Trước khi đi vào đàm phán những nội dung chính yếu của hiệp định, đã có một cuộc đấu trí căng thẳng giữa ta và Mỹ để thống nhất cách thức ngồi vào bàn hội nghị thế nào.
Quang cảnh Hội nghị Paris. Ảnh: TƯ LIỆU
LTS: Sau quá trình đấu tranh ngoại giao cam go và căng thẳng kết hợp nhiều yếu tố quân sự, chính trị, cuối cùng bản hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris ngày 27-1-1973, mở đường cho dân tộc Việt Nam giành lại độc lập và thống nhất nước nhà.
Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris (27-1-1973 _ 27-1-2013), Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt bài của tác giả Lê Phong Lan nói về chiến thắng không chỉ trên mặt trận ngoại giao xung quanh cuộc đàm phán lịch sử này.
Sự kiện tết Mậu Thân 1968 đã trực tiếp buộc chính quyền Lyndon B. Johnson phải xuống thang chiến tranh và tìm kiếm một giải pháp chính trị để rút khỏi cuộc chiến tại Việt Nam. Từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên cho đến khi hội nghị bốn bên chính thức diễn ra tại Paris là một câu chuyện dài đấu trí, đấu lý căng thẳng, kiên trì và bền bỉ giữa ta và Mỹ.
Bước ngoặt làm đảo lộn toan tính của Mỹ
Ngay từ thời điểm năm 1967, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chủ trương đẩy mạnh mặt trận ngoại giao, kết hợp vừa đánh vừa đàm để chuyển sang giai đoạn mới của cuộc chiến. Phía ta đã nhiều lần đề nghị Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, tiến tới thương lượng giữa hai bên. Về phía Mỹ, một số nhân vật cấp cao cũng bắt đầu nhận thấy sự cần thiết của con đường thương lượng hòa bình.
“Có độ 4-5 nhân vật cấp cao tỉnh táo, thức thời. Họ đã sớm nghĩ tới việc Mỹ nên rút khỏi cuộc chiến này và rằng cần chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam để đi vào đàm phán, tìm cách đưa quân Mỹ về nước. Người đầu tiên nghĩ đến điều này là McNamara. Người thứ hai là một giới chức tình báo Mỹ” – ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao chia sẻ.
Thế nhưng Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson lúc đó lại không phải là người thức thời. Ông ta đã bỏ qua những lời cảnh tỉnh sáng suốt đó.
Với quyết tâm thực hiện một đòn chiến lược quyết định, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta, cũng trong năm 1967, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã phê chuẩn một kế hoạch tuyệt mật về “Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968”.
Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, quân giải phóng đã đồng loạt tấn công vào 5/6 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn/quận lỵ trên toàn miền Nam, mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Đây được xem là một đòn táo bạo, bất ngờ, choáng váng đối với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
PGS-TS-Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho rằng: “Mục tiêu đích thực lúc đó là chúng ta đánh một đòn chiến lược để buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Chúng ta không bao giờ chấp nhận ngồi hội đàm với Mỹ khi mà bom đạn còn dội lên miền Bắc”.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 được các nhà nghiên cứu đánh giá là một sự kiện lịch sử vĩ đại vì nó đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến tranh, làm đảo lộn mọi chiến lược, toan tính của phía Mỹ.
Sau đợt 1 tết Mậu Thân, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã đơn phương tuyên bố hạn chế hoạt động ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam và chính thức gợi ý về một giải pháp ngoại giao, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).
Những cuộc tiếp xúc đầu tiên
Thời điểm Tổng thống Johnson đưa ra lời đề nghị trên, ta đứng trước sức ép rất lớn từ các nước thân cận (về việc nên hay không nên nhận lời đàm phán với Mỹ vào lúc đó), cũng như việc họ muốn có vai trò trong sự kiện lịch sử này như đã từng xảy ra với Hiệp định Genève.
Tôn trọng ý kiến của các nước anh em nhưng đồng thời vẫn giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chủ trương phải tự mình thương lượng với Mỹ và đã tính toán nhiều khả năng. “Không chấp nhận cũng không được, mà chấp nhận cũng không xong. Ta mới tìm một phương án rất hay, phương án nửa chừng. Không dừng, không bác, mà chấp nhận ngồi tiếp xúc. VNDCCH sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ để bàn tiếp việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc” – nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ lại.
Trong những cuộc tiếp xúc bí mật mang tính “tiền trạm”, hai bên đã có những tranh luận kéo dài về việc lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị. Cuối cùng, ngày 2-5-1968, hai bên thống nhất chọn Paris – thủ đô nước Pháp làm nơi tổ chức cuộc đàm phán lịch sử theo đề nghị của phía VNDCCH. Bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chia sẻ: “Paris có thể nói là trung tâm của châu Âu, đầu mối về thông tin quốc tế rất quan trọng, rất thuận lợi để cả thế giới theo dõi cuộc đàm phán. Nơi đây, chúng ta có rất nhiều bạn bè trong nhân dân Pháp như Đảng Cộng sản Pháp, những phong trào thanh niên, phụ nữ, công đoàn… ủng hộ chúng ta. Phong trào kiều bào ở đây cũng rất mạnh. Có lẽ, phía Mỹ nghĩ rằng Paris ở châu Âu và Paris là thủ đô của nước Pháp đã từng thống trị Việt Nam nên thuận lợi cho họ. Nhưng mà chính ra nơi ấy lại thuận lợi cho chúng ta”.
Ngày 13-5-1968, cuộc họp chính thức giữa hai bên đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên phố Kléber, Paris. Về phía Chính phủ VNDCCH, dẫn đầu là trưởng đoàn Xuân Thủy (Bộ trưởng Ngoại giao), phó đoàn Hà Văn Lâu cùng nhiều chuyên gia và chuyên viên trên các lĩnh vực khác nhau. Đến ngày 3-6, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, được cử làm cố vấn đặc biệt đến Paris tham dự hội nghị. Phía Mỹ, hai nhà ngoại giao kỳ cựu là Averell Harriman và Cyprus Vance được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn và phó đoàn.
Nhắc về những ngày đầu tiên của hội nghị Paris,ông Trịnh Ngọc, nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris, nói đây là giai đoạn đàm phán để giải quyết những vấn đề cơ bản trước khi bước vào giai đoạn tiếp theo. “Từ ngày 13-5-1968, lập trường kiên quyết của Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn và vô điều kiện ném bom miền Bắc thì chúng ta mới bàn những vấn đề khác. Còn phía Mỹ, họ đòi thảo luận cả gói, chính trị, quân sự cùng một lúc. Ta không đồng ý. Cứ dằng dai như vậy, đến ngày 30-10-1968, Tổng thống Johnson mới tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc”.
Hai bên và bốn bên
Ngoài vấn đề then chốt buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom phá hoại miền Bắc, hai bên cũng có những tranh cãi quyết liệt về thành phần các đoàn tham dự đàm phán trong giai đoạn tiếp theo. Cuộc đấu tranh để khẳng định hội nghị bốn bên hay hai bên mang ý nghĩa chính trị rất quan trọng, đặc biệt là trước dư luận thế giới.
Ông Thái kể: “Lập luận của ta là hội nghị này bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nếu không có đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), chúng ta không thể thảo luận được vấn đề chấm dứt chiến tranh. Miền Bắc không thể đại diện cho miền Nam mà phải có mặt của đoàn miền Nam”. Ngược lại, phía Mỹ yêu cầu phải có đại diện của Chính phủ VNCH tham dự hội nghị. Cuối cùng, hai bên cũng đi đến thống nhất về thành phần tham dự hội nghị, gồm bốn đoàn: VNDCCH, MTDTGPMNVN, Mỹ và VNCH.
Trong lúc đấu tranh căng thẳng, cả bàn đàm phán cãi tay đôi quyết liệt, đập bàn đập ghế… thì trưởng đoàn Xuân Thủy lại điềm tĩnh ngồi viết mấy câu thơ tặng cho bà Nguyễn Thị Bình – người được báo chí phương Tây phong tặng biệt danh “Nữ hoàng Việt cộng” với dáng vẻ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng… |
Do lập trường và quan điểm khác nhau, những phiên họp cuối năm 1968 đầu năm 1969, tranh cãi của hai bên chỉ tập trung vào câu chuyện hình dáng cái bàn họp mà các đoàn sẽ ngồi đàm phán. Phía Việt Nam cho đây là cuộc đàm phán bốn bên nên đề nghị một bàn vuông, bốn đoàn ngồi bốn cạnh. Phía Mỹ khăng khăng đàm phán hai bên nên đề nghị một bàn hình chữ nhật, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi một bên, VNDCCH và MTDTGPMNVN ngồi một bên…
Cuối cùng, đến 15-1-1969, hai bên thống nhất chọn bàn tròn, kèm hai bàn chữ nhật dành cho thư ký, theo gợi ý của vị đại sứ Liên Xô. Với kiểu bàn này, hiểu theo bốn bên cũng được mà hai bên cũng xong. Sau này, khi bước vào đàm phán, hai đoàn ta ngồi tách biệt thành hai đoàn độc lập. Riêng đoàn Mỹ và đoàn chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một. Cách ngồi này có lợi cho ta mà bất lợi cho họ trước dư luận thế giới.
Ông Vũ Dương Huân, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao – Bộ Ngoại giao, phân tích: “Không phải ngay sau khi kết thúc giai đoạn hai bên là có hội nghị bốn bên mà phải chờ đến ngày 25-1-1969 thì mới bắt đầu. Vì sao lại phải mất hai tháng trời để khai mạc hội nghị bốn bên? Đây là một vấn đề chính trị. Phía Mỹ tuy đã đồng ý MTDTGPMNVN dự hội nghị Paris nhưng vẫn không thừa nhận sự tồn tại của Mặt trận”.
Sau những tranh cãi gay gắt và bất đồng về quan điểm, lập trường, cuối cùng ta và Mỹ cũng đã đạt được những thỏa thuận chung để bước vào hội đàm Paris, bắt đầu một cuộc đàm phán chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới.
Đạo diễn LÊ PHONG LAN
Kỳ tới: Hình ảnh Việt Nam tại Paris
Nguồn:phapluattp.vn