Hiệp định Paris – dấu son lịch sử – Bài 2: Hình ảnh Việt Nam tại Paris

Hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng…

 

Bà Nguyễn Thị Bình trong vòng tay bạn bè quốc tế. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Trong lịch sử ngoại giao thế giới và ngoại giao Việt Nam, chưa từng có một hình thái đấu tranh đặc biệt như thời kỳ ở Paris. Trên bàn đàm phán công khai, rõ ràng có hai phái đoàn độc lập, đấu tranh trực diện với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Nhưng thực chất hai đoàn đó lại là một.

Phân vaiÔng Trịnh Ngọc Thái, nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris, phân tích: “Vì cả hai đoàn đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất ở trong nước (của Đảng, Bộ Chính trị và Bác Hồ). Ở trong nước chỉ đạo có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, đoàn VNDCCH làm gì, đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) VN làm gì”. Và trên hết, hai đoàn đều có chung một mục tiêu quan trọng là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (CPCMLT CHMN) VN, cho rằng đây là một chủ trương, sáng kiến tài tình, mang tính chiến lược và sách lược của Đảng ta. Hai phái đoàn dưới hai góc độ khác nhau sẽ phát huy được sức mạnh của mình trên mặt trận đối ngoại rộng lớn và sống động, để phục vụ tốt nhất cho mục đích chung. Đoàn VNDCCH đại diện cho nhân dân miền Bắc XHCN, gắn bó với khối XHCN, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế. Còn đoàn MTDTGPMN VN đại diện cho các tầng lớp nhân dân miền Nam đang trực tiếp cầm súng chiến đấu, với một đường lối ngoại giao mềm dẻo, hòa bình và trung lập. Nhờ đó, bên cạnh sự ủng hộ của khối XHCN, chúng ta còn tranh thủ được cả các tầng lớp nhân dân thế giới. “Đó là những người tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình, công lý, kể cả những người sợ cộng sản hay những người không ưa CNXH thì vẫn ủng hộ ta. Điều đó đã làm tăng sức mạnh của chúng ta về chính trị, về ngoại giao. Và cái đó có thể tác động đến chiến trường trong nước của chúng ta” – bà Bình nhấn mạnh.

Ngày 6-6-1969, ngoại giao miền Nam được nâng cao vị thế trên bàn đàm phán khi CPCMLT CHMNVN được thành lập. Về ý nghĩa ra đời của CPCMLT, bà Bình chia sẻ: “Nó không chỉ phản ánh sự lớn mạnh của cuộc đấu tranh trong nước mà còn tạo cho ta một cái thế mới, ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để ngang hàng với ba bên còn lại trên bàn đàm phán. Từ đó nó rất thuận lợi cho ta không chỉ trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các đoàn thể mà còn với cả chính phủ các nước, đến khi giải phóng miền Nam đã có 65 nước công nhận CPCMLT”.

Từ sự phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa hai phái đoàn ta trong toàn bộ quá trình đàm phán, nhiều sử gia nhận xét rằng ngoại giao hai miền Nam-Bắc lúc ấy cực kỳ ăn ý. Ăn ý từ việc xác định nhiệm vụ, phương pháp đàm phán cho từng thời kỳ, từng phiên họp, từng bài phát biểu công khai của các trưởng đoàn, trong họp báo… đến các hoạt động ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân bên lề hội nghị. Tất cả giải pháp thương lượng luôn do đoàn CPCMLT đề xuất và công bố.

Ngoại giao Xuân Thủy

Trong các cuộc họp công khai bốn bên, cố vấn Lê Đức Thọ thường không tham dự. Vai trò “nhạc trưởng” được giao cho Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy – Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH. Giữa lúc phía Mỹ liên tục thay đổi các trưởng đoàn thì ông Xuân Thủy luôn tỏ rõ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sắc sảo và không thể thay thế.

Khi nhắc đến vị trưởng đoàn đặc biệt này, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, cho rằng đây là một con người rất lạ. Lạ vì ông từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí, từ Mặt trận, Quốc hội đến làm thơ, viết báo, chủ nhiệm báo, từ ngoại giao nhân dân đến ngoại giao nhà nước, rồi bước vào bàn đàm phán… “Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phong thái của ông. Ông Xuân Thủy tính tình rất điềm đạm, lúc nào cũng tỉnh táo. Trong lúc đấu tranh căng thẳng, cả bàn đàm phán cãi tay đôi quyết liệt, đập bàn đập ghế, ông ấy lại điềm tĩnh ngồi viết mấy câu thơ tặng cho bà Nguyễn Thị Bình”.

Nụ cười của Bộ trưởng Xuân Thủy trước ống kính truyền hình quốc tế. Ảnh: LIFE

Đã 40 năm trôi qua nhưng ông Hà Đăng – người phát ngôn của Đoàn đại biểu CPCMLT CHMNVN tại Hội nghị Paris vẫn còn nhớ như in phong thái thân thiện, lịch thiệp của nhà ngoại giao Xuân Thủy. “Trước kia nhiều người cứ nghĩ cộng sản cứng nhắc thế này thế nọ. Nhưng khi gặp ông Xuân Thủy rồi thì họ phải thay đổi cái nhìn. Đặc biệt, nụ cười thân thiện của ông đã trở thành một “thương hiệu” không thể nào quên với những ai từng tham dự Hội nghị Paris. Nụ cười ấy dường như không còn của riêng ông nữa mà đã trở thành nụ cười tiêu biểu của nhân dân Việt Nam” – ông Hà Đăng nhớ lại.

Trí tuệ cũng như tài đối đáp sắc sảo, bản lĩnh, uyên thâm của Trưởng đoàn Xuân Thủy trong các cuộc họp hội nghị công khai, đấu tranh trước dư luận, báo chí, trong những cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng trở thành những ấn tượng, giai thoại đặc sắc. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh kể: “Trong một cuộc họp, trưởng đoàn đàm phán Mỹ Averell Harriman nói: “Tôi không bàn chuyện hai bên rút quân, không rút quân nữa. Tôi xin hỏi bộ trưởng (Xuân Thủy) một câu thôi, có quân miền Bắc ở miền Nam không? Bộ trưởng cho tôi một chữ có hay không?”. Ông Xuân Thủy không trả lời có hay không mà trả lời thế này: “Bảo vệ đất nước là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam có quyền chiến đấu ở bất kỳ nơi nào trên đất nước mình””.

“Nữ hoàng Việt cộng”

Trong bốn đoàn đàm phán tham dự Hội nghị Paris, chỉ duy nhất đoàn CPCMLT CHMNVN có thành viên nữ và lại được dẫn dắt bởi một phụ nữ. Chính vì thế đoàn miền Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cánh báo chí và dư luận quốc tế lúc bấy giờ. Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Đoàn ta có năm trong số 15 thành viên là phụ nữ. Tất cả đều là những phụ nữ giỏi và xinh đẹp. Điều này cũng tạo một ấn tượng tốt trong dư luận”.

Cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, thủ đô Paris (Pháp) khi hai đoàn VNDCCH và CPCMLT CHMNVN vào họp. Ảnh: TƯ LIỆU

Ngay từ lúc đặt chân đến Paris, bà Nguyễn Thị Bình đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với biệt danh “nữ hoàng Việt cộng” mà báo chí phương Tây đã phong tặng. Ban đầu, bà tham gia với tư cách trưởng đoàn trù bị, rồi phó đoàn của MTDTGPMN VN, về sau bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao – trưởng đoàn đàm phán của CPCMLT. Bà là người phụ nữ tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của các tầng lớp nhân dân miền Nam, của phụ nữ miền Nam, từ mái tóc búi “giống mẹ của tôi” như nhiều kiều bào nhận xét, đến bản lĩnh và trí tuệ can trường và tinh thần quật khởi, anh dũng của người miền Nam.

Nhà văn Nguyên Ngọc, trong lời giới thiệu cuốn hồi ký của bà Bình, đã nhận xét: “Thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một VN đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin…”.

Trong suốt gần năm năm theo đuổi cuộc đàm phán, bà Bình và các thành viên của đoàn CPCMLT đã hoàn thành sứ mạng của mình trên mặt trận ngoại giao nhân dân, làm cho thế giới hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ lại: “Trong tất cả các vị trưởng đoàn, người được đi nhiều nước và được mời nhiều nhất là bà Bình. Chính nhờ những chuyến đi đó mà bà Bình đã nắm bắt được cơ hội, vận động kết nạp CPCMLT làm thành viên của phong trào Không liên kết”.

Chính sự kết hợp hài hòa, ăn ý giữa hai phái đoàn đàm phán, giữa ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân, ngoại giao hai miền Nam-Bắc, đặc biệt qua hình ảnh, nhân cách và trí tuệ của hai vị trưởng đoàn Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình đã đem lại sự ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân thế giới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, góp phần vào thắng lợi của cuộc đàm phán Paris lịch sử.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Nguồn:phapluattp.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY

About admin

Bài viết liên quan

70 năm tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(https://trangtinphapluat.com – Tư vấn pháp luật) Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *