Một sớm tháng ba, tiếng ve râm ran trong vòm lá gọi hạ gợi cho ta nhớ về món ve non chiên giòn, một món ăn dân dã mà đặc biệt ở những vùng quê.
Ve là loài côn trùng bé nhỏ gắn với kỷ niệm của bao thế hệ học trò. Mùa về chúng kêu inh ỏi trên khắp vòm cây tán lá. Con cái thường đẻ trứng trên vỏ cây, khe đá. Ấu trùng ve nở ra rơi xuống sống dưới đất, hút nhựa rễ cây để sống. Lớn lên chúng tìm đường chui lên mặt đất và lột xác để trưởng thành. Khi ánh nắng cuối ngày dần khép lại cũng là lúc người dân chuẩn bị dụng cụ để bắt ve non. Thông thường từ độ sáu đến bảy giờ tối là lúc ve non chui lên nhiều nhất. Dụng cụ bắt ve rất đơn giản, chỉ cần một cây đèn pin, một xô nước muối là đủ. Ve non từ dưới chui lên, gặp thân cây liền bò lên rất nhanh và dần dần lột xác. Buổi tối, dùng đèn pin rọi vào gốc cây, từ dưới lên rất dễ phát hiện được những chú ve đang thay áo, không lẫn vào đâu được. Bắt được ve, cho ngay vào xô nước muối để chúng chết, kìm hãm quá trình thay vỏ. Một đêm, độ hai tiếng đồng hồ, nếu ở khu vực có nhiều cây mà loài ve hay ở như sưa, kêu lá tràm một người có thể bắt được một đến hai ký ve. Ve bắt về rửa cho sạch, để cho ráo nước. Lửa hồng đang rực trên bếp, dầu sôi trên chảo, cho ve vào một lát rồi hạ lửa nhỏ dần cho khỏi bị cháy. Loài côn trùng non này hầu như không có xương, lại nhỏ và mềm nên rất nhanh chín. Dưa leo thái mỏng, rau ghém đã sẵn sàng, thêm tí muối tiêu hoặc nước chấm tùy sở thích của mỗi người. Gắp chú ve non nhẩn nha nhai từng tí để cảm nhận được hương vị của đất trời, của tự nhiên tan chầm chậm trên đầu lưỡi. Nghe vị ngọt mát của dưa leo, mùi thơm của rau húng và cay của hồ tiêu. Tất cả hòa quyện vào nhau càng tăng thêm sự đậm đà của ve non.
Ánh trăng của những ngày tháng ba đang chảy nhễ nhại trước hiên nhà. Trong cái nóng của đêm hè oi ả, còn gì thú vị bằng khi được ngồi dưới gốc cây khế trước sân thưởng thức món ve non và vài cốc bia lạnh. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để xua tan cái nóng của mùa hè.
(Thanh Sơn)
Nguồn: Tạp chí Thế giới trong ta (Số 412)