Nhà tôi là một trong hai ngôi nhà ở xóm Mồ Côi giữa đồng làng có rặng tre xanh và bờ ao lan man hoa súng tím. Phía trước sân nhà là mảnh đất nhỏ mà bà cháu tôi cày cuốc trồng đủ loại rau quả, bán trong những phiên chợ quê họp mỗi tháng ba lần ở gốc đa đầu làng.
Tháng chạp, khi những cơn mưa của mùa đông đã trở nên dịu dàng, mà nội thường gọi là mưa cấy, cũng là lúc hai bà cháu dọn đất trồng cải. Những hạt cải li ti được gieo bởi bàn tay tần tảo của nội vượt lên rét buốt tháng chạp âm thầm nảy mầm từ lòng đất. Ngày nào cũng vậy, tôi cùng nội bắt sâu, chăm chút cho những mầm xanh căng tràn sức sống đang lớn từng ngày. Cải lớn dần được nội tỉa một phần dùng làm rau trong những bữa ăn của miền quê nghèo ngày đó. Số còn lại để giống cho mùa sau. Những cây cải khỏe mạnh còn lại hiên ngang chống chọi với cái rét căm căm của mưa phùn mùa xuân và dần dần hé nụ. Một sớm mai, đập vào mắt tôi là một màu vàng hoa cải, đẹp rực rỡ trong nền trời xanh hanh hao nắng tháng giêng. Những cánh hoa mỏng tang khẽ rung rinh trong nắng sớm. Cơn gió xuân thì thào lướt qua làm rơi những hạt sương long lanh như ngọc vẫn còn ngái ngủ trong giấc xuân nồng. Hoàng hôn, cái màu vàng rực ấy lại nổi bật trên cái nền xanh của đồng lúa đang thì con gái, của bầu trời bao la và mặt trời đỏ ối sau rặng tre. Hoa cải nở, ong rủ nhau về hút mật, từng đàn bướm vàng, bướm trắng rủ nhau về nhởn nhơ bay lượn khoe sắc giữa vườn xuân. Và cả em nữa, cô bé láng giềng của ngày xa xưa ấy. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được vì sao ngày ấy tôi và em lại yêu hoa cải. Chúng tôi bẻ hoa cắm vào lọ, rồi ép vào trang vở và riêng em thì cài lên tóc nữa. Hoa cải có mặt trong lúc cắp sách đến trường, lúc chăn trâu, đánh đáo và cả những giấc mơ đêm của tôi vẫn bạt ngàn cái màu vàng rực đó. Cuối giêng, cải già bà nhổ gốc phơi lấy hạt cho vụ sau còn thân cải dùng làm củi đốt.Thân cải phơi khô cháy rất đượm, nghe thơm mùi cay cay, hăng hăng không lẫn vào đâu được.
(T.T.S)