười hiền lành, ý nhị: “Thật ra, thoạt đầu, tui cũng “ngợp” ảnh lắm. Hồi ấy, ảnh hát hay lắm, nói chuyện rất có duyên nên cũng được nhiều cô để ý. Ban đầu thì vì mến tài hoa, sau thì… thương lúc nào cũng chẳng rõ”.

Vợ chồng ông Hùng cùng những kỷ vật liên quan đến Phú Ninh được vợ chồng ông lưu giữ lại cẩn thận. Ảnh: P.T

Khi đã thương nhau rồi, mỗi lần nghỉ phép về quê, cả hai thường hẹn nghỉ phép cùng một lúc. Tình cảm trong sáng ấy cứ thế mà lớn dần lên, tưởng sẽ đơm hoa kết trái trong bình yên. Nào ngờ, khi cả hai quyết định tiến đến hôn nhân thì gặp phải rào cản lớn. Nhớ lại giai đoạn này, cả hai lại nhìn nhau chia sẻ. Khi biết cô quen  ông, họ hàng bên gia đình cô đã phản đối kịch liệt. Lý do là lý lịch nhà ông quá “nặng”, sợ ảnh hưởng về sau. Vốn là người sống nặng nghĩa gia đình, nên khi nghe họ hàng phản đối, cô phân vân lắm. Một cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra dữ dội, giằng xé cô trong một thời gian khá dài. Để tịnh tâm, cô đề nghị với ông chuyện hôn nhân “để từ từ đã rồi tính sau”. Khi nghe cô nói vậy, ông lặng đi. Dù vậy, ông vẫn cố nén nỗi buồn, vẫn quyết tâm kiên định tới cùng với tình yêu đã chọn. Mỗi lần về thăm quê, nghe mẹ thúc hối chuyện lấy vợ, miệng thì nói “mẹ yên tâm chờ vài tháng nữa, sẽ có dâu…”, nhưng lòng thì rầu thối gan, thối ruột… Kể về giai đoạn tình yêu “nếm mật nằm gai” này, ông không khỏi chua xót: “Cháu không biết đâu, thời kỳ đó, vấn đề về lý lịch nghiêm trọng lắm. Cũng vì chuyện lý lịch mà tui không được học lên cao hơn. Ước mộng của tui là trở thành giáo viên. Âu cũng là một giai đoạn lịch sử. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Tui cứ “gan lì”, “đẹp trai không bằng chai mặt” mà, nên cuối cùng cổ cũng tin tưởng, không dao động nữa, quyết tâm theo tui đến cùng. Thấy cổ quyết tâm quá, gia đình bên ấy cuối cùng cũng đồng ý cho hai đứa đến với nhau. Đến năm 1980, tui và cổ xin tổ chức cho về quê để cưới”.

Qua ông bà, tôi được biết, ở với nhau cũng đã hơn 30 năm, nhưng chưa khi nào giữa 2 người “canh không làm, cơm không ngọt”. Tôi hỏi bí quyết, ông bà cười: “Bí quyết chi. Hễ người ni nóng thì người kia nhịn và ngược lại là được mà. Ông bà mình có câu rồi: “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê”. Trong ngôi nhà hạnh phúc, giữa buổi trưa mùa hạ, ông đã hát cho tôi và vợ ông nghe bài hát “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng/Mồ hôi muối lưng em bạc trắng/… Ngay trên công trường ta đã mến yêu nhau…”. Nhìn bà ngắm ông khi hát, tôi hiểu được sức mạnh tình yêu đã giúp họ vượt qua được rào cản để đến được với nhau thật tuyệt vời thế nào. Họ có với nhau 5 người con, 2 trai, 3 gái…

Theo lời ông Hùng, thì ngoài vợ chồng ông, ở Quế Sơn còn có 3 cặp vợ chồng cũng gặp nhau trên công trường Phú Ninh. Ở B Hòa Vang Phú Ninh, ngoài vợ chồng kiện tướng Phạm Lại, còn có thêm 4, 5 cặp khác cũng nên duyên vợ chồng, hiện sống hạnh phúc. Theo lời “anh cả” B Hòa Vang Phú Ninh Nguyễn Văn Cư, trong số đó có nhiều cặp tổ chức cưới ngay trên công trình. Nhớ đến những đám cưới tập thể này, ông Cư không khỏi tự hào: “Chúng tôi cho xe về quê chở cha mẹ hai bên lên công trường dự cưới. Chứng kiến cảnh chúng tôi tổ chức lễ cưới trang trọng, đàng hoàng, có gia đình đã bật khóc. Đám cưới ngày ấy không như bây giờ, mâm cao cỗ đầy nhưng vui ra phết, thấm đẫm tình anh em, đồng đội. Hòa Vang được tiếng là cây văn nghệ, nên anh em tham gia hát mừng cưới rôm rả lắm…”.

P.T
(còn nữa

Nguồn:cadn.com.vn

About kesitinh355

Bài viết liên quan

Đoàn thanh niên xã Tam Đại thực hiện các phần việc trong xây dựng mô hình dân vận khéo năm 2024

Năm 2024 Đoàn thanh niên xã đăng ký mô hình dân vận khéo cải tạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *